Những định hướng, nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi (kỳ 4)

TS. Lê Thu Hà, Phó trưởng Ban I, Văn phòng Ban chỉ đạo CCTP Trung ương| 07/03/2014 09:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) bao hàm tất cả các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, trong đó có hệ thống Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Có nên thành lập hệ thống Tòa án này không và nếu thành lập sẽ giải quyết mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực, Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án như thế nào?

Theo Ban soạn thảo, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng có ý kiến băn khoăn về yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và sự giám sát của các cơ quan dân cử đối với tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; mối quan hệ giữa Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án.

Về các băn khoăn nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy:

Về cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, theo Kết luận số 79-KL/TW thì khi tổ chức lại hệ thống Tòa án với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực thì thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực) và Đảng bộ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và các Viện kiểm sát nhân dân khu vực); các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh chịu sự lãnh đạo của Đảng bộ cấp tỉnh. Cơ chế này vẫn đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo đối với tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Viện kiểm sát nhân dân khu vực (kể cả trường hợp Đảng lãnh đạo đối với đường lối xét xử các vụ án thuộc Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị). Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả cơ chế lãnh đạo của Đảng nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị triển khai thực hiện theo hướng: Thành lập Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh (gồm các tổ chức đảng của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực) là tổ chức đảng cấp trên cơ sở, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Thành ủy; xây dựng quy định về cơ chế thực hiện các mối quan hệ giữa Đảng bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh với Huyện ủy trong việc chỉ đạo, lãnh đạo Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực trong quá trình xét xử, xử lý các vụ án cụ thể liên quan đến đơn vị hành chính cấp huyện.

Về cơ chế đảm bảo sự giám sát của cơ quan dân cử đối với hoạt động của các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, theo Kết luận số 79-KL/TW thì khi tổ chức lại hệ thống Tòa án với việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, thì các Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thực tiễn việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện ở một số địa phương vừa qua đã chứng tỏ việc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giám sát hoạt động của các Tòa án nhân dân cấp huyện thông qua báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt hiệu quả tốt. Để thực hiện có hiệu quả cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị triển khai thực hiện theo hướng: Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực báo cáo công tác của Tòa án cấp mình với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm không chỉ báo cáo công tác của Toà án cấp mình mà còn phải báo cáo công tác của các Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực trước các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp HĐND cấp tỉnh tổ chức việc chất vấn hoặc giám sát theo chuyên đề có liên quan đến lãnh đạo và đơn vị Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực nào thì Chánh án Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực đó phải giải trình, báo cáo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Về quan hệ phối hợp giữa Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực, Cơ quan điều tra và Cơ quan thi hành án, thì hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân chủ yếu gắn liền với Toà án nhân dân thông qua các hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Toà án nhân dân. Đồng thời, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cũng gắn liền với hoạt động của Cơ quan điều tra về một số hoạt động như: Kiểm sát điều tra, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiểm sát việc giam giữ… Các công tác này của Viện kiểm sát nhân dân có thể sẽ gặp khó khăn nhất định nếu tập trung tất cả cán bộ, công chức về trụ sở Viện kiểm sát nhân dân sơ thẩm khu vực. Tuy nhiên, khó khăn này vẫn giải quyết được theo hướng giữ lại trụ sở cũ của Viện kiểm sát ở cấp huyện để bố trí kiểm sát viên, cán bộ, công chức thường trực tại đây và xây dựng quy chế phối hợp liên ngành giữa Công an, Viện kiểm sát, Toà án thì sẽ vẫn giữ được hoạt động bình thường. Vấn đề vướng mắc nhất đối với Viện kiểm sát là việc khám nghiệm hiện trường vụ án, nhưng thực tế công việc này diễn ra không nhiều.

Đối với hoạt động dẫn giải bị cáo và bảo vệ phiên tòa, thì việc áp giải bị cáo đến Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực để xét xử do Công an cấp huyện, nơi khởi tố điều tra có trách nhiệm thực hiện, còn Công an nơi xét xử thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên toà. Riêng đối với Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, với chức năng thi hành bản án dân sự ở cấp huyện thì không có vấn đề gì ảnh hưởng.

Về vấn đề tạo thuận lợi cho người dân khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án, thì khi thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, về cơ bản, các Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ kế thừa đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện có của các Toà án nhân dân cấp huyện là chủ yếu, nhưng có sự sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh, xây dựng và kiện toàn để đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc đối với từng đơn vị và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng địa phương nơi Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực được thành lập.

Riêng đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa mà có địa bàn rộng, hệ thống giao thông, liên lạc không thuận lợi và không phải là nơi đặt trụ sở của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực thì trụ sở của Toà án cấp huyện ở những huyện này được giữ lại làm trụ sở chi nhánh của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực (hoặc trụ sở của Toà án giản lược trong trường hợp xác định thành lập Toà án giản lược trong Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực) để khắc phục khó khăn cho nhân dân có công việc cần đến Toà án. Trong trường hợp này, chi nhánh của Toà án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ là nơi chủ yếu thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự trên địa bàn và xét xử lưu động một số vụ án hình sự theo yêu cầu phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật hoặc các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương. Như vậy, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực sẽ không gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại khi có công việc cần giải quyết tại Tòa án.

(Kỳ sau: Về cơ cấu của Tòa án nhân dân tối cao)

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những định hướng, nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi (kỳ 4)