Chỉ vì quá ham những đồng tiền bất chính, nhiều cô gái người dân tộc thiểu số đã tham gia vào việc mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Phải đến khi đứng trước vành móng ngựa, đối mặt với bản án nghiêm minh của pháp luật, họ mới cúi đầu ân hận. Nhưng tất cả đã quá muộn màng...
Buôn bán ma túy để mong... đổi đời
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện biên giới Quế Phong, Vi Thị Hà (SN 1979, trú tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) phải nghỉ học sớm để giúp bố mẹ chuyện nương rẫy. Lớn lên một chút, cô lấy chồng. Chồng cô, theo đánh giá của nhiều người, là một người cần cù, chịu khó và thương yêu vợ.
Tuy nhiên, cũng như nhiều đôi vợ chồng trẻ khác, mấy năm đầu mới lấy nhau, vợ chồng Hà phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là mặt kinh tế. Không hài lòng với cuộc sống “chân lấm tay bùn”, ngày ngày chỉ biết cắm mặt lên nương, Hà quyết định tìm cách “đổi đời”. Khi đang mang bầu đứa con thứ hai vào năm 2008, người phụ nữ này tham gia vào đường dây ma túy trên địa bàn.
Sau đó, Hà bị bắt và bị tuyên phạt 11 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, thời điểm này, Hà đang mang bầu nên được hoãn thi hành án. Thế nhưng, trong thời gian chờ thi hành án, Hà lại tiếp tục phạm tội. Lần này, Hà bị tuyên phạt 6 năm tù về tội mua bán và chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy. Tổng hình phạt Hà phải chấp hành là 17 năm tù.
Sau khi Hà vào tù, chồng Hà rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Năm 2010, chồng Hà không may đột ngột qua đời. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, hai đứa con của Hà rơi vào cảnh bơ vơ. Bố mất, mẹ đi tù. Rất may sau đó hai anh em được ông bà nội, ngoại đưa về chăm sóc.
Đầu năm 2020, do cải tạo tốt nên Hà được giảm án, tha tù trước thời hạn. Tuy nhiên, niềm vui mẹ con đoàn tụ chẳng tày gang, 3 tháng sau, Hà lại “ngựa quen đường cũ”, cô tiếp tục mua bán trái phép chất ma túy và bị công an bắt giữ.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, sáng ngày 23/5/2020, có một người đàn ông ở huyện Hưng Nguyên gọi điện cho Hà để đặt mua hồng phiến. Đến ngày 26/5/2020, Hà thuê xe ôm đến xã Nậm Giải, huyện Quế Phong mua chịu 15 gói hồng phiến, giá 10 triệu đồng của một người đàn ông (không rõ lai lịch, địa chỉ). 12 giờ trưa cùng ngày, Hà cầm theo 15 gói hồng phiến đi đến 1 nhà nghỉ ở xã Tiền Phong để chuẩn bị giao cho người mua thì bị công an bắt giữ.
Khi bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử, Vi Thị Hà biện minh cho hành vi phạm tội của mình là do “hoàn cảnh quá khó khăn”. HĐXX phân tích rằng, Hà liên tục tái phạm tội là do hám lợi nhuận bất chính từ ma túy và lười lao động chân chính. Nếu hoàn cảnh khó khăn thì với vai trò làm vợ, làm mẹ trong gia đình, Hà phải nỗ lực vươn lên, chăm chỉ lao động để cải thiện cuộc sống chứ không phải là tìm đến ma túy…
Sau khi nghe HĐXX phân tích, Hà lí nhí: “Bị cáo rất hối hận về hành vi mình gây ra. Dù trước đó trong trại giam bị cáo đã được các cán bộ tuyên truyền pháp luật về tác hại của ma túy gây ra. Bị cáo mong HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ tội để sớm được trở về với các con. Bị cáo hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa”.
Trong lúc chờ HĐXX nghị án, Hà được tranh thủ gặp 2 đứa con của mình. Cô vừa ôm con vừa khóc, vừa liên tục nói “mẹ xin lỗi”. Được biết, do bố mất sớm, mẹ lại đi tù nên đứa con trai đầu của Hà phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh giúp ông bà nuôi em gái ăn học. Khi biết lịch xét xử, hai anh em đã phải nghỉ làm, nghỉ học để đến Tòa mong được gặp mẹ.
Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Vi Thị Hà 20 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Nghe xong Tòa tuyên án, Hà gục xuống nức nở.
Nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy đã thấy tiếc cho Hà. Cô có một người chồng hết lòng thương yêu, hai đứa con khỏe mạnh. Thế nhưng chỉ vì lòng tham mà cô đã tự vứt bỏ đi tất cả. Dù nhận thức rất rõ tác hại của ma túy mang lại và từng vào tù vì “nàng tiên nâu” nhưng vì hám lợi, vì lười lao động mà cô vẫn chứng nào tật nấy, nhắm mắt làm liều để giờ đây đường về xa thăm thẳm. Nhất là hai đứa con của cô sẽ còn phải sống thiếu bàn tay chăm bẵm của mẹ trong nhiều năm nữa. Hy vọng rằng, khi nghĩ đến những đứa con, bản năng làm mẹ của Hà sẽ trỗi dậy để cô biết ăn năn, cải tạo tốt, sớm về đoàn tụ với con mình.
Cha con dắt nhau vào tù
Lâu nay, Quế Phong – quê Hà – nói riêng, miền Tây xứ Nghệ nói chung luôn nổi tiếng là điểm nóng về ma túy của cả nước. Ở hầu hết các bản làng, người ta đều có thể bắt gặp những gia đình, những phận người bầm dập vì ma túy. Có những gia đình mà cả bố và con gái ruột cùng tham gia vào đường dây buôn bán “cái chết trắng” để rồi cùng “ôm cả chục cuốn lịch vào nhà đá bóc dần”. Như trường hợp của Vi Thị Nga (SN 1984) và bố đẻ là ông Vi Văn Nghiếc (SN 1960, ở xã Châu Thôn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa Vi Thị Nga ra xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Vụ án mua bán ma túy mà Nga tham gia xảy ra vào tháng 4/2006. Năm đó, người đàn bà tên Vi Thị Oanh (SN 1962) đến thuê nhà của ông Nghiếc để bán nước. Trong nhiều vị khách ghé đến quán nước của bà có một người đàn ông tên là Mẹo.
Tháng 10/2006, vị khách thân quen này đặt vấn đề thuê Oanh và Nga tìm mối bán ma túy để kiếm lời. Hai bên thương lượng, nguồn “hàng” sẽ do Mẹo lo liệu, số tiền thu được sẽ chia phần nhiều cho bên bán.
Thỏa thuận thành công, Mẹo gặp Nghiếc thuê đi lấy ma túy. Vì được hứa trả tiền công hậu hĩnh nên Nghiếc đi bộ lên khu vực rừng lấy 35,8 gam ma túy. Sau khi cầm về nhà, cả cha con Nghiếc và Nga cùng chia nhỏ thành 10 gói nhỏ để bán cho khách.
Hơn 1 tháng sau, do không bán được “hàng” nên Oanh đưa ma túy cho Nghiếc để trả lại cho Mẹo. Tuy nhiên, trên đường đi do thấy công an tuần tra nên Nghiếc cầm ma túy trở về nhà.
Đến ngày 7/11/2006, có một vị khách đến hỏi Oanh mua ma túy. Khi Vi Thị Oanh đang bán ma túy cho khách thì bị công an ập vào bắt giữ cùng tang vật. Sau khi biết Oanh và bố mình bị bắt và đưa ra xét xử thì Vi Thị Nga nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương.
Khi được HĐXX hỏi về hành trình bỏ trốn, Nga trình bày: “Sau khi nghe tin bố và bà Oanh bị bắt, bị cáo lo sợ nên trốn đi nơi khác sinh sống, làm thuê. Vài tháng sau thì tôi nghe tin là mình đã bị công an truy nã. Vì quá lo sợ nên tôi đã theo một nhóm người vượt biên sang Trung Quốc cho đến khi bị bắt”.
Khi sang đến Trung Quốc, Nga đi làm thuê rồi chung sống như vợ chồng với một người đàn ông đồng hương. Sau đó, Nga lần lượt sinh hai đứa con vào các năm 2013 và 2014. Thời gian này, dù đã có cuộc sống ổn định nhưng biết mình đang bị truy nã nên Nga hạn chế tiếp xúc với người Việt Nam và tuyệt nhiên không về nước.
Cho đến năm 2015, Nga biết tin mẹ đẻ qua đời. Sau nhiều ngày tháng suy nghĩ, Nga quyết định bí mật về nước để chịu tang mẹ. Về nhà lần này, Nga hạn chế tiếp xúc và di chuyển hết sức bí mật nên không bị phát hiện. Sau ít ngày, Nga trở lại Trung Quốc. Một thời gian sau, người chồng “hờ” của Nga quyết định ôm hai đứa con về Việt Nam trước, chỉ còn mình cô ở lại xứ người.
“Thời gian đó tôi đấu tranh, suy nghĩ nhiều lắm. Vừa nhớ con, vừa nhớ gia đình, rất nhiều lần tôi muốn về nước nhưng vì sợ về rồi sẽ bị bắt và phải đi tù nên lại thôi”, Vi Thị Nga chia sẻ.
Đầu năm 2021, dịch Covid-19 ở Trung Quốc diễn biến phức tạp. Những lao động bất hợp pháp, trong đó có Nga, đều bị chính quyền nước sở tại trục xuất về Việt Nam. Khi Vi Thị Nga đang thực hiện cách ly y tế tại tỉnh Quảng Ninh thì bị công an bắt giữ theo lệnh truy nã. Vậy là sau 15 năm bỏ trốn, sống chui sống lủi, Vi Thị Nga đã phải tra tay vào còng số 8.
Ngày ra tòa bị cáo không ngừng khóc nghẹn khiến những lời khai bị đứt quãng. Nga khai vì sợ nên đã bỏ trốn dù biết cha đã bị bắt và ngồi tù. Bị cáo cũng đã kể lại những ngày tháng làm thuê, sống chui lủi ở xứ người. “Từ ngày bỏ trốn rồi bị truy nã, bị cáo luôn sống trong lo âu, nhiều khi trong giấc ngủ còn gặp ác mộng. Cũng có đôi khi bị cáo muốn đầu thú nhưng không đủ dũng khí”, Nga trình bày.
Khi sắp phải đối diện với bản án của pháp luật, bị cáo khóc lóc, xin giảm nhẹ hình phạt. “Bị cáo biết mình sai rồi. Chồng “hờ” của bị cáo hiện đã đi lấy người khác. Xin Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm trở về chăm sóc con”, Nga trình bày trong lời nói sau cùng.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Vi Thị Nga 11 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Nghe bản án, Nga đưa đôi tay đang bị còng lên ôm mặt òa khóc. Thấy vậy, ông Vi Văn Nghiếc – bố Nga - lên tiếng động viên: “Con cứ cải tạo tốt sẽ được giảm án. Bố cũng đã chấp hành án xong rồi”.
Trong hai vụ án nói trên, cả Hà và Nga đều là những cô gái người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên trên núi cao. Đáng ra cuộc sống của họ cũng sẽ bình yên như muôn vàn người phụ nữ khác, chỉ tiếc rằng họ đã quá ham hố những đồng tiền bất chính để rồi lao đầu vào con đường phạm tội. Phải đến khi đứng trước vành móng ngựa, đối mặt với bản án nghiêm minh của pháp luật, họ mới cúi đầu ân hận. Hy vọng rằng đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người còn đang ôm mộng “đổi đời” nhờ ma túy.