Những cán bộ biên phòng tròn cả hai vai

Chiến Văn| 24/01/2020 11:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những người lính quân hàm xanh ấy đã gánh trên mình cả hai trọng trách nặng nề, và “vai” nào cũng đều hoàn thành xuất sắc…

Những ngày cuối năm 2019, chúng tôi có dịp trở lại vùng biên cương Đông Bắc Tổ quốc để tìm hiểu hiệu quả Đề án số 174-ĐA/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh về “Thí điểm chỉ định, bổ sung đồng chí đồn trưởng hoặc chính trị viên đồn biên phòng (ĐBP) tham gia cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, biển đảo của tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020” (gọi tắt là Đề án 174). Có thể nói, chuyến khảo sát đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng đặc biệt bởi tính hiệu quả, thiết thực của đề án và những ý kiến, đánh giá tích cực về sự tham gia cấp ủy địa phương của những cán bộ biên phòng nơi đây.

Địa phương “được người”, biên phòng “được việc”

Trước khi đến làm việc tại các địa phương, nơi có cán bộ biên phòng được bổ sung vào cấp ủy huyện, thành phố, chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh.  Nói về Đề án 174, anh Hải phấn khởi tóm tắt bằng hai cái “được” lớn nhất: Cấp ủy địa phương “được người”, còn lực lượng biên phòng “được việc”.

Những cán bộ biên phòng tròn cả hai vai

Đại tá Trần Văn Bừng, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Ninh tham gia vệ sinh làm sạch môi trường biển.

Anh phân tích thêm: “Cán bộ biên phòng “được việc” vì khi được bổ sung vào huyện ủy, thành ủy sẽ được trực tiếp tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến vào các nghị quyết lãnh đạo; được cập nhật tất cả nguồn thông tin trên các mặt liên quan đến địa bàn. Ngoài ra, còn tăng cường tình cảm, quan hệ giữa lực lượng biên phòng trên địa bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương, giúp công tác xây dựng địa bàn, thế trận biên phòng toàn dân có nhiều thuận lợi. Đối với cấp ủy địa phương, có thêm một cán bộ thuộc lực lượng vũ trang (LLVT) được đào tạo bài bản, am hiểu địa bàn, có uy tín với đồng bào dân tộc trực tiếp tham gia tham mưu, bàn bạc về những vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội mà không phải đào tạo, tuyển dụng, lại không “biên chế cứng” vào số cấp ủy viên hiện tại, đó cũng là một cái “được” rất lớn”.

Còn đồng chí Nguyễn Duy Phương, Trưởng phòng Tổ chức Đảng và Đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, cơ quan được coi là “linh hồn” của đề án không giấu nổi niềm vui: “Trước khi thực hiện Đề án 174, đảng ủy cấp huyện với đảng ủy ĐBP hoạt động theo cơ chế phối hợp, đảng bộ không lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” đối với cán bộ biên phòng trên địa bàn của mình. Vì vậy, trong hoạt động xây dựng nền biên phòng toàn dân, nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới (ANBG) có những lúc chưa được kịp thời, sâu sát. Từ khi được bổ sung vào cấp ủy, các đồng chí là đồn trưởng, chính trị viên ĐBP đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố và cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, ANBG quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới, hải đảo”.

Theo lời kể của đồng chí Phương, có thể thấy, kết quả nổi bật mà các cán bộ biên phòng mang lại là đã tham mưu hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền trên tuyến biên giới đất liền, các hoạt động đánh bắt thủy sản trái phép của tàu cá nước ngoài. Hai năm qua, các đồn trưởng, chính trị viên đã tham mưu cho địa phương xử lý, giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, các vụ tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép. Ngoài ra, còn tích cực tham mưu mở rộng, nâng cao hiệu quả đối ngoại biên phòng. Nhờ đó, toàn tỉnh đã có 8 cặp kết nghĩa giữa các thôn, bản, thị trấn của Việt Nam với các địa phương nước bạn bên kia biên giới, giúp hai bên hiểu nhau hơn, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó, chủ động giải quyết sớm những vấn đề phát sinh từ cơ sở hai bên biên giới.

Ngoài ra, số cán bộ này cũng là lực lượng tham mưu đắc lực giúp tỉnh ban hành và tổ chức phát động, thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, ANBG quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên của cả nước phát động phong trào này. Qua thực hiện phong trào, tỉnh đã thành lập được 271 tổ tự quản đường biên mốc giới với 3.149 hộ tham gia và 438 tàu, thuyền với hơn 3.600 thành viên tham gia quản lý các vùng biển, bến cảng, bến bãi. Những kết quả đó đã góp phần giúp Quảng Ninh giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi phên giậu Tổ quốc.

Chính quyền tin, người dân quý

Tìm hiểu thực tiễn đề án tại huyện đảo Vân Đồn, chúng tôi được đồng chí Tô Văn Hải, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện chia sẻ: “Huyện có nhiều đảo, việc thông thương, đi lại gặp không ít khó khăn. Vào mùa mưa bão, các đảo ngoài xa hầu như bị cô lập hoàn toàn với trung tâm. Từ khi có Thượng tá Võ Hữu Nam, Đồn trưởng ĐBP Ngọc Vừng được trên bổ sung vào huyện ủy, chúng tôi như có được chiếc cầu nối trung tâm với ngoài đảo. Kể từ khi tham gia huyện ủy, anh Nam đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều nội dung rất thiết thực, hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến việc tham mưu cho huyện về công tác quản lý tàu cá, bảo vệ ngư trường, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng; việc phối hợp giữa các LLVT trên địa bàn huyện”.

Những cán bộ biên phòng tròn cả hai vai

Quân y BĐBP tỉnh Quảng Ninh tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người dân. 

Ngồi cạnh anh Hải, Thượng tá Võ Hữu Nam có vẻ ngượng ngùng khi người khác nhắc đến thành tích của mình. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ đảo vào trung tâm huyện anh phải đi xuồng mất hơn một giờ; có tháng, anh tham gia 4-5 cuộc họp do huyện tổ chức, như vậy, chỉ tính việc đi lại cũng chiếm của anh nhiều thời gian, công sức. Vậy nhưng, với anh, những khó khăn đó chẳng có gì đáng kể.

“Được cấp trên tin tưởng phân công tham gia huyện ủy, với tôi đó là vinh dự, nhưng tôi xác định trách nhiệm cũng nặng nề thêm. Từ khi nhận nhiệm vụ, tôi luôn cố gắng làm sao để thực hiện “trọn vẹn đôi đường”. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, hiện nay, chúng tôi đã triển khai xong dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước ngọt cho bộ đội và nhân dân trên đảo và đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để tham mưu cho huyện thực hiện chương trình đưa bà con ở 500 tàu bè lên bờ, giúp họ an cư, ổn định sinh hoạt, xây dựng kinh tế trên đảo”, Thượng tá Võ Hữu Nam tâm sự.

Ở Quảng Ninh, TP. Móng Cái được coi là địa bàn đặc biệt, nơi có cửa khẩu quốc tế với 6 ĐBP đứng chân, trong đó có cả đồn trên bộ và trên biển. Chính vì vậy, theo đồng chí Hồ Đức Quang, Phó bí thư Thành ủy Móng Cái, khi được trên bổ sung thêm Thượng tá Tạ Viết Phong, Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu quốc tế Móng Cái tham gia thành ủy, mọi người đều rất phấn khởi.

“Do đây là địa bàn phức tạp nên có thêm cán bộ biên phòng tham mưu giúp thành ủy trong lĩnh vực bảo vệ chủ quyền ANBG, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, với chúng tôi đó là điều rất đáng quý. Dựa vào tình hình thực tiễn, chúng tôi đã phân công đồng chí Phong phụ trách địa bàn xã Bắc Sơn và phường Trần Phú. Từ khi nhận nhiệm vụ, bằng năng lực, uy tín của mình, anh Phong đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành tốt “3 nhiệm vụ trọng tâm” trong từng năm mà thành ủy giao. Năm 2018, địa bàn anh Phong phụ trách nộp ngân sách vượt 5%; chương trình xây dựng nông thôn mới tại xã Bắc Sơn, địa bàn được coi là khó khăn nhất của thành phố đã về đích trước kế hoạch đề ra”, đồng chí Hồ Đức Quang chia sẻ.

Khi đến huyện biên giới Bình Liêu, chúng tôi có cảm nhận, mỗi lần đến đây là một sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Mảnh đất biên cương heo hút này đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Nhắc về sự tăng cường cán bộ tham gia cấp ủy huyện, đồng chí Nguyễn Xuân Việt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện kể nhiều về những đóng góp của những người lính quân hàm xanh sinh hoạt tại địa phương.

Câu chuyện mà tôi thấy ông tâm đắc nhất đó là việc “di cư” đàn trâu ra khu “chung cư” tại xã Lục Hồn. Đồng chí Việt chia sẻ: “Xã Lục Hồn có thôn Khe O và Cao Thắng 100% đồng bào dân tộc Dao. Bà con nơi đây có thói quen cho trâu “ở chung” nhà với người, rất mất vệ sinh. Cán bộ địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhưng bà con vẫn không thay đổi. Trước thực tế đó, huyện ủy đã giao cho đồng chí Đồn trưởng ĐBP Hoành Mô tìm biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng trên. Bằng uy tín, cách làm phù hợp, cán bộ biên phòng đã vận động được bà con hai bản đồng ý “di cư” toàn bộ đàn trâu ra khu “chung cư” mà huyện và anh em biên phòng mới xây dựng, nằm tách biệt với khu vực sinh hoạt của các hộ gia đình. Nhờ đó, môi trường sống của bà con trong lành, vệ sinh hơn hẳn”.

Ngoài chuyện “di cư” đàn trâu, tôi được biết, cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy còn tham mưu giúp huyện giải quyết tốt các mâu thuẫn phát sinh trên tuyến biên giới, tuyên truyền, vận động bà con nhiều bản, xã bỏ được tục lệ thách cưới cao hoặc hủ tục để thi thể lâu ngày trong nhà khi làm đám tang... Kể từ khi có cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện được đẩy nhanh hơn trước.

Trong chuyến đi của mình, do điều kiện thời gian nên chúng tôi không có dịp đến toàn bộ các địa bàn, nơi có cán bộ ĐBP tăng cường về tham gia cấp ủy địa phương để tìm hiểu, khảo sát kết quả của đề án. Nhưng, qua khảo sát một số địa phương, được tiếp xúc với đại diện chính quyền, người dân, chúng tôi có thể khẳng định, những kết quả mà các đồn trưởng, chính trị viên ĐBP tham gia đề án mang lại là hết sức to lớn. Những kết quả đó đã góp phần làm tăng thêm uy tín của BĐBP với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn đóng quân, thắt chặt tình cảm quân dân ngày càng thắm thiết, hướng tới mục tiêu chung, đó là giữ vững chủ quyền, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cán bộ biên phòng tròn cả hai vai