Những bài học “nằm lòng” giúp các doanh nghiệp tránh phải ra toà

Thu Vân| 19/09/2016 08:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Gần đây lại rộ chuyện DN nào lừa đảo, chây ì trốn nợ. Điều này chắc hẳn sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, song nhìn từ góc độ kinh doanh có yếu tố nước ngoài, đây lại là chuyện không mới, song nhiều DN vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn thường xuyên mắc phải.

Hội nhập đang diễn ra ngày càng sâu rộng, việc mâu thuẫn về lợi ích giữa các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, trong nội tại các DN và DN đặt trong mối quan hệ với cơ chế chính sách, môi trường, khách hàng là điều khó tránh khỏi, thậm chí mẫu thuẫn ngày càng lớn dẫn đến việc kiện ra toà tăng đang đe doạ đến sự phát triển bền vững của DN. Trước thực tế này, các DN cần trang bị cho mình kiến thức từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn. 

Kinh doanh khó tránh... kiện tụng

Môi trường được coi là lĩnh vực nóng nhất trong hơn nửa năm qua, không lớn như vụ kiện hơn 1000 người dân với công ty Vedan Việt Nam trước đây, nhưng sự cố cá chết hàng loạt tại miền Trung do Formosa gây ra khá ồn ã và mặc dù chưa khởi kiện ra toà nhưng trước sức ép của dư luận cũng như sự kiên quyết của Chính phủ và người dân Việt Nam, công ty nước ngoài này đã phải bồi thường 500 triệu USD để khắc phục môi trường. Tiếp đến tháng 5 vừa qua, 33 hộ dân nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và đã ký hợp đồng với 12 văn phòng luật sư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để khởi kiện 14 DN chế biến hải sản tại xã Tân Hải đòi bồi thường hơn 13 tỉ đồng vì đã có hành vi xả thải thẳng ra cống số 6 khiến cá chết hàng loạt. Mặc dù kết quả điều tra đã rõ ràng, nhưng 14 DN gây ô nhiễm vẫn không chịu bồi thường cho dân. Cùng với sự bức xúc của các hộ dân, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo các sở, ngành lập hồ sơ và thủ tục pháp lý giúp dân bị thiệt hại khởi kiện các DN gây ô nhiễm ra tòa.

Một vụ tranh chấp khác liên quan đến DN khởi nghiệp gần đây còn chưa ngã ngũ đó là vụ ầm ĩ khi Công ty TNHH Ẩm thực KAfe (The KAfe Group) bị 2 đối tác tố cáo về việc chiếm dụng vốn kinh doanh, chây ì không thanh toán các khoản nợ hàng tỷ đồng. Mặc dù trước đó, cuối năm 2015, cộng đồng start-up Việt Nam vui mừng đón nhận tin The KAfe ký hợp đồng hợp tác chiến lược với Quỹ đầu tư Hongkong New Asia Partners (NAP). Theo đó, NAP sẽ sở hữu ít nhất 40% vốn của The KAfe, đồng thời giúp DN này phát triển thương hiệu, mở thêm nhà hàng trên phạm vi toàn quốc trong năm 2015 - 2016. Chỉ hơn nửa năm sau khi được NAP “đỡ đầu”, KAfe có thêm tin vui khi Quỹ đầu tư Cassia Investments quyết định rót 5,5 triệu USD cho chuỗi nhà hàng The KAfe. Cùng với những tin vui dồn dập về mặt tài chính, The KAfe cũng gấp rút khai trương một loạt nhà hàng, bắt đầu tiến quân vào TP.HCM, thị trường vốn rất khắc nghiệt nhưng cũng đầy tiềm năng.

Bất ngờ, tháng 7/2016, Công ty CP Thực phẩm Gia Tường tố cáo Công ty TNHH Ẩm thực Kafe chiếm dụng vốn kinh doanh, chây ì, không thanh toán khoản nợ 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía bị kiện - đại diện Công ty TNHH Kafe lại phủ nhận, cho rằng công ty này không hề chây ì, chiếm dụng vốn kinh doanh của Gia Tường. Đồng thời khẳng định, Kafe không nợ Gia Tường 4 tỷ đồng như phản ánh, con số nợ nhỏ hơn. Cụ thể, Gia Tường là nhà cung cấp chính của The KAfe vào thời điểm trước. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, thay vì làm việc trực tiếp với Giám đốc công ty, Gia Tường chỉ làm việc với người phụ trách tài chính của Kafe. Biên bản đối chiếu công nợ phải thu mà phía Gia Tường cung cấp là do cổ đông Kafe ký xác nhận, trong khi cổ đông này không có thẩm quyền.

Những bài học “nằm lòng” giúp các doanh nghiệp tránh phải ra toà

Vợ chồng Thu Minh (trái) và công nhân Gia Hân trước văn phòng công ty Global Home (phải) trong vụ kiện mới đây

Đặc biệt gần đây nhất là trong tháng 8/2016, dư luận và cộng đồng DN dậy sóng khi một số công ty chế biến gỗ ở Biên Hòa, khởi đầu là Công ty  TNHH Gia Hân (phường Long Bình) tố cáo ông Otto De Jager, Giám đốc Công ty Global Home S.R.O (trụ sở ở nước ngoài), dây dưa không nhận hàng theo hợp đồng, thiếu nợ lên đến triệu USD. Cụ thể, Công ty TNHH Gia Hân đã lên tiếng về tranh chấp trị giá 20 tỷ đồng với Global Home do ông Otto làm Tổng giám đốc. Theo đó, công ty Global Home bị tố không thanh toán các khoản nợ cho Gia Hân dù hàng xuất đi khá đều đặn. Lý do mà Global Home đưa ra là vì hàng xuất không đạt và bị lỗi. Tuy nhiên, phía công ty Gia Hân cho biết, trước khi xuất hàng, phía đối tác đã cho người kiểm tra kỹ và đóng dấu QC công nhận hàng đạt chuẩn.

Chuyện DN nào lừa đảo hay chây ì trốn nợ sẽ được làm rõ theo quy định pháp luật và phán xét của Toà án, song nhìn từ góc độ kinh doanh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nhiều người cho rằng đây là chuyện không mới, song nhiều DN vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn thường xuyên mắc phải.

5 bài học nằm lòng cho DN hội nhập

Thứ nhất, Các DN cần tránh kinh doanh theo cảm tính, thiếu hiểu biết về phòng vệ thương mại. Một khảo sát về mức độ hiểu biết của DN về PVTM do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện mới đây cho thấy, hơn 15% DN không biết, 63% DNp có nghe nói nhưng không biết sâu; gần 20% đã từng tìm hiểu sơ sơ và chỉ có gần 2% DN đã tìm hiểu tương đối kỹ. Khảo sát trên cũng chỉ ra DN vừa thiếu thông tin, khả năng huy động được nguồn lực để đi kiện còn hạn chế, không có khả năng tập hợp bằng chứng. Trong khi, giai đoạn 1995-2015, các quốc gia thành viên WTO đã tiến hành một số lượng khổng lồ các vụ việc điều tra và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với hơn 300 vụ áp dụng biện pháp tự vệ, gần 5.000 vụ điều tra chống bán phá giá và 380 vụ chống trợ cấp, thì Việt Nam, hơn 10 năm qua chỉ mới tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với một số sản phẩm như phôi thép, thép dài; bột ngọt; dầu thực vật.

Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định, những trường hợp tương tư như các vụ việc trên không phải chuyện hiếm. “Tôi thấy những vụ việc này chủ yếu xảy ra ở các DN nhỏ, kinh nghiệm làm ăn với DN nước ngoài chưa nhiều. Một điều rất nguy hiểm là các DN này làm ăn theo kiểu cảm tính, thường đặt niềm tin vào đối tác rất mơ hồ”.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, các DN Việt cần hiểu rõ đối tác mình định hợp tác là ai dựa vào các căn cứ pháp lý rõ ràng và chắc chắn, nhất định không thể tìm hiểu đối tác bằng niềm tin và cảm nhận chủ quan. Đồng thời, phải đảm bảo hợp đồng có các điều khoản chặt chẽ, đầy đủ nội dung cơ bản. Dứt khoát không đặt bút ký hợp đồng khi chưa chắc chắn hoặc chưa hiểu rõ các điều khoản của hợp đồng. Tốt nhất nên tham khảo các mẫu hợp đồng của các cơ quan, tổ chức có uy tín và thẩm quyền hoặc mời luật sư, chuyên gia pháp lý giúp đỡ.

Thứ 2, cẩn trọng trong phương thanh toán và giao dịch thư điện tử. Phó chủ tịch Dowooha Nguyễn Hữu Trí nhận định trong xuất khẩu, rủi ro do tình hình bất ổn kinh tế rất dễ xảy ra, chỉ cần biến động tỷ giá đồng tiền cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến thanh toán các hợp đồng. Ông Trí lấy ví dụ, khi DN Việt Nam xuất hàng cho đối tác, đa số nhận thanh toán bằng USD hoặc euro, trong khi các nhà nhập khẩu này lại bán hàng ở một thị trường cụ thể thanh toán bằng tiền bản địa nên việc thay đổi tỷ giá của các đồng tiền sẽ làm nhà thương mại rơi vào thế kẹt, dẫn đến các hợp đồng có thể bị dây dưa. Chính vì vậy, các DN xuất khẩu hàng phải có phương thức thanh toán đảm bảo. Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VietGo thì trong khâu thanh toán, tốt nhất là hướng đến xuất khẩu trực tiếp để thanh toán bằng L/C.

Đối với tình trạng gian lận, lừa đảo qua email, Bộ Công Thương mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo cho DN, đó là: khi giao dịch với đối tác nước ngoài, các DN Việt Nam nên dùng email chính thức của công ty thay vì sử dụng các dịch vụ miễn phí từ Gmail, Yahoo… để tránh bị giả mạo hay gần giống email thật (thay đổi một vài chữ gần giống nhau). Nên chủ động yêu cầu đối tác sử dụng email chính thức trong trường hợp đối tác cung cấp email từ các dịch vụ miễn phí kể trên. Trong giao dịch qua email, các DN phải đặc biệt lưu ý địa chỉ người nhận, nhất là các thư gửi những thông tin quan trọng của giao dịch như bản sao bộ chứng từ giao hàng và tài khoản nhận tiền qua điện chuyển tiền.

Thứ 3, cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ pháp lý tư vấn. Luật sư Châu Huy Quang, điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT cho biết, một nguyên nhân khiến DN dễ bị lừa đảo, đó là không chú trọng đầu tư chi phí pháp lý tư vấn, luật sư hỗ trợ cho các điều tra cẩn trọng về đối tác trước khi quyết định giao kết. Chính vì vậy, các DN nên quan tâm đến việc thuê một hãng luật sư chuyên nghiệp tư vấn khi xuất khẩu. Đặc biệt, khi có dấu hiệu “lừa” hay phá bỏ hợp đồng của đối tác, nên cân nhắc biện pháp pháp lý ngay, bao gồm: kiện, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, như: chặn L/C, bắt giữ tàu, niêm phong hàng, phong tỏa tài khoản, cấm xuất cảnh.

Thứ 4, lựa chọn cơ quan tài phán một cách hiệu quả. Để tránh bất lợi cho các DN Việt Nam, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) Vũ Ánh Dương cho rằng đối với các quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam cho phép các bên tham gia hợp đồng được tự do lựa chọn cơ quan tài phán là trọng tài tại Việt Nam hay trọng tài nước ngoài. Việc lựa chọn cơ quan trọng tài tại Việt Nam có rất nhiều thuận lợi. Bởi nếu phán quyết trọng tài nước ngoài muốn được công nhận và thi hành tại Việt Nam phải trải qua thủ tục được tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại nhiều cấp khác nhau. Trong khi đó phán quyết trọng tài trong nước có thể được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án để cưỡng chế thi hành và không cần thủ tục công nhận và thi hành bởi Tòa án Việt Nam.

Ngoài ra, chi phí giải quyết tranh chấp tại trọng tài trong nước cũng thấp hơn trọng tài nước ngoài, chỉ bằng khoảng 21% so với phí trọng tài của Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC) và bằng 51% so với phí trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế Hong Kong (HKIAC). Cùng với đó là tiết kiệm được chi phí thuê luật sư, phiên dịch và thời gian.

Thứ 5,  bài học hết sức quan trọng có tính chất bao trùm đó là, các DN cần thay đổi nhận thức về vai trò của pháp luật. Hội nhập ngày càng sâu, rộng, cơ hội không thiếu, nhưng thách thức không nhỏ. Bên cạnh các thách thức khách quan đến từ phía thị trường bên ngoài, một thách thức to lớn đã và vẫn đang tồn tại trong chính nội tại các DN, cần phải được nghiêm túc nhìn nhận, đó là nhận thức về vai trò của pháp luật đối với các vấn đề như: Vấn đề tài sản trí tuệ, môi trường và ứng xử với khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài học “nằm lòng” giúp các doanh nghiệp tránh phải ra toà