Những chung cư “ma ám” trong lòng thành phố? (Kỳ 1)

Hồ An Ngọc (Công lý và xã hội)| 24/09/2013 16:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ít ai biết, ngay giữa Sài Gòn hoa lệ - thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam lại tồn tại những tòa nhà khiến người ta kinh sợ bởi những lời đồn ma ám.

Chuyện về hàng loạt cái chết oan khiên, những lần người âm về quấy phá cõi dương, những tiếng than khóc, nói cười giữa khuya thanh vắng… đã phủ lên các nơi này một bức màn điêu linh, tang tóc, khiến người ta không khỏi hoang mang, run sợ… Rồi từ đó những lời đồn kỳ dị cứ lan ra…

Chuyện người âm về quấy phá

Trong các tòa nhà mang lời đồn “ma ám”, có lẽ đáng sợ nhất là chung cư 727 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5. Chung cư còn có tên gọi khác là Building President, được xây dựng vào năm 1960, theo lối kiến trúc khá đơn giản gồm 13 tầng, chia làm 6 tòa với tổng số 530 phòng, các phòng được ngăn theo diện tích phòng khách sạn. Không chỉ đáng sợ vì những lời đồn ma ám, chung cư này còn tiềm tàng mối họa chết người vì sự hoang tàn, đổ nát đến mức “rình sập” của nó. Cơ quan chức năng đã tính đến phương án di dời dân từ năm 2002, nhưng hiện vẫn còn hơn 100 hộ bám trụ tại đây.

Từ hơn nửa thế kỷ trước, chung cư 727 đã nổi danh với những giai thoại ly kỳ về nhiều án mạng oan khiên và quá trình trấn yểm công phu của ông chủ tòa nhà. Những cụ cao niên sống gần đây đều rất tận tường chuyện đồn đại về những cái chết ở tầng 13 của chung cư. Theo đó, khi nhận được bản vẽ của Building President, nhiều người bày tỏ lo lắng với ông Nguyễn Tấn Đời, một tỷ phú nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ - là chủ đầu tư của tòa nhà - về con số 13 xui xẻo. Nhưng ông Đời gạt phăng, cho đó là những quan niệm không căn cứ, và vẫn cho phép tiến hành xây dựng theo đúng bản thiết kế. Cụ Trần Nhựt Nam (70 tuổi, ngụ phường 1, quận 5) là người đã chứng kiến sự thăng trầm của chung cư 727 kể lại: “Dạo tòa nhà đang xây dang dở đến tầng 13, lính Tây và người dân xôn xao ghê lắm. Người ta đồn ầm lên là cứ đến ngày 13 dương lịch mỗi tháng thì lại có tai nạn chết người ở tòa nhà này. Tôi cũng không tin lắm vào lời đồn kỳ bí đó, nhưng thật sự có rất nhiều nhân công đã bỏ mạng tại đây”. Cũng theo lời cụ Nam, sau khi biết được tai nạn xảy ra quá nhiều tại tầng 13 khi công trình đang dang dở, ông Đời đã mời những bậc thầy phong thủy rất cao tay về để trấn yểm tòa nhà. Từ đó, người dân Sài Gòn cứ rỉ tai nhau tin đồn rùng rợn rằng, thầy phong thủy đã bỏ rất nhiều tiền mua xác 4 trinh nữ, đem về chôn 4 phương để trấn yểm 4 hướng của tòa nhà. Chính vì lẽ đó, nên trước khi đưa vào sử dụng, chung cư 727 trong mắt người dân Sài Gòn đã nổi tiếng với lời đồn về những công nhân chết oan, biến thành cô hồn vất vưởng, bám lấy tòa nhà này.

Những chung cư “ma ám” trong lòng thành phố? (Kỳ 1)

Toàn cảnh tòa nhà bị gán mác “chung cư ma ám” lớn nhất Sài Gòn

Tòa nhà xây xong, ông Đời cho quân đội Mỹ thuê lại toàn bộ để làm nơi nghỉ ngơi cho lính Tây. Sau giải phóng, ông Đời cho nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố thuê làm nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Về sau, chung cư được sung công quỹ và chia cho các cán bộ công nhân viên, ông Đời thì đi xuất ngoại. Hơn nửa thế kỷ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, chung cư 727 chưa bao giờ ngớt đi những lời đồn “ma ám”. Bên cạnh đó, những vụ án mạng xảy ra tại nơi đây càng khiến người ta thêu dệt thêm những chuyện ly kỳ. Án mạng gần đây nhất là vào tháng 2/2013, khi bà Huỳnh Thị Thường Liên, 50 tuổi, gieo mình từ tầng 5, rơi xuống đất và tử vong ngay tại chỗ. Người dân được một phen xôn xao, vì bà Liên trước đây ngụ tại chung cư, nhưng đã chuyển đi từ rất lâu. Không hiểu vì lẽ gì, bà lại trở về gieo mình tự vẫn. Chị Lê Thị Kiều L. (47 tuổi), người bán tạp hóa ở tầng trệt tỏ vẻ bí hiểm: “Chắc bà Liên bị oan hồn đẩy xuống rồi. Mà hồi xưa, lúc còn cho bọn lính Mỹ thuê, chúng nó bắt gái Việt đưa về đây cưỡng bức rồi giết, nhiều lắm. Bởi vậy không linh sao được. Tôi ở tầng trệt, lâu lâu nằm ngủ nghe ai nói chuyện rầm rì ngoài hành lang, bảo lên tầng 12 chơi, mà tầng này người ta bỏ hoang lâu rồi”. Cứ 9 người là 10 câu chuyện khác nhau về “ma ám” tại chung cư 727. Cứ thế, những câu chuyện huyền linh về thế giới bên kia, về chuyện người âm quấy phá tại tòa nhà tồn tại hơn nửa thế kỷ này bị người dân thêu dệt ngày càng dày hơn, và luôn được đem ra làm “món ngon” đãi khách tò mò.

Những chung cư “ma ám” trong lòng thành phố? (Kỳ 1)

Bơm kim tiêm vương vãi của các vị “ma sống”

Đâu là sự thật?

Khu chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, cũng là nơi bị gán cho những lời đồn “ma ám” rùng rợn nhất. Khi chúng tôi tới đây để tìm hiểu thực hư, nhiều người dân liên tục cảnh báo: “Đừng có hỏi, nhắc tới “người ta”, “người ta” ám không yên đâu”. Thế nhưng, sau dăm ba câu chào hỏi thì mỗi người một chuyện ly kỳ, thi nhau kể… Bà Trần Thị B., 52 tuổi kể lại: “Cách đây mấy năm, chung tầng 3 tôi ở có ông giáo dạy cấp 3 mới cùng vợ con dọn về. Ở được 3 tháng ông “chạy mất dép”. Bởi hồi đó, căn ông ở có người thất tình ra sông tự tử mất xác luôn, linh hồn không siêu sinh được nên về đây quấy phá. Tui thấy hoài chớ gì”. Theo bà B và vài người cư ngụ ở đây thì họ thường nghe kể về một thiếu nữ, mặt trắng bệch như người chết đuối, ngồi khóc ở cuối hành lang mỗi đêm. Để xác thực thông tin, chúng tôi tìm đến ban quản lý chung cư, đại diện nơi đây cho biết, chưa hề có vụ án mạng, hay vụ mất tích nào liên quan đến căn phòng kể trên của tầng 3 lô chung cư này.

Tại chung cư Thanh Đa, đa phần chuyện ma cỏ được thêu dệt theo kiểu ma da, oan hồn người chết đuối về đeo bám người dương. Ông Trương Quang Tiến ngụ lại lô V cho biết: “Tại vì chỗ này gần bờ sông Sài Gòn, lâu lâu lại có xác người chết đuối dạt về đây. Dân mình hay “thần hồn nát thần tính”, sợ quá đâm ra ám ảnh rồi “thêm mắm dặm muối” cho thành chuyện để tán dóc, chứ làm gì có ma da nào ở trên cạn này”. Thậm chí, khi lô IV và lô VI của khu chung cư Thanh Đa, thuộc phường 27, bị lún và nghiêng vào nhau, do điều kiện khách quan là địa hình nơi đây vốn gần sông nên không được rắn chắc, khi đến tai người dân thì chung cư bị nghiêng lún là do “thế lực siêu nhiên nào đó nhúng tay vào”(?).

Trở lại tòa nhà 727 Trần Hưng Đạo nơi được gán cho cái mác là “chung cư ma ám” lớn nhất Sài Gòn, chỉ riêng dáng vẻ bên ngoài thâm u, cũ kỹ đã khiến người ta phải rùng mình, nhưng không thấm thía gì so với khung cảnh bên trong. Hầu hết các phòng tại đây đều không nguyên vẹn, tường, trần nhà ngang dọc các vết nứt lớn, những mảng vôi lở, dây điện ngổn ngang, phòng ốc, đồ đạt bỏ hoang lâu ngày bỗng trở nên lạnh lẽo. Ngoài một số phòng người ta ở rải rác, còn lại hầu như chỗ nào của chung cư đều hoang tàn đổ nát. Một số tầng bỏ hoang đã lâu, nên tối tăm, ẩm thấp, xú uế bốc lên tanh nồng, khiến người ta khi mới bước vào đã khó chịu đến gai lưng, ngợp thở chứ chưa cần nói đến chuyện ma mị gì.

Những chung cư “ma ám” trong lòng thành phố? (Kỳ 1)

Chung cư Thanh Đa cũng bị người dân đồn đại là “thánh địa của ma da”

Bên cạnh đó, theo chúng tôi quan sát, có rất nhiều nơi trong tòa nhà trở thành nơi tụ tập tiêm chích ma túy của các đối tượng bất hảo. Bằng chứng là kim tiêm, dụng cụ hút chích vương vãi khắp nơi ở những tầng không còn dân sinh sống. Ông Trần Văn Long, 65 tuổi, là bảo vệ của chung cư 727 hơn 13 năm nay cho biết: “Tôi làm bảo vệ ở đây, làm gì có chuyện ma cỏ quấy phá như người ta đồn, có là có “ma sống” ấy. Bọn thanh niên nghiện hút hay lẻn vào đây hút chích, nên bọn nó tung tin đồn ma quỷ không cho ai dám bén mảng tới để tụi nó dễ tụ tập. Nhiều khi mấy cái trò giả tiếng người âm là tụi nó làm”. Vài người dân ở đây cho biết, do “thể trạng” quá rệu rã nên nhiều khi những tiếng động trong đêm là do vôi vữa bong tróc, rớt xuống, kết cấu chỉ còn là bộ xương trống hoắc nên gió mặc sức lùa vào, tạo nên thứ âm thanh heo hút, ghê người. Tiếng trẻ con khóc - theo ông Long cũng không hề có, bởi những tầng tầm trung rất nhiều mèo hoang đến đây “trú ngụ”. Ban đêm chúng hay kêu la, rên rỉ khiến người ta hoảng sợ rồi thêu dệt thêm nhiều điều.

Còn về việc người dân lần lượt dọn đi vì sợ ma càng không hề có. Ông Long cho biết UBND TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương di dời, tái định cư cho người dân tại tòa nhà này. Đến nay đã di dời được 3 đợt, với khoảng 400 hộ dân sang Khu chung cư mới 109 Nguyễn Biểu. Số hộ dân còn lại vì chưa đủ giấy tờ hợp lệ nên mới ở đây. Ông Long tặc lưỡi nói thêm: “Ở đây hồi đó giờ người ta trụ lại toàn là từ 5 – 6 năm trở lên, đâu có ai mới tới mà dọn đi đâu. Dân mình kể cũng ngộ, sợ ma ghê lắm, mà nghe chuyện ma là hào hứng hẳn lên. Cũng do đó mà những chuyện “khuất mặt, khuất mày” cứ thế bị thêu dệt lên cho rùng rợn. Chứ ma cỏ gì đâu”.

Kì 2: Giai thoại về Hồ con rùa – công trình phong thủy trấn yểm long mạch Sài Gòn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chung cư “ma ám” trong lòng thành phố? (Kỳ 1)