Những con số “lạ” về chuyển mạng giữ số

Nguyễn Hương| 26/04/2019 17:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Viettel dẫn đầu về số thuê bao mong muốn chuyển đến trong tháng 4/2019, và cũng là nhà mạng có ít khiếu nại nhất. Trong khi đó, VinaPhone là nhà mạng từ chối thuê bao chuyển đi cao nhất. Nhưng đó chưa phải là điều “lạ” nhất.

Theo số liệu được Cục Viễn thông công bố, tính từ 1/4 đến 21/4/2019, Viettel là nhà mạng dẫn đầu về số lượng thuê băng đăng ký chuyển đến với 53.772 thuê bao, VinaPhone xếp thứ 2 với 48.734 thuê bao và MobiFone đứng thứ 3 với 22.204 thuê bao, Vietnamobile là 364 thuê bao.

Ở số lượng từ chối cho thuê bao chuyển đi, VinaPhone đứng số 1 với 9.163 thuê bao, MobiFone xếp thứ 2 với 6.848 thuê bao, Viettel đứng thứ 3 với 4.665 thuê bao và Vietnamobile là 4.024 thuê bao.

Những con số “lạ” về chuyển mạng giữ số

Số lượng từ chối cho thuê bao chuyển đi của VinaPhone cũng tương ứng với số lượng thuê bao chuyển đi không thành công của nhà mạng cũng đứng vị trí số 1 với 17.165 thuê bao (từ 1/4 đến 21/4/2019). Viettel dù là nhà mạng lớn hơn nhưng có số lượng chuyển đi không thành công còn thấp hơn với 13.194. MobiFone đứng thứ 3 ở con số này (12.701) nhưng là nhà mạng có số thuê bao thấp.

Tương ứng với việc từ chối chuyển đi nhiều nhất và số lượng chuyển đi không thành công lớn nhất, VinaPhone cũng là nhà mạng “dẫn đầu” về số lượng khiếu nại trong số 3 nhà mạng lớn nhất. Theo thống kê của Cục Viễn thông, trong tháng 3/2019, VinaPhone nhận được 576 khiếu nại, MobiFone là 418 và Viettel chỉ có 25 khiếu nại.

Chưa hết, VinaPhone cũng tiếp tục “dẫn đầu ngược” trong 3 nhà mạng lớn về tỷ lệ xử lý khiếu nại của khách hàng với 63%, MobiFone là 77%, riêng Viettel là 100%. Vietnamobile là “ngoại hạng” với 734 khiếu nại nhưng chỉ xử lý có 2%.

Nếu xét ở tỷ lệ thuê bao chuyển đi thành công (hay việc nhà mạng không gây khó dễ cho khách hàng), Viettel đứng đầu với tỷ lệ chuyển đi thành công là 74,2%, VinaPhone đứng thứ 2 nhưng thấp hơn rất xa với 56,5% còn MobiFone là 51%. Trong khi đó, Vietnamobile là 46,8%.

Nhìn vào tỷ lệ chuyển đi thành công, có thể thấy rõ việc nhà mạng nào tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng và không dùng tiểu xảo gây phiền phức cho khách hàng sẽ bị số lượng khách hàng rời đi với chuyển mạng giữ số lớn hơn. Về dài hạn, việc tôn trọng khách hàng sẽ đem lại cho thương hiệu hình ảnh tử tế, nhưng trong ngắn hạn họ sẽ thiệt thòi hơn so với nhà mạng “cù nhầy”.

Trước những bức xúc của người dân khi nhiều doanh nghiệp viễn thông cố tình gây khó dễ cho thuê bao chuyển mạng, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng dừng ngay hành vi cản trở việc chuyển mạng của người dùng di động. Song song với đó, các nhà mạng phải cải tiến việc cập nhật thông tin sao cho tường minh, dễ hiểu với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Theo đại diện Cục Viễn thông, các nhà mạng cần tiếp tục đề xuất cải tiến quy trình chuyển mạng cũng như việc sửa đổi các thông tư hướng dẫn triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số trên nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho người sử dụng.

Hiện các nhà mạng đã tổ chức việc đối soát chéo lẫn nhau hàng tuần đối với các thuê bao bị từ chối chuyển mạng. Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng phải tự động hoá quá trình đối soát dữ liệu, chuẩn hóa dữ liệu khách hàng để giảm việc phải đối soát thủ công.

Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) sẽ tìm cách giải quyết dứt điểm tình trạng các doanh nghiệp viễn thông cố tình gây khó dễ đối với người dùng muốn đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số.

Từ ngày 11/3/2019, Bộ TT&TT đã triển khai đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề chuyển mạng. Theo đó, khi gặp vướng mắc về vấn đề chuyển mạng, người dân có thể liên hệ tới số hotline 18006099 của Cục Viễn thông.

Và để giải quyết dứt điểm tình trạng này, từ ngày 1/5/2019, Bộ TT&TT sẽ ban bố chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70% yêu cầu chuyển mạng phải được thực hiện thành công. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Lúc đó, Bộ TT&TT sẽ có biện pháp xử lý bằng việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những con số “lạ” về chuyển mạng giữ số