Phóng sự - Ghi chép

Những “cây đại thụ” nơi biên giới

Nam Hoàng 02/07/2023 - 23:01

Lâu nay, các vùng đất giáp biên của nước ta vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, đó là tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động mua bán người, mua bán, vận chuyển ma túy, buôn lậu và nhiều tệ nạn khác. Ở những vùng đất xa xôi khuất nẻo này, ngoài cột mốc cứng xác định ranh giới quốc gia còn có những già làng, trưởng bản, người có uy tín, họ vẫn ngày đêm góp công, góp sức bảo vệ chủ quyền, giữ gìn hòa bình, an ninh biên giới và đẩy lùi các loại tội phạm.

Yêu Tổ quốc từ những việc làm bình dị

Với đường biên giới giáp nước CHDCND Lào dài gần 200 cây số, Thanh Hóa là một trong những tỉnh có đường biên dài nhất Việt Nam. Từ lâu, miền biên ải xứ Thanh là nơi quần tụ sinh sống của cộng đồng các dân tộc như: Mường, Thái, Thổ, Dao, H'Mông, Khơ-mú. Trên vùng đất này, sau nhiều năm nỗ lực, Chính phủ Việt Nam và nước bạn Lào đã xây dựng được hàng trăm cột mốc biên giới, đánh dấu chủ quyền của hai quốc gia.

anh-bai-nhung-cay-dai-thu-noi-bien-gioi-1.jpg
Già Phàn Định Xiết: “Yêu Tổ quốc từ những việc làm bình dị”.

Cùng với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, trong suốt thời gian qua, nhân dân miền Tây Thanh Hóa đã nguyện đem hết sức mình, tích cực bảo vệ những cột mốc thiêng liêng. Thật cảm động khi có những người đã tình nguyện đảm đương công việc cao cả này trong suốt hai, ba mươi năm qua như trường hợp của già Phàn Định Xiết - người được ví như một “cột mốc sống” nơi biên ải và đồng thời cũng là một tấm gương sáng trong phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới và bảo vệ an ninh tổ quốc.

Nhà già Phàn Định Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu thuộc huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, nơi có hơn 100km đường biên giới với nước bạn Lào. Đã ở vào độ “thất thập cổ lai hy”, nhưng đều đặn mỗi tuần từ một đến ba lần, già lại “cơm đùm cơm nắm” vượt núi, trèo đèo lên đường biên, phát quang, bảo dưỡng mốc giới. Hành trang già Xiết mang theo trong mỗi chuyến lên cột mốc, ngoài con dao quắm để phát quang bụi rậm, chiếc radio để theo dõi các thông tin chính trị, xã hội của đất nước, cái gậy làm bạn đường trường và nắm cơm để ăn trưa còn có cả tình yêu mãnh liệt đối với mảnh đất biên cương.

Mấy chục năm qua, từ ngày xung phong đảm nhiệm công việc tuần tra, bảo vệ các cột mốc biên giới 285, 286 và 287, con đường đầy những dốc cao chất ngất, đá tai mèo lởm chởm, đá cuội mồ côi trơn trượt đã quá quen thuộc đối với đôi chân già Xiết. Mặc dù Bộ đội biên phòng làm công tác tuần tra biên giới thường xuyên, nhưng già vẫn chăm chỉ góp sức, không chút lơ là.

Khi được hỏi động lực nào khiến già làm như vậy, già Xiết trải lòng: “Mỗi người có một cách riêng để thể hiện tình yêu đối với Tổ quốc. Già yêu Tổ quốc bằng những việc làm bình dị. Việc bảo vệ đường biên, mốc giới không chỉ là nhiệm vụ của bộ đội biên phòng mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Già thấy vui khi được làm công việc này”.

Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của già Xiết là sơn vẽ lại chính xác thông tin, đắp đất những chỗ bị nước xói mòn, phát quang cỏ dại che khuất cũng như ghi chép, mô tả hiện trạng cột mốc. Công việc nghe thì đơn giản, nhưng có băng rừng, vượt núi để lên tận cột mốc, mới thấy để duy trì được công việc đó trong dăm ba năm là cả một sự cố gắng lớn, chứ chưa nói đến cả quãng thời gian dài đằng đẵng mấy mươi năm như già.

Sau mỗi “chuyến đi thực tế”, già Xiết đều ghi chép cẩn thận những thông tin thu thập được và báo cáo ngay với Đồn Biên phòng Quang Chiểu về hiện trạng cột mốc. Những thông tin trong cuốn sổ ghi chép của già là một kênh thông tin hữu ích đối với đơn vị. Có lần, vừa phát hiện cột mốc G6 bị kẻ xấu đập phá, làm sứt một mảng lớn, cụ Xiết liền vội về Đồn Biên phòng Quang Chiểu báo cáo ngay với lãnh đạo đơn vị. Ngay sau đó, đồn biên phòng đã cử chiến sĩ lên cột mốc nắm tình hình, tu sửa lại cột mốc và truy tìm thủ phạm.

Bên cạnh việc làm tình nguyện lên bảo vệ cột mốc, cùng các chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới suốt nhiều năm qua, già làng Xiết còn vận động con cháu, người trong xã tích cực bảo vệ cột mốc, đường biên giới Việt Nam - Lào. Là người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Dao ở xã Quang Chiểu, nên lời nói của cụ Xiết luôn được đồng bào nghe theo. Vì vậy, trong những năm qua, nhân dân xã Quang Chiểu nói chung, đồng bào dân tộc Dao ở bản Suối Tút nói riêng thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Quang Chiểu tuần tra, bảo vệ đường biên giới.

Giờ đây, tuy không còn trẻ nữa, nhưng già Phàn Định Xiết vẫn luôn đi đầu trong các phong trào bảo vệ đường biên, mốc giới, cũng như xây dựng kinh tế, xã hội ở địa phương. Có đứng ở nơi mà chỉ cần một bước chân đã sang đến quốc gia khác, người ta mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc và hai tiếng chủ quyền, mới nhận ra được việc làm của già Xiết thật ý nghĩa và đáng trân trọng. Càng đáng trân trọng hơn, khi đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, già vẫn miệt mài cống hiến...

Góp phần xây đắp tình hữu nghị

Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong việc bảo vệ, giữ gìn đường biên, nhiều già làng, trưởng bản còn góp phần xây đắp thêm tình hữu nghị với nhân dân nước láng giềng, như trường hợp ông Bùi Văn Nghĩa (ngụ ấp Tân Cường, xã Tân Hà, huyện Tân Châu, Tây Ninh), người đã có gần 40 năm gắn bó với vùng biên giới tỉnh Tây Ninh.

anh-bai-nhung-cay-dai-thu-noi-bien-gioi-2.jpg
Ông Bùi Văn Nghĩa - “cây đại thụ” trên biên giới Tây Ninh.

Ông Nghĩa kể, vào mùa mưa năm 2000, một số bà con Khơme thuộc xã Ruông (huyện Mi Mốt, tỉnh Kông pông Chàm, Cam Pu Chia) tập trung hàng trăm người, dùng trâu bò, đồng loạt sang cày, bừa, xạ lúa ngay trên đất của các hộ dân Việt Nam đang canh tác. Bức xúc trước hành động ngang nhiên phá hoại tài sản hoa màu của mình, bà con nông dân Việt Nam tay cuốc, tay gậy đứng ra quyết giành lại đất. Hai bên giằng co nhau gần cả tuần lễ. Phải đến khi chính quyền các cấp và lực lượng quân đội của hai bên đứng ra can thiệp thì tình hình mới tạm ổn.

Sau vụ việc ấy, nhân dân hai bên biên giới cắt đứt quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa, thậm chí còn kêu gọi tẩy chay hàng hóa của nước đối diện. Ruộng đất giáp biên thì không ai dám làm, khu vực làm được thì nông sản không nơi tiêu thụ..., bà con nông dân cả hai bên đều thiệt hại về kinh tế lẫn tinh thần. Tuy rằng đất của ông Nghĩa nằm gần khu vực đó và không bị lấn chiếm, nhưng nhìn thấy tình đoàn kết bấy lâu nay trong phút chốc bị rạn nứt chỉ vì vài thửa ruộng, ông Nghĩa đau lòng lắm.

anh-bai-nhung-cay-dai-thu-noi-bien-gioi-3.jpg
Ông Nghĩa hướng dẫn bà con kỹ thuật gieo trồng lúa.

Với suy nghĩ “giúp bạn là giúp mình, biên giới hòa bình thì mình mới yên ổn làm ăn”, lại được sự hổ trợ của Đội công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tân Hà, cộng với lợi thế có nhiều kinh nghiệm về ngôn ngữ, về phong tục, tập quán của phía bạn, ông Nghĩa quyết tâm hàn gắn lại tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới theo cách riêng của mình.

Đầu tiên, ông mời bạn sang nhà chơi. Rồi ông lại sang nhà bạn. Cứ như thế, mỗi ngày ông gặp một người, hết người này đến người khác. Ông lặn lội khắp các phum sóc, đến những hộ có quan hệ họ hàng, thân tộc hai bên biên giới. Tiếp cận với các hộ mà trước đây có con em, người thân sang xâm canh lấn đất, ông nhẹ nhàng phân tích, chỉ ra cái đúng, cái sai, cái lợi, cái hại. Ông cho các bạn biết bà con Việt Nam đều mong muốn nhân dân hai bên được hàn gắn lại như xưa, hàng ngày cùng nhau ra đồng, cùng nhau mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản, qua lại thăm thân, điều trị bệnh. Như mở cờ trong bụng khi ông biết rằng đó cũng là mong mỏi cháy lòng của bà con nông dân trong suốt thời gian vừa qua.

Thấy rõ hiệu quả từ những việc làm ban đầu của ông Nghĩa, Đồn biên phòng Tân Hà nảy ra ý tưởng liên kết bà con nông dân lại cùng nhau sản xuất, cùng nhau giúp đỡ bạn, cùng nhau bảo vệ đất đai hoa màu, đường biên mốc giới. Được bà con nông dân tán thành, đầu mùa mưa năm 2011, Tổ liên kết sản xuất vùng biên Tân Hà do ông Nghĩa làm tổ trưởng được ra đời từ đó.

Những ngày đầu trở lại đồng, tuy bà con hai bên có hơi dè dặt, ngại ngùng, nhưng rồi cái khoảng cách vô hình đó cũng chỉ thoáng qua, bởi ông Nghĩa đã phá tan không khí đó bằng những kinh nghiệm sản xuất và kinh nghiệm sống của mình. Ông hướng dẫn đồng bào từ cách xịt thuốc, bón phân sao cho hợp lý, cấy cày ra sao để kịp thời vụ…. Ngày qua ngày, trên cánh đồng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ liên kết sản xuất khác, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười.

Cứ thế, hết mùa vụ này sang mùa vụ khác, hễ ông Nghĩa cùng bà con nông dân Việt Nam trồng cây gì, chăm sóc ra sao thì đều chia sẻ, hướng dẫn bà con nông dân Cam Pu Chia (CPC) làm y như thế. Những trường hợp bà con CPC gặp khó khăn về vốn giống, nông cụ sản xuất, ông Nghĩa và bà con nông dân Việt Nam đều vui lòng chia sẻ: Lúc thì cho bạn mượn trâu bò cày đất, khi thì máy gặt, máy kéo vận chuyển hàng nông sản. Thậm chí nhiều lần ông Nghĩa còn đến các cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu tại xã Tân Hà để bảo lãnh cho bà con nông dân CPC được mua phân, mua thuốc thiếu đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Sự đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau đã giúp cho cánh đồng biên giới xã Tân Hà và xã Ruông luôn thanh bình, đầy ấp tình hữu nghị...

Thật khó để kể hết những già làng, trưởng bản, người cao tuổi tiêu biểu trong việc giữ gìn đường biên, cột mốc trên cả nước. Xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước, những “cây đại thụ” nơi biên viễn ấy không quản ngại đi đầu trong mọi phong trào, vận động bà con lối xóm hướng theo con đường tốt để vừa xây dựng cuộc sống của mình tốt đẹp, vừa giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. Hy vọng rằng, rồi đây trên khắp nẻo biên cương đất Việt, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những người như già Xiết, như ông Nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “cây đại thụ” nơi biên giới