Những dòng sông đang “sống mòn” chờ “chết”

Đặng Giang| 15/04/2016 06:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều dòng sông của Hà Nội đang “sống mòn” chờ “chết”. Đó là lời cảnh báo của nhiều nhà khoa học khi chứng kiến tình trạng ô nhiễm ngày càng tăng trên các con sông chảy qua địa bàn Thủ đô như sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch.

 “Sát thủ” giấu mặt

Hệ thống nước mặt Việt Nam với hơn 2.360 con sông, suối dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Nguồn nước này là nơi cư trú và nguồn sống của các loài động, thực vật và hàng triệu người. Tuy nhiên, những nguồn nước này đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Thậm chí nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết”.

Lý do vì sao nhiều con sông phải “sống mòn” chờ “chết” thì gần như ai cũng biết, đó là do tình trạng đô thị hóa chóng mặt, cùng với khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải khổng lồ đổ vào sông mỗi ngày, mỗi tháng.

Bên cạnh đó, các loại nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp khi vào môi trường mà không qua xử lý sẽ tàn phá nghiêm trọng môi trường, ảnh hướng trực tiếp tới dòng chảy cũng như tuổi thọ của những con sông. Hơn nữa, do không có nguồn nước bổ sung, độ dốc nhỏ khiến tốc độ chảy chậm, nên các dòng sông không có khả năng tự làm sạch, độc tố tích tụ lâu ngày, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước mặt và cả nguồn nước ngầm.

Mức độ ô nhiễm nước trên các con sông như sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tô Lịch đang ngày càng gia tăng do không kiểm soát nguồn gây ô nhiễm hiệu quả. Tình trạng này đang gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, làm tăng nguy cơ ung thư, sảy thai và dị tật bẩm sinh, dẫn đến suy giảm nòi giống. Tại một số địa phương của Việt Nam, khi nghiên cứu các trường hợp ung thư, viêm nhiễm ở phụ nữ, đã thấy 40 - 50% là do từ sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

Những dòng sông đang “sống mòn” chờ “chết”

Sông Nhuệ  đang bị ô nhiễm trầm trọng

Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy ô nhiễm do nước thải sinh hoạt cao nhất, trong đó Hà Nội chiếm 54% lượng nước thải toàn lưu vực. Mỗi ngày, sông nhận hơn 10.000 m3 nước thải từ hơn 1.400 cơ sở y tế. Nước và chất thải từ ngành công nghiệp là yếu tố quan trọng gây suy giảm chất lượng nước mặt sông. Hà Nội chiếm 30% lượng nước thải công nghiệp với hơn 100.000 m3/ngày. Đặc biệt nước thải từ sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều hoá chất như thuốc tẩy, xút, phèn, nhựa thông, phẩm màu... gây hại cho môi trường. Nước thải từ các làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây ô nhiễm.

Dự báo đến năm 2020, lượng nước thải đổ vào các sông sẽ tăng 1,5-1,7 lần so với hiện nay. “Nếu chúng ta không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ có thêm nhiều dòng sông “chết”, các nhà khoa học cảnh báo.

Còn theo khảo sát của Trung tâm Quan trắc môi trường Quốc gia - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy hiện trạng môi trường nước mặt lục địa nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng. Miền Bắc tập trung đông dân cư (đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng) lượng nước thải đô thị lớn hầu hết của các thành phố đều chưa được xử lý và xả trực tiếp vào các kênh mương và chảy thẳng ra sông. Ngoài ra một lượng lớn nước thải công nghiệp, làng nghề cũng là áp lực lớn đối với môi trường nước.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng đã từng đưa ra thống kê: tổng lượng nước thải của khu vực nội thành hiện nay đạt khoảng 500.000m3/ngày đêm, trong đó có khoảng 100.000m3 nước thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, bệnh viện... tất cả lượng nước thải này đổ thẳng ra sông.

Những dòng sông đang “sống mòn” chờ “chết”

Bà Nguyễn Thị Nhài: “Giờ ngang qua sông, tôi phải bịt mồm, nín thở mà đi!”

Bà Nguyễn Thị Nhài, ở Võ Lao (Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội), một người dân sinh sống bên dòng sông Đáy, chia sẻ: “Tôi gắn bó cả đời bên con sông và thấy nó chưa bao giờ đáng sợ như bây giờ. Mùa mưa còn đỡ, chứ chỉ cần nắng hửng lên là toàn sông bốc mùi hôi thối, tanh nồng. Ngày xưa cả làng tôi đều sử dụng nước sông để dùng cho mọi sinh hoạt, từ tắm giặt cho đến gánh nước về ăn. Giờ “thuê tiền không ai dám” làm vậy. Đến ngang qua người ta còn phải đeo khẩu trang, hoặc bịt mồm, nín thở mà đi...".

Làm sao để cứu... sông?

Chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm môi trường của những con sông chảy quanh Hà Nội lại đáng báo động như hiện nay, thậm chí có những sông có hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước vượt đến hàng chục lần, chỉ số ô nhiễm vượt tới hàng trăm lần mức cho phép. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước vượt khỏi khả năng kiểm soát do các hoạt động sản xuất, khai thác, kinh doanh, dịch vụ đang đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để ngăn ngừa ô nhiễm nước. Với nhiều hệ thống xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn, hoặc đã cũ không có khả năng đáp ứng được với yêu cầu xử lý thực tế.

Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cũng đã nhiều lần phối hợp với các tổ chức quốc tế có đánh giá tổng thể tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm giảm nguy cơ và kiểm soát tình trạng ô nhiễm. Nhưng trên thực tế, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính và chưa có khung pháp lý mạnh.

Theo một số nhà chuyên môn thì các văn bản luật pháp về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước của Việt Nam còn nhiều bất cập. “Khâu “ngăn ngừa” chưa được quan tâm đúng mực; khâu xử lý chưa triệt để, thông tin giám sát ô nhiễm và chất lượng nước chưa công khai. Vai trò cộng đồng trong “giám sát” mờ nhạt và đặc biệt nội dung ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước trong văn bản chưa đầy đủ, chi tiết. Vì vậy, Luật ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước ra đời là điều cần thiết”, Luật sư Chu Văn Tiến, Đoàn Luật sư Hà Nội chia sẻ.

Theo một số chuyên gia thì việc xử lý ô nhiễm ở các lưu vực sông không thể ngày một ngày hai mà theo từng giao đoạn khác nhau. Chúng ta lựa chọn vấn đề theo mức độ quan trọng, cái nào cấp bách cần được ưu tiên giải quyết trước. Những vấn đề ít cấp bách hơn có thể đưa vào danh mục để xử lý dần dần. Rất khó để khẳng định sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm ô nhiễm trong mỗi giai đoạn. Do đó, việc ước lượng rằng trong thời gian bao lâu có được kết quả tối ưu là rất khó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến về giải pháp trước mắt được khá nhiều các chuyên gia đồng tình. Đó là tình trạng ô nhiễm nước nghiêm trọng xảy ra chủ yếu ở hàng ngàn những khúc sông, suối nhỏ, các thủy vực gắn liền với khu cụm công nghiệp, các làng nghề và các khu đô thị. Các nguồn ô nhiễm khác bao gồm từ các hoạt động nông nghiệp, các khu dân cư. Do tính chất đa dạng của các chất gây ô nhiễm và độ bao phủ xuyên biên giới của nước, nên tập trung khoanh vùng từng tác nhân gây ô nhiễm rồi xử lý triệt để sẽ giảm thiểu sự “sống mòn” của các con sông.

Theo thống kê và đánh giá của Bộ Y tế và Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới phát hiện, mà một trong những nguyên nhân chính là sử dụng nguồn nước ô nhiễm.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những dòng sông đang “sống mòn” chờ “chết”