Năm 2011, kinh tế thế giới suy giảm, tác động mạnh đến kinh tế và thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng để có thể lạc quan trong năm 2012, đó là xuất khẩu và thị trường bán lẻ.
Thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng
Thị trường bán lẻ sinh lời cao nhất
Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong 5 thị trường có khả năng sinh lời cao nhất. Mặc dù kinh tế suy giảm, nhưng dung lượng thị trường vẫn đạt quy mô khá, kết thúc năm 2011 có thể đạt mức 85-86 tỷ USD, đóng góp 15-16% GDP, bằng 80-85% tổng sản phẩm quốc nội. Dự báo, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23-25%/năm và là đích nhắm tới của hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài một khi các rào cản được dỡ bỏ.
Đồng tình với Nghị quyết 11 Điều tra ý kiến các DN về việc Chính phủ có nên kiên trì thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11 tới khi kinh tế vĩ mô bình ổn hay không, đa số DN tán thành với tỷ lệ gần 49% số được hỏi. Phần lớn các DN cho rằng Chính phủ thời gian tới nên nhất quán, kiên định trong các giải pháp nhằm thắt chặt tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. |
Hiện đã có khoảng 600 siêu thị, trung tâm thương mại với mô hình bán lẻ hiện đại, tiện ích, giá cả ổn định, chất lượng hàng hóa bảo đảm, thu hút nhiều tầng lớp người tiêu dùng. Các DN bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã có bước trưởng thành nhanh, có đủ năng lực cạnh tranh vượt qua sự khốc liệt gay gắt trên thị trường. Nhiều DN đã thiết lập được hệ thống bán lẻ khá quy mô…
Bước sang năm 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường, cũng như tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ còn tùy thuộc vào biến động của kinh tế vĩ mô, để giá cả thị trường, quan hệ cung cầu được ổn định và giữ vững, tùy thuộc vào lộ trình thực hiện cơ chế thị trường.
Năm 2012, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ giữa các DN nước ngoài với DN trong nước, giữa hệ thống DN bán lẻ Việt Nam vẫn chưa thực sự bước vào giai đoạn quyết liệt mà vẫn sẽ thầm lặng theo đuổi những mục tiêu dài hạn, chuẩn bị tiềm lực để cạnh tranh khi thời cơ đến.
Bởi vậy, theo nhiều chuyên gia, thời gian tới, cần tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống phân phối bán lẻ là một trong các yếu tố giúp hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa cũng như mở rộng sang các nước trên thế giới.
Mức tăng xuất khẩu kỷ lục
Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010 và tăng gấp 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao, cũng là mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh cả về quy mô và tốc độ, đã góp phần tích cực kiềm chế nhập siêu cả năm ở mức thấp - gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 16%. Tăng trưởng xuất khẩu trở thành điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế năm 2011.
Trong năm 2011, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt cao, tỷ lệ xuất khẩu/GDP lần đầu tiên vượt qua mức 80,7%, vượt xa so với kỷ lục 70% của năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt mức 200 tỷ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 105 tỷ USD. Quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra.
DN vẫn lạc quan: Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2011 mới được công bố, mức điểm bình quân mà các DN đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2011 là 2,04 điểm (4 điểm là mức cao nhất tương ứng với "Rất tốt"). Mặc dù cảm nhận về môi trường kinh doanh hiện tại là không tốt, nhưng điều tra cho thấy kỳ vọng về môi trường kinh doanh những năm tới của các DN tương đối cao. Các DN đánh giá điều kiện và môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2012 ở mức 2,45 điểm/4 điểm. Đa phần, các DN Việt Nam vẫn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Có đến gần 69% DN cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 3 năm tới vì những tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. |
Cùng với việc tăng về lượng, thì giá xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm trước là nhân tố quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm. Theo đánh giá của Bộ Công Thương: thành tích xuất khẩu của cả năm đạt được khá toàn diện. Nhiều mặt hàng đạt kết quả tốt cả về số lượng và giá trị. Nhiều thị trường có mức tăng trưởng tốt như thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Phi, Tây Nam Á…
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu cao như dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện thủy sản, gạo, hạt tiêu, cao su… Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng mới như điện thoại di động, máy móc thiết bị, phụ tùng, phương tiện vận tải, sản phẩm hóa chất, sản phẩm cao su, sản phẩm từ sắn... đã tăng mạnh. Điện thoại di động lần đầu tiên đạt 7,5 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu, chỉ sau dệt may (hơn 13,5 tỷ USD). So với năm 2010, có thêm 2 mặt hàng mới có kim ngạch trên 1 tỷ USD là mặt hàng túi xách, vali, mũ, ô dù và sản phẩm sắt thép, đưa tổng số mặt hàng có kim ngạch 1 tỷ USD trở lên là 23 mặt hàng.
Điều này cho thấy chủ trương phát triển mặt hàng xuất khẩu mới từng bước phát huy hiệu quả, đồng thời phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh là nhân tố cơ bản góp phần giảm nhập siêu, cả năm tỷ lệ nhập siêu ở mức 9,5 tỷ USD, bằng gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp nhất từ trước tới nay.
Tăng trưởng xuất khẩu đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giúp Chính phủ bình ổn kinh tế vĩ mô, tạo ra nguồn ngoại tệ quý giá, thu hẹp chênh lệch thương mại, giữ được tỷ giá đồng tiền Việt Nam ổn định.
Đóng góp tích cực vào thành công của xuất khẩu trong năm 2011, ngoài yếu tố khách quan do giá cả nhiều mặt hàng tăng, có yếu tố chủ quan là phát triển thị trường tốt, tăng được sản lượng xuất khẩu. Các DN ngày càng khai thác được nhiều hơn những ưu đãi từ các hiệp định thương mại song phương, FTA trong khu vực các nước ASEAN, APEC, mở rộng sang các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…
Nguyên nhân quan trọng khác, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều khó khăn, nợ công ở khu vực châu Âu chưa được tháo gỡ, nhiều nước áp dụng các biện pháp tài chính khắc khổ, thắt chặt chi tiêu, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực thị trường này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao là nhờ chất lượng và giá cả hàng hóa phù hợp. Nếu tiếp tục duy trì lợi thế này, DN của chúng ta sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2012.
Mặc dù vậy, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn một số điểm yếu cố hữu nhưng chậm được khắc phục. Điển hình là tính gia công xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Tỷ trọng kim ngạch những mặt hàng là nguyên liệu thô khai thác như dầu thô, than đá… đang giảm dần nhưng vẫn còn lớn. Những mặt hàng chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế như: nông, lâm, thủy sản, những mặt hàng chế biến nhưng mang nặng tính gia công như dệt may, giày dép… đều là những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp.
Linh Trung