Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Nhiều trẻ vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi, thậm chí tử vong.
Ngày 29/9, bác sĩ Nguyễn Trọng Dũng - Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thống kê trong 3 tháng qua, bệnh viện đã tiếp nhận hàng chục ca bị đuối nước trong tình trạng nặng, trong đó nhiều bệnh nhân tử vong.
Đáng lưu ý có nhiều trẻ tử vong vì đuối nước tại các khu nghỉ dưỡng hay ngoài sông do sự bất cẩn của người lớn.
Bé N. (ở Hà Nội) được gia đình cho bơi ở bể bơi chung cư gần nhà. Mới đầu cháu bơi ở khu vực bể bơi dành cho trẻ em. Khi gia đình không để ý, bé N. đã tự ý sang bể bơi người lớn. Lúc gia đình phát hiện thì bé N. đã chìm dưới nước. Bé N. được vớt lên trong tình trạng ho nôn trớ, tím tái. Sau khi được sơ cứu, N. đã tự thở trở lại.
Thấy con thở lại được và nói chuyện bình thường nên gia đình đã cho bé về nhà. Tuy nhiên, đến đêm bé N. bị ho nhiều, mệt mỏi nên gia đình đưa con đến bệnh viện gần nhà thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé N. bị suy hô hấp, viêm phổi đông đặc và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực, sức khỏe bé N. đã dần ổn định.
Thương tâm nhất là trường hợp bé trai 6 tuổi ở Hà Nội, bé bị đuối nước trong lúc gia đình cho đi chơi tại khu nghỉ dưỡng. Khi gia đình phát hiện bé bị đuối nước thì đã ở tình trạng ngừng thở, ngừng tim.
Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, hôn mê sâu, mất hết phản xạ, đồng tử giãn. Mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cháu bé đã tử vong.
Bác sĩ Dũng cũng cho biết thêm về một chùm ca bệnh tử vong do đuối nước rất đáng tiếc. Đó là trường hợp một gia đình có 3 trẻ ở huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang vào dịp nghỉ lễ 2/9.
Nhân dịp nghỉ lễ 2/9, gia đình cho con, cháu đi tắm sông Lục Nam tại bãi Khẩn, đoạn qua địa bàn thôn Nhân Định. Khi các cháu tắm, trong lúc gia đình không để ý, cả 3 cháu nhỏ bị nước cuốn trôi. Lực lượng chức năng và người dân đã tổ chức tìm kiếm, đưa các nạn nhân lên bờ sơ cứu.
Có 2 bé (9 tuổi và 8 tuổi) được đưa ngay đến Trạm y tế xã cấp cứu nhưng đã tử vong. Còn bé 7 tuổi được đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch.
Theo bác sĩ Dũng, 3 cháu bé bị chìm xuống nước thời gian dài, 20-30 phút sau mới được phát hiện, nên thiếu quá nhiều oxy. Dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, song cháu bé 7 tuổi đã không qua khỏi, tử vong vào ngày 6/9. Đây là những trường hợp rất đáng tiếc.
Sai lầm cần tránh khi sơ cứu trẻ đuối nước
BSCKII Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ ra một thực tế rằng hầu hết người dân vẫn chưa nắm được kỹ năng sơ cứu khi gặp trẻ đuối nước: đó là sau khi đưa trẻ lên bờ nhiều người có thói quen dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy hoặc đang ép tim, hà hơi thổi ngạt cho trẻ nhưng khi tim chưa có nhịp trở lại đã dừng để tiếp tục bế vác… Đây đều là những quan niệm sai lầm do 5 phút đầu là thời gian vàng để sơ cứu trẻ đuối nước.
Việc sơ cứu không đúng sẽ gây chậm trễ khoảng thời gian này thậm chí gây thêm các tổn thương cho trẻ. Hoặc sau khi sơ cứu tại hiện trường, người lớn khi thấy trẻ tỉnh lại thì đưa trẻ về nhà nghỉ ngơi. Tuy nhiên, điều này là không nên và vẫn cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.
Các dấu hiệu có thể rất khó phát hiện như: khó thở, đau ngực kèm theo ho, cơ thể mệt mỏi, thay đổi hành vi… đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng có thể làm nặng thêm tình trạng sức khỏe của trẻ.
Sơ cấp cứu đúng cách - Quyết định sống còn cho trẻ bị đuối nước
Theo bác sĩ Hùng, việc sơ cứu trẻ bị ngạt nước, đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân. Theo đó, các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước đó là:
- Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
- Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí. Kiểm tra xem nạn nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ
- Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
- Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
- Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ, các bác sĩ khuyến cáo, không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, không cho trẻ chơi gần ao hồ, sông suối… Nên có rào chắn nơi ao hồ, dụng cụ vật dụng chứa nước trong gia đình. Có các biển cảnh báo tại sông ngòi, hồ nước…
Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Các khu vực bơi công cộng phải được giám sát bởi nhân viên cứu hộ được huấn luyện về các kỹ thuật cứu hộ. Nhà trường và gia đình nên có các chương trình dạy kỹ năng sống, đặc biệt là dạy bơi cho trẻ để tránh những tai nạn không mong muốn.
Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.