Những bài báo sai phạm của báo Người cao tuổi có nội dung gì?

Trí Minh| 10/02/2015 06:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phần lớn các bài báo sai phạm của báo Người cao tuổi đều đăng thông tin một chiều, suy diễn, thiếu căn cứ, sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như báo điện tử Công lý đã đưa tin, theo kết luận thanh tra (từ 7/11/2014 đến 7/1/2015), tổ công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện báo Người cao tuổi có nhiều vi phạm như: "tiết lộ bí mật Nhà nước", "lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân"; việc xuất bản một số tin, bài trực tiếp trên trang thông tin điện tử tổng hợp là "hoạt động báo điện tử không phép".

Các bài báo có nội dung sai phạm phần lớn là những suy luận vô căn cứ, suy diễn của tác giả.

Bài báo có tiêu đề: "Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường: "Ông Ngọc có quyền khởi kiện, tôi sẵn sàng hầu tòa" đăng ngày 22/5/2013, trong đó có đoạn "Báo Người cao tuổi nhận được đơn của ông Lê Văn Ngọc ở 76 Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tố cáo Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường lạm dụng quyền hạn bao che cho bác sĩ Nguyễn Thành và bệnh viện Thanh Nhàn khi gây ra cái chết  của cụ Nguyễn Thị Tâm". Bài viết này báo Người cao tuổi đăng thông tin một chiều theo nội dung đơn tố cáo của ông Ngọc khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Một bài viết khác: "Trường THPT Trần Hưng Đạo, Thanh Xuân, Hà Nội thu quỹ chồng quỹ nhiều năm, nhà trường đổ cho phụ huynh tự nguyện" đăng ngày 29/5/2013, trong đó có đoạn: "Điều đáng nói, những sai phạm đó lại được Thanh tra Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội bao che".

Tuy nói như trên, song bài báo lại không đưa ra được chứng cứ thuyết phục, kết luận một cách vô căn cứ và suy diễn.

Trong bài "Chuyện lạ ở Đảng bộ phường 4, quận Tân Bình, TP. HCM: Năm "kỷ lục" tiền lệ xấu" đăng ngày 27/02/2014, có nội dung thông tin sai sự thật, đã bị cơ quan quản lý nhà nước xử phạt vi phạm hành chính tại QĐ số 109/QĐ - XPVPHC ngày 19/8/2014 với mức phạt 4 triệu đồng.

Những bài báo sai phạm của báo Người cao tuổi có nội dung gì?

Một số bài báo sai phạm của báo Người cao tuổi

Ngoài ra, báo Người cao tuổi cũng đăng một số bài viết khác có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của các tổ chức công dân đã được Bộ TT-TT thông báo tại Kết luận thanh tra đột xuất báo Người cao tuổi số 17/TB-BTTTT, ngày 09/02, như bài viết: "Chống tham nhũng khi trao "vũ khí" cho bọn biến chất " đăng ngày 03/5/2013; "Bàn về "Thị trường sao và vạch" đăng ngày 01/4/2013; "Sự thật về "Công tử" Hà Thành ra Trường Sa" đăng ngày 09/7/2014.

Bài viết “Bàn về thị trường 'sao và vạch' của tác giả Lê Quang Tạo viết:

"Những năm sau 2000, việc phong tướng cứ đều đều hằng năm, mỗi lần vài chục tướng, có năm 2 lần phong tướng; trần quân hàm tướng nới rộng, thậm chí giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp cũng mang hàm tướng? Khi mà đất nước hoà bình, ổn định!...”

"Dư luận âm ỉ chuyện “Tướng chạy” là có thật. Bạn tôi tâm sự rằng: “Lúc ấy mình cũng ráng hết sức để đầu tư lên tướng… nhưng rồi hụt hơi, thua “thầu” nên chấp nhận lỗ nặng, còn tay ấy đủ lực và lên tướng nên chỉ sau 1, 2 năm thu hồi đủ vốn rồi lãi… được cả danh, cả kinh tế! Vốn là bao nhiêu cũng tuỳ vị trí…”

"…Nhắc lại chuyện bán quân hàm, tôi mạnh dạn nói thật: “Thị trường” này bây giờ khá lộ liễu nếu không nói là nhức nhối. Tất nhiên việc rao giá không bao giờ thành văn mà là thoả thuận ngầm, càng không dễ gì giao dịch thành công vì đối tác phải rất kín để an toàn."

Còn bài: “Sự thật về 'công tử Hà Thành' ra Trường Sa” của Vũ Hà Phong viết về binh nhì Nguyễn Quốc Đức, thuộc Lữ đoàn 146, Quân chủng Hải Quân, người được coi là “công tử Hà thành”, một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực, tình yêu tổ quốc, nhiều tờ báo đang ca ngợi rằng: “Tổ quốc cần lắm những con người như thế!”

Còn ở bài báo này lại có nội dung xuyên tạc:

"Việc ra Trường Sa này không phải là “xung phong”, “thuyết phục gia đình” mà phải có sự tác động, được sự đồng ý của Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu là những cơ quan chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng đồng ý. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một thanh niên lêu lổng, chơi bời như thế, vừa học tập và sinh sống ở nước ngoài về, trước đó lại chơi bời làm bố mẹ buồn phiền nhiều như chính cậu ta thú nhận với báo chí vì sao lại được “tuyển lẻ” vào một đơn vị đặc biệt như vậy và nhanh như vậy? Lữ đoàn 146 Quân chủng Hải quân có thực hiện “ba gặp, bốn biết” để tìm hiểu kĩ về thân nhân chiến sĩ này không?

"Binh nhì Nguyễn Quốc Đức say rượu rủ đồng đội uống rượu tây, không coi kỷ luật đơn vị ra gì: “Gần đây, “cậy” gia đình lắm tiền nhiều của, có nhiều “hỗ trợ” cho đơn vị, cậu ta chẳng những không chịu rèn luyện sửa mình như đã nói trên báo chí mà còn uống rượu say, quậy phá, cất giấu rượu. Trong khi với bộ đội Trường Sa, nhất là trong giai đoạn tình hình biển đảo đang nóng, yêu cầu trực sẵn sàng chiến đấu rất cao, việc sử dụng bia rượu bị cấm tuyệt đối. Vậy mà cậu ta đã vi phạm như vậy. Một chỉ huy khác cũng cho biết: Đơn vị vừa có hình thức kỉ luật với cả Phân đội trưởng và chiến sĩ Đức do việc này."

Trên đây chỉ là số ít trong các bài báo mà báo Người cao tuổi đăng tải vi phạm nghiêm trọng theo kết luận thanh tra mà chúng tôi dẫn chứng. Nó hoàn toàn trái với những thông tin đồn thổi cho rằng, báo Người cao tuổi vì đăng những bài chống tiêu cực, chống tham nhũng nên mới bị xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài báo sai phạm của báo Người cao tuổi có nội dung gì?