Thời tiết thay đổi kéo theo những tác động về môi trường như không khí, độ ẩm khiến cho những người có cơ địa quá mẫn cảm với thời tiết sẽ gặp phải những rắc rối về sức khỏe.
Những căn bệnh dị ứng thời tiết bạn có thể gặp phải như: các bệnh về da, á sừng, viêm mũi dị ứng…Một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh dị ứng thời tiết là da nổi phát ban với các mẩn đỏ và ngứa khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh đột ngột. Các vùng da hở như bàn tay, chân, mặt…là nơi dễ bị nổi mẩn nhất.
Trường hợp nguy hiểm khi bị dị ứng thời tiết là nổi mề đay cấp tính. Người bệnh bị nổi ban trên da, thấy ngứa từng đám rất khó chịu, gãi nhiều, càng gãi ngứa càng lan rộng, da vùng tổn thương dày lên từng mảnh, phù nề, nóng bừng, toàn thân bứt rứt, rất khó chịu.
Dưới đây là những căn bệnh thường gặp phải khi thời tiết thay đổi đột ngột:
1. Bệnh về da
Thời tiết thay đổi đột ngột là nguyên nhân dẫn đến bệnh dị ứng thời tiết
Với những người quá mẫn cảm với sự thay đổi về thời tiết như từ nóng chuyển sang lạnh hoặc ngược lại thì thường gặp phải những căn bệnh về da. Ở mức độ nhẹ, trên da sẽ xuất hiện một vài chấm nốt, chỉ trong một thời gian ngắn từ 1 đến vài tiếng rồi lại mất. Nặng hơn là các đám nhỏ, lớn với hình thù tròn, bầu dục, hình bản đồ... Có trường hợp, ban mề đay làm tổn thương niêm mạc ruột gây đi ngoài, nôn, thậm chí gây phù nề thanh phế quản làm suy thở cấp có thể gây tử vong ngay.
2. Bệnh á sừng
Những người có cơ địa mẫn cảm với thời tiết thường xuyên phải đối mặt với bệnh á sừng. Thông thường, bệnh nặng về mùa đông, nhưng ở một số người, bệnh lại nặng về mùa hè nhất là trong điều kiện đang nóng chuyển sang lạnh đột ngột như dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về đợt rét nàng Bân lần này.
Biểu hiện của á sừng là các vết nứt làm da hằn sâu, thậm chí nứt xuống, bong vẩy để lại một nền da đỏ, bóng. Người bị á sừng thường rất ngứa, đau.
3. Viêm mũi dị ứng, đau đầu do thời tiết
Viêm mũi dị ứng do thời tiết sẽ khiến bạn khó chịu vô cùng
Triệu chứng điển hình của viêm mũi dị ứng là hắt hơi, sổ mũi kéo dài, mắt đỏ và ngứa, khô họng, ngạt mũi. Nếu bị nặng có thể lên cơn khó thở, khò khè. Các biểu hiện này tồn tại trong vòng 15-20 phút, sau đó giảm dần. Số cơn xuất hiện trong ngày tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.
Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh, độ ẩm cao. Còn nếu bệnh trở thành mạn tính thì chỉ cần thay đổi thời tiết là xuất hiện, bất kể mùa đông hay mùa hè.
Thời tiết thay đổi sẽ làm cho mạch máu não giãn ra là một nguyên nhân gây đau nhức đầu. Nếu cảm thấy quá đau bạn có thể dùng thuốc giảm đau nhưng không nên lạm dụng.
Cách nào phòng, tránh bệnh dị ứng thời tiết?
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dị ứng thời tiết xảy ra nhiều vào thời điểm giao mùa, hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột. Các triệu chứng dị ứng xảy ra ở từng người không giống nhau nên khi phát hiện triệu chứng của bệnh, bạn cần nhanh chóng tìm cách ứng phó để phòng tránh nguy cơ vùng dị ứng lan rộng.
Cụ thể, khi thấy có biểu hiện dị ứng đầu tiên, bạn có thể dùng bột khoai tây thoa lên vùng da bị dị ứng khoảng 20 phút, nên làm đều đặn mỗi ngày 2 lần cho đến khi những biểu hiện của bệnh dị ứng tự rút lui.
Nước chanh ấm pha với 1 chút mật ong sẽ giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và phòng chống được bệnh dị ứng thời tiết
Ngoài ra, bạn cũng có thể pha chanh với 1 cốc nước ấm cùng một chút mật ong uống vào buổi sáng sớm khi thức dậy, uống đều đặn trong một vài tháng, cách làm này giúp bạn cải thiện hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
Nước hoa quả cũng được xem như một phương pháp chữa trị hiệu quả đối với chứng bệnh dị ứng thời tiết. Uống nước ép trái cây thường xuyên cũng là một biện pháp giúp hệ miễn dịch mạnh khỏe để chống lại các bệnh dị ứng.
Bạn cũng có thể dùng 1 - 2 chén trà xanh mỗi ngày thêm với chút mật ong. Cách này có tác dụng chữa trị khi bạn mắc dị ứng. Nên tránh hút thuốc, dùng đồ uống có cồn, tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa… là những yếu tố nguy cơ cho bệnh dị ứng khởi phát.
Nếu đã thử nhiều cách, nhưng biểu hiện của chứng dị ứng không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kịp thời điều trị. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và dùng thuốc chữa trị dị ứng.