Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Thảo Nguyên| 31/12/2017 08:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đối với ngành y tế, năm 2017 đã chứng kiến một bước “chuyển mình” vượt bậc với nhiều thành tựu trước nay chưa từng có.

Nới lỏng chính sách sinh con

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Hiện nước ta có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Chất lượng dân số cũng đối mặt với nhiều thách thức, như dân số trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng lớn nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng chưa cao, mới chiếm khoảng 78,8% dân số.

Hệ quả dân số già đã hiện hữu ngay trước mắt như cấu trúc gia đình thay đổi, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển. Thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu…

Sau hơn 20 năm, Việt Nam thay đổi, chọn chiến lược mức sinh thay thế. Cụ thể là giảm sinh ở nơi sinh nhiều như ở vùng núi, ven biển; vận động sinh đủ hai con ở nơi sinh ít, như tại TP.HCM, nơi đang có tỷ lệ con thấp nhất cả nước. Các biện pháp nhằm cân bằng giới tính khi sinh cũng được ban hành. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt tuổi thọ bình quân 75; chiều cao nam trưởng thành đạt 168,5 và nữ 157,5 cm, khắc phục tình trạng ở nhóm cuối về các chỉ số thể lực ở Đông Nam Á.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Đã đến lúc điều chỉnh chính sách dân số

Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng sâu, vùng xa

Nhằm góp phần tăng cường số lượng và đặc biệt là chất lượng bác sĩ có tay nghề cao cho các địa phương ở những vùng khó khăn, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)".

Ngày 28/6, tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bàn giao 7 bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn.

Dự án là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Qua đó, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Lễ bàn giao bác sĩ trẻ tình nguyện khóa đầu tiên về công tác tại vùng khó khăn

Liên thông kết quả xét nghiệm

Với mục tiêu giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí, từ 1/8, 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh, kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám-chữa bệnh.

Hằng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các bệnh viện đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

Đánh giá của Bộ Y tế cho thấy, chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các bệnh viện đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc liên thông kết quả xét nghiệm sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích

Lần đầu đấu thầu thuốc tập trung quốc gia

Vụ VN Pharma xảy ra như một mốc để thúc đẩy ngành dược phải khắc phục bất cấp trong cung ứng thuốc, chấm dứt sự hỗn loạn của thị trường thuốc hiện nay. Đấu thầu tập trung quốc gia là một giải pháp.

Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế được thành lập ngày 30/12/2016 và ngay trong lần đầu tiên triển khai đấu thầu tập trung cấp quốc gia với 5 hoạt chất (22 mặt hàng thuốc, bao gồm 5 thuốc biệt dược và 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong 2 năm 2018 – 2019, tổng giá kế hoạch của các gói thầu là 2.746 tỷ đồng, giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, tiết kiệm được trên 477 tỷ đồng (giảm được khoảng 17% so với giá kế hoạch).

Mô hình này đang tạo nên một sự đột phá trong việc cung ứng thuốc cho người bệnh với hai tiêu chí đảm bảo giá thành tốt theo xu hướng giảm giá thuốc và phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc với chất lượng theo đúng yêu cầu điều trị.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp chọn ra được thuốc chất lượng tốt và minh bạch về giá

Triển khai gói dịch vụ y tế cơ bản

Gói dịch vụ y tế cơ bản tại Thông tư 39 được Bộ Y tế ban hành, được xây dựng trên nguyên tắc tất cả mọi người dân đều có quyền được hưởng và được đảm bảo để có thể tiếp cận được các dịch vụ cơ bản này một cách đầy đủ và chất lượng.

Theo quy định tại Thông tư 39, Gói dịch vụ y tế cơ bản bao gốm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ bảo hiểm y tế chi trả” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khoẻ”. Tất cả người dân đều có quyền hưởng và được đảm bảo tiếp cận 76 dịch vụ y tế cơ bản và 241 danh mục thuốc kèm theo.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng cơ sở y tế tuyến huyện và xã - vốn được coi là "lực lượng gác cửa" của hệ thống y tế. Việc thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản là giải pháp quan trọng thứ 2 để giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế. Giải pháp đầu tiên là bảo hiểm y tế toàn dân, đang được thực hiện hiệu quả, với tỷ lệ 84% dân số nước ta đã tham gia bảo hiểm y tế.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả sẽ phủ sóng tỷ lệ người dân tham gia BHYT

Ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho không cùng huyết thống

Ngày 16/11, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM công bố đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu từ máu ngoại vi không cùng huyết thống đầu tiên tại Việt Nam.

Bệnh nhân 25 tuổi mắc bệnh ung thư máu, may mắn tìm được tế bào gốc từ máu ngoại vi không cùng huyết thống. Sau 57 ngày được ghép, bệnh nhân đã ổn định sức khoẻ. Để có tế bào gốc ngoại vi, các bác sĩ đã đi tìm kiếm từ Trung tâm tế bào gốc Đài Loan. Tổng chi phí cho ca ghép hơn 800 triệu, được bảo hiểm thanh toán khoảng 80%.

Tế bào gốc từ máu ngoại vi được hình thành từ việc dùng thuốc kích thích từ tuỷ sống. Theo các bác sĩ trường hợp thành công này mở ra hướng điều trị khoa học ghép tế bào gốc không cùng huyết thống từ máu tại Việt Nam để giảm bớt chi phí và cứu chữa cho bệnh nhân bị ung thư máu.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Cứu sống bệnh nhân ung thư máu ở VN nhờ ghép tế bào gốc từ máu

Ca ghép phổi từ người cho còn sống

Ngày 21/2, Bệnh viện 103 - Học viện Quân y đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam. Bệnh nhân được ghép phổi là Ly Chương Bình (7 tuổi). Cả hai lá phổi được ghép đều lấy từ nguồn cho sống là bố và bác ruột của cậu bé.

Ca phẫu thuật kéo dài 10 giờ, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy 2 thùy dưới của hai người cho và ghép vào phổi của cháu bé. Hiện tại, sức khỏe bố và bác ruột cháu Bình là những người cho phổi đều ổn định.

Việc thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên trên người, Học viện Quân y đã ghi tên mình vào bản đồ ghép phổi của thế giới, tạo ra tiền đề để lĩnh vực ghép tạng nói chung và ghép phổi nói riêng ngày càng phát triển. Đây chính là cơ hội và hy vọng lớn cho các bệnh nhân mắc bệnh về phổi.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi được ghép phổi từ người cho sống đầu tiên

Cuộc chia tay vị bác sĩ về hưu

Đó là những hình ảnh chưa từng có trong lịch sử ngành y khi chia tay người Viện trưởng già đầy xúc động, là nước mắt của hàng ngàn nhân viên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và các bệnh nhân...

Hàng trăm bệnh nhân đã chờ kết thúc buổi chào cờ sáng thứ 2 (ngày 2/10) để chia tay một người đặc biệt: cựu Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí, ông Trí chính thức nghỉ hưu từ ngày 1/10.

Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017

Cả ngàn người đẫm nước mắt chia tay vị bác sĩ về hưu

Dành trọn tâm nguyện cho ngành y suốt hàng chục năm, GS Nguyễn Anh Trí và các cộng sự đã làm thay đổi bệnh viện này với nhiều cải cách hiếm bệnh viện làm được, như nâng số giường bệnh lên gấp ba lần; đưa rất nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu, thay đổi cách vận động hiến máu với hàng loạt chương trình như lễ hội xuân hồng, hành trình đỏ...

Những hình ảnh bịn rịn trong buổi chia tay như một làn gió mát xua đi cái “oi bức” trong dư luận nhiều năm qua với những gì liên quan đến ngành y, nghề y.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những điểm nhấn của ngành Y tế năm 2017