Người và hổ quần nhau liên tục, bụi giữa sân bay lên mù mịt. Trong khi đó, dân chúng vây quanh xem đông nghịt.
Nỗi khiếp sợ của xóm làng
Khi đến nhà võ sư Nguyễn Hồng Đỏ (quận 7, TP.HCM), chúng tôi cảm thấy ấn tượng với logo của phái võ Tân Khánh Bà Trà (TKBT) được ông phóng to, treo trang trọng ngay giữa gian chính. Ngoài những binh khí đao, kiếm, lao… thì tấm logo gợi lên nhiều điều về phái võ TKBT. Đó là hình ảnh một võ sư tung cú đá chí mạng vào đầu con hổ trong tư thế rất đẹp. Hiện nay, logo trên quần áo của phái TKBT cho các môn đệ theo học là hình ảnh một võ sư đang đánh một con hổ lớn. Đây chính là bắt nguồn từ những trận đả hổ của các bậc tiền bối. Những trận đánh hổ còn được kể vanh vách bởi các môn đệ, nhưng rõ hơn hết vẫn là pho sử sống của phái TKBT chính là võ sư Hồ Tường.
Ngày xưa, Bầu Lòng là một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) còn bình yên. Ngày ngày, những lương dân chí thú khai hoang làm ăn. Họ trồng trọt chăn nuôi gia súc, gia cầm để mưu sinh qua ngày trong sự yên bình. Nhưng một thời gian phá rừng, lập làng, nhiều lần người dân hoảng hốt khi thấy hổ về. Thi thoảng, sau một đêm, người dân mất vài con vật nuôi. Họ nghi là do hổ vồ. Càng ngày, tần suất hổ xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm và bắt vật nuôi trong nhà.
Logo võ phái Tân Khánh Bà Trà võ sư Nguyễn Hồng Đỏ
Những trai tráng trong làng hay những thợ săn tìm đủ cách để đuổi thú dữ về rừng. Từ việc phục kích, bắn tên tẩm thuốc đến dùng chó săn xua đuổi hổ đi… nhưng xem ra, các biện pháp ấy không ăn thua. Lũ hổ quá hung dữ. Nhiều thợ săn nhìn thấy mà mất vía, không bắn được mũi tên nào. Họ sợ bắn trật thì hổ sẽ vồ tới và xé xác làm mồi.
Tương truyền, một lần, hổ định bắt con trâu của một lương dân trong làng. Tuy nhiên, đây là một con trâu dữ nên nó húc lại con hổ. Sau đó, không hiểu vì sao, một đàn trâu gặm cỏ gần đó chạy lại tiếp viện, làm hổ thua cuộc bỏ chạy về rừng. Từ đó, mỗi khi có hổ về, dân làng lại dắt con trâu, thần hộ mệnh tới, làm con hổ rút lui. Từ khi hổ về làng, dân chúng hết sức khốn đốn, làm ăn, sản xuất kém vì sợ hổ vồ. Họ chỉ tính toán thời điểm hổ xuất hiện để làm việc đồng áng. Nghĩ cách chống thú dữ, những ông hương chức trong làng bèn tính phương án mượn súng về đuổi hổ.
Thế là ông hương quản cùng một số thanh niên lực lưỡng ngồi trên xe trâu tiến về dinh ông cai tổng để mượn súng. Sở dĩ phải dùng xe trâu là sợ hổ vồ khi đi ngang qua những con đường nhỏ, nhiều cây rừng rậm rạp.
Thời ấy, mỗi làng cách nhau rất xa, trong khi lại thưa thớt người ở, thú dữ rất nhiều. Vì thế, hương quản và trai tráng phải mượn "thần trâu" áp tải. Nếu có gặp hổ thì tàu kéo sẽ nghênh chiến. Sau vài ngày lội đường vất vả, ông hương quản và đám trai tráng mới về được đến làng. Có súng, dân làng yên tâm và mừng rỡ. Từ đó, lương dân làng Bầu Lòng yên tâm ra đồng làm ăn dưới sự bảo vệ của ông hương quản. Ngày ngày, họ vác súng cùng một số thanh nhiên tuần tra từ đầu làng đến cuối xóm. Buổi tối, dân chúng che chắn cẩn thận.
Quả nhiên, có súng, hổ không xuất hiện. Nhưng được mươi ngày thì hổ lại xuất hiện và làm dữ hơn trước. Như đánh được hơi, biết đường đi nước bước của ông hương quản, hễ ông ở đầu làng thì hổ xuất hiện cuối làng. Còn ông xuống cuối làng thì hổ lại tìm cách phá hoại ở đầu làng. Rồi ban đêm hổ xuất hiện, gầm ầm trời, cả làng không ai ngủ được. Có lần, hổ về bắt hẳn con heo nhà ông hương quản. Vị này định giơ súng lên bắn thì mồ hôi trên trán rơi lã chã vì thấy "ông ba mươi" to và dữ quá. Hôm sau, ông kể cho mọi người : "Nếu tôi bắn không chết thì hổ sẽ thịt tôi".
Có súng nhưng không thể giết hoặc đuổi hổ đi, ông hương chức bèn cử người tìm đến ông cai tổng để xin cách trị thú dữ. Ông cai tổng chỉ đám dân làng lo sợ sang tỉnh Gia Định mời ông thầy Tám ở làng Gia Bẹ, chuyên đánh hổ về. Nghe lời ông cai, hương quản và đám trai tráng tìm và mời ông thầy Gia Bẹ về làng tiếp đãi hoan hỉ bao nhiêu món ngon. Đợi hổ xuất hiện sẽ đánh cho một trận tơi bời.
Lương dân thấy có thầy về trừ hổ cho làng cũng mừng ra mặt và góp phần thịnh đãi ông thầy Gia Bẹ. Bữa cơm đang dùng dang dở thì có tiếng kêu hốt hoảng, hổ về làng. Mọi người đứng trân người chờ thầy Tám chuẩn bị nghênh đón. Khi hổ tiến đến gần, mọi người hốt hoảng, còn ông thầy Gia Bẹ thì chẳng thấy đâu. Nhìn lại, mọi người thấy ông thầy Gia Bẹ mặt cắt không ra máu. Dân làng Bầu Lòng lại rơi vào tình cảnh bất an lo lắng. Còn ông thầy Gia Bẹ cho biết, dù nhiều lần đánh hổ tại làng nhà nhưng chưa bao giờ thấy chúa sơn lâm nào to như thế.
Ngày quyết đấu
Vẫn bị hổ về quấy phá, dân làng làm không được, ngủ không yên. Các chức sắc trong làng lại phái người để cầu cứu ông cai tổng ở Tân Khánh. Nghe xong chuyện ông thầy Gia Bẹ, cai tổng bật cười chê: "To nhỏ cũng là hổ, sao lại nhát thế". Với sự thỉnh cầu của đám lương dân, ông cai bèn cho người mời ông Ất, ông Giá hai đệ tử của phái TKBT đến. Ông này ngỏ lời nhờ hai vị trên đi một chuyến, diệt trừ thú dữ, trả lại sự bình yên cho dân làng.
Nghe chuyện, hai ông đồng ý và vội về nhà nói lại người thân, thu xếp đồ đạc cùng ông hương quản và đám trai tráng lên đường. Đi một ngày đường, họ về tới làng. Trên đường về, ông hương quản và đám trai tráng có vẻ không tin về ông Ất, ông Giá này. Họ suy đoán, chắc cũng giống ông thầy Gia Bẹ. Về đến làng, mọi người cũng tỏ vẻ không mấy lạc quan với hai ông thầy võ. Còn chức sắc lại lo cơm nước khoản đãi. Cơm nước xong, hai ông toan nghỉ tay, lấy sức nghênh đón thú dữ. Tuy nhiên, ngay lúc ấy, bỗng có tiếng gầm rất lớn..
Một thế võ đả hổ của võ phái Tân Khánh Bà Trà
Thời ấy, hai ông Ất và Giá mới 30 tuổi. Ông Ất người to cao, nước da ngăm ngăm. Còn ông Giá lại trắng trẻo, mảnh khảnh hơn. Cả hai ông đều sử dụng roi trường thuần thục. Thấy hổ, ông Giá nhanh tay cầm roi trường, nhảy ra thủ thế. Còn ông Ất thì tỉnh bơ, đứng dựa cạnh cửa, một tay cầm roi, một tay cầm tăm xỉa răng như không có chuyện gì. Thấy thầy võ ra sân nghênh chiến với hổ dữ, dân làng vừa hiếu kỳ chạy ra xem. Giữa khoảng sân đất khá rộng, thấy người xuất hiện, hổ dữ liền nhảy bổ vào tính xẻ thịt, nuốt tươi.
Nhanh trí đoán được ý đồ, ông Giá nhẹ nhàng nhảy sang một bên, tránh cú vồ của thú dữ. Đồng thời ông nhanh tay quất một cú roi đau điếng vào mạn sườn chúa sơn lâm. Hổ tức lồng lộn, nhảy bổ lần nữa vào con mồi nhưng ông Giá với võ nghệ cao cường đã tránh đòn và quất liên tục vào con thú dữ.
Người và hổ quần nhau liên tục, bụi giữa sân bay lên mù mịt. Trong khi đó, dân chúng từ trong ngóc ngách chui ra xem đông nghịt. Còn ông Ất vẫn thản nhiên đứng quan sát, mặc cho ông Giá chiến đấu. Được một hồi, con hổ nằm ngửa, chổng bốn chân lên trời. Nhưng với sự tinh thông cũng như hiểu biết về võ thuật, ông Giá bèn đứng yên, chờ hổ đứng dậy và chiến đấu tiếp. Vì ông biết, hổ nằm ngửa và chổng chân lên trời là thế để giết con mồi. Ai sơ ý nhảy vào là chết ngay. Giới võ gọi đó là thế "trâu vằng" của hổ.
Sau khi con mồi không sập bẫy, hổ đứng dậy. Hai bên lại lao vào trận. Được một lúc, hổ lại lăn ra thủ thế, ông Giá cũng đứng nghỉ lấy sức. Nhưng càng về sau, ông Giá đánh càng ác liệt. Mỗi đường roi của ông mạnh như trời giáng, đánh mạnh vào những chỗ yếu của thú dữ.
Biết không thể hạ gục con mồi, hổ toan tính đường tháo chạy. Khi rút lui chưa được bao lâu thì mọi người nghe tiếng rống của thú dữ rồi mất tăm. Hóa ra, ông Ất đoán biết, trong tình thế đó, con hổ thế nào cũng tháo chạy bèn phục kích diệt hổ. Mọi người không thấy ông Ất đánh hổ nhưng nghe nói lại, chỉ cần một roi là con hổ gục hẳn.
Hổ dữ hoành hành Cảm giác bất an vì thú dữ nơi rừng thiêng, nước độc bắt đầu lan trong dân làng. Quả thế, hổ càng tiến gần với con người và bắt gia súc của lương dân. Những người dân yếu thế chỉ biết dùng những vật dụng trong gia đình như nồi, thùng, mỏ… để đánh, khua cho hổ dữ chạy về rừng. Ban đầu những vật dụng này phát ra tiếng kêu làm hổ sợ thật. Nhưng dần rồi nó cũng quen với những âm thanh đó và đứng trơ trơ như thách thức dân chúng. Chúng đến với mật độ dày hơn, không chỉ vào ban đêm nữa mà cả ban ngày. Người dân sợ khiếp vía, hò nhau tìm chỗ ẩn nấp. Chính vì trận đả hổ kinh thiên động địa đó nên về sau dân chúng mới có câu "Cọp Bầu Lòng - Võ Tòng Tân Khánh". Ý nói cọp (hổ) dữ ở Bầu Lòng do "Võ Tòng" là ông Hai Ất và ông Ba Giá, những môn đệ của phái võ TKBT diệt trừ. Họ đả hổ còn kinh hoàng hơn Võ Tòng bên xứ Tàu nhiều. |