Những cây thủy tùng cuối cùng ở Việt Nam

04/02/2013 12:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khoảng gần 10 năm nay, người ta cho rằng trong nhà có đồ gỗ làm bằng cây thủy tùng (thông nước), ngôi nhà sẽ có sinh khí, tránh được bệnh tật, xua đuổi tà ma, giúp cho gia chủ bình an. Vì thế mà giá trị của loại gỗ này bị đẩy lên cao đến “chóng mặt”.

Một bức tượng Phật Bà, Di Lặc to bằng cái phích Rạng Đông có giá vài chục triệu đồng... Người ta săn lùng thủy tùng chẳng khác nào săn lùng trầm hương, trắc thối, hậu quả loài cây có từ thời khủng long này có nguy cơ tuyệt  chủng. 

Ngày càng hiếm

Trong những ngày hè nóng nực của năm Nhâm Thìn (2012) vượt qua 82 km đường theo Quốc lộ 14, tôi có dịp vào khu rừng bảo tồn còn sót lại những cây thủy tùng cuối cùng ở Việt Nam đó là xã Ea Ral huyện Ea H’leo tỉnh Đắc Lắc. Đến Ea Ral thì trời đã gần tối, gió cao nguyên thổi lồng lộng hòa quyện vào mùi ngai ngái của cây rừng, Tây Nguyên đúng là phóng khoáng và hùng vĩ. Xa xa những đốm lửa đỏ rực cuồn cuộn khói, anh Hoàng Hải, người gốc Thành Nam, vào Tp. Hồ Chí Minh sinh sống có vài hecta cà phê ở Ea Ral cho biết, đó là di dân đang đốt rừng làm rẫy. Dọc Quốc lộ 14, nhiều cánh rừng đã bị tàn phá khủng khiếp để trồng cà phê, trồng cao su... Luật sư Hoàng Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội) người nhiều năm gắn bó với Tây Nguyên, thốt lên chua xót “ở Tây Nguyên, rừng cơ bản đã bị tàn phá”.

Gần tối, đoàn chúng tôi đến xã Ea Ral, vừa đặt chân vào cửa nhà anh Hoàng Văn Hoàn (anh trai Luật sư Hướng), Công an huyện Ea H’leo phụ trách địa bàn xã Ea Ral, nơi có khu rừng bảo tồn thủy tùng. Sáng sớm, sau khi ăn sáng và uống cà phê, anh Hoàn dẫn chúng tôi đến khu bảo tồn thủy tùng cách Công an huyện Ea H’leo khoảng 3km. Gọi là khu rừng bảo tồn, nhưng diện tích chỉ khoảng vài ha, nằm lọt thỏm giữa bốn bề nương rẫy cây cà phê. Xung quanh khu bảo tồn thủy tùng được rào thép gai, bên trong có Kiểm lâm làm chòi canh tại chỗ. Anh Hoàn cho biết, cách đây khoảng 15 năm, cả khu vực đất trũng rộng hàng trăm ha là rừng thủy tùng mọc xanh tốt um tùm. Ngày ấy chẳng có ai để ý đến thủy tùng, người dân cũng ít dùng vì thủy tùng gỗ mềm, lại mọc ở khu sình lầy khó khai thác.

 

Những cây thủy tùng cuối cùng ở Việt Nam

Hồ ở Ea Ral đã hết thủy tùng 

 

Bây giờ thì khác, thủy tùng ở khu bảo tồn hiện còn hơn 140 cây lớn nhỏ, mặc dù được rào dây thép gai, có có Kiểm lâm canh giữ ngày đêm, nhưng thỉnh thoảng thủy tùng vẫn bị chặt trộm. Đi dọc theo hàng rào dây thép gai, đến gần khu vực hồ rộng chừng vài chục ha (người dân địa phương gọi là hồ thủy tùng), anh Hoàn cho biết cách đây vài năm thủy tùng trở nên có giá, mỗi ngày có hàng trăm người lặn xuống đáy hồ mò thủy tùng. Gỗ thủy tùng ở dưới đáy hồ hàng trăm năm có màu xanh đen và mùi thơm đặc trưng rất có giá. Một pho tượng di lặc cao khoảng 1,6m chiều ngang 40 cm có giá gần 300 triệu đồng (được bán tại xã một xưởng chế tác tại Ea Ral). Thủy tùng ngày càng đắt vì hiện nay rất hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng vì bị khai thác trái phép đến cạn kiệt. 

 

Những cây thủy tùng cuối cùng ở Việt Nam

Mảnh của một cây thủy tùng mới bị đốn hạ

 

Theo các tài liệu lưu trữ về loài cây này, thủy tùng trung bình thân cao đến trên 30m, đường kính thân trên  0,6-1m, vỏ dày, hơi xốp, màu xám, nứt dọc, không bị mối mọt, cong vênh, thớ gỗ mịn, và có mùi thơm. Ở Việt Nam, hoá thạch loài này thường gặp ở đầm lầy Lai Châu, Đồng Giao, Đắk Lắk. Riêng ở Đắk Lắk còn 2 quần thể thủy tùng tự nhiên duy nhất ở Việt nam và cả trên thế giới ở huyện là Ea H’leo và Krông Năng hiện đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Thủy tùng là loài thực vật nằm trong sách đỏ và hiện tại vẫn chưa rõ kết quả cuối cùng của việc nhân giống trong ống nghiệm nên rất hiếm. 

 

Hầu hết hàng bán trên thị trường là thuỷ tùng “rởm”

 

Gỗ thủy tùng có rất nhiều màu và nhiều loại vân khác nhau: xanh đen, xanh ngọc bích, tím, vàng, đỏ, nâu đỏ. Như tên gọi của nó, thủy tùng hay thông nước là loài mọc dưới nước hay ven nước, có quan hệ họ hàng khá gần với nhiều loài cây dạng thông khác, do đó nhiều người bị nhầm lẫn hay bị lừa khi mua nhầm phải sản phẩm từ gỗ thông. Nhưng nếu đã tiếp xúc nhiều thì rất dễ nhận biết do gỗ thủy tùng có mùi thơm nhè nhẹ giống gỗ sưa lúc nào cũng tiết ra nhựa, mặc dù đã làm ra sản phẩm. Giá trị tùy thuộc vào chất lượng khúc gỗ và vân trên khúc gỗ. Gỗ thủy tùng tốt phải có độ nặng, có nhiều vân đẹp, thường là vân chỉ hoặc vân chuối rõ nét. Được ưa chuộng hiện nay là loại vân chuối...

 

Tôi ngỏ lời muốn mua một vài sản phẩm làm bằng gỗ thủy tùng “xịn”, anh Hoàn cho biết, sản phẩm đúng là gỗ thủy tùng giá rất “mắc” nhưng cũng khó tìm. Thấy chúng tôi quyết tâm tìm hiểu vấn đề này, anh Hoàn dẫn đến nhà một người đồng hương tên là Loan. Vợ chồng chị Loan nổi tiếng hay lam hay làm lại thích chơi đồ gỗ. Anh Bằng, chồng chị Loan chỉ cho tôi chừng 10 sản phẩm nhỏ nhất là 12 triệu đồng, lớn nhất là 280 triệu đồng. Tôi phát “hoảng” vì vào tận nơi “thâm sơn cùng cốc” cái nôi của thủy tùng mà gỗ đắt như vàng vậy. Anh Bằng giải thích: hiện nay không thể có gỗ thủy tùng tươi được (chặt, đốn, hạ), tất cả các sản phẩm này bằng gỗ thủy tùng người dân đào lên từ đáy hồ cách đây nhiều năm. Tôi thấy sản phẩm làm từ gỗ thủy tùng ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tp. Ban Mê Thuật... rẻ hơn ở đây rất nhiều. Anh Bằng giải thích sản phẩm làm bằng gỗ thủy tùng bán ở các shop gần như là “rởm”. Loại thứ nhất, rởm nhưng cũng còn được là loại gỗ thông giả thủy tùng, vân, màu sắc, mùi thơm gần giống với thủy tùng. Đây là sản phẩm phân biệt rất khó, kể cả những người có kiến thức thực tế vẫn bị nhầm lẫn. Loại giả thứ hai là gỗ vẽ vân sơn màu, phun hương như thủy tùng thật. Loại này cũng rất khó phân biệt, thông thường người mua đặt lòng tin vào người bán... 

 

Những cây thủy tùng cuối cùng ở Việt Nam

Nhà nhiều đồ bằng gỗ thủy tùng

 

Chúng đến tiếp một gia đình nữa cũng ở ngay sát hồ thủy tùng, đó là chị Lắm, người gốc Ninh Bình, di cư vào đây từ năm 1978. Ngôi nhà nhỏ của chị khá nhiều đồ gỗ, trưng một bộ tam đá bằng gỗ thủy tùng cao chừng 1m. rộng 80cm, dày khoảng 12cm bày ở bàn tiếp khách. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua chị đồng ý bán với giá 60 triệu đồng. Khi thấy tôi phân vân về chất lượng gỗ, chị chỉ anh Hoàn và cười: Các anh là người nhà Công an không ai dám bán đồ giả cho các anh. Tôi còn một khúc gỗ thủy tùng chưa đục đẽo, mới đào được các anh mang về thuê thợ đục đẽo là yên tâm. Chị Lắm dẫn tôi xuống nhà tắm chỉ cho tôi khúc gỗ to và dài chừng bằng thùng gánh nước, chị bán với giá 12 triệu đồng...

 

Ở Đồng Kỵ, Từ Sơn (Bắc Ninh), Ý Yên (Nam Định), Tp. Hồ Chí Minh... hiện  nay các chủ xưởng trả nhân công vẽ và tạo mùi trên gỗ lên đến 20 triệu tiền công/tháng. Nghề này “nghệ nhân” học được từ Trung Quốc, và đang là nghề “hot” hiện nay. Nghe đến đây tôi thấy buồn vui lẫn lộn, buồn vì hàng thật, hàng giả lừa dối người tiêu dùng, nhưng vui vì hàng giả đã “cứu” những cây thủy tùng cuối cùng còn sót lại ở Việt Nam.

 

Phạm Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cây thủy tùng cuối cùng ở Việt Nam