Hàng loạt chợ cóc, chợ tạm mọc ra nhan nhản trên khắp địa bàn tỉnh Thanh Hóa mà không được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vào cuộc xử lý dứt điểm.
Chợ cóc mọc ra như nấm
Thực hiện xây dựng xã, huyện nông thôn mới, các địa phương đã bỏ ra số tiền lớn để lập quy hoạch, xây dựng các khu chợ khang trang, có các ban, bệ để kiểm soát dịch, bệnh, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh môi trường... Chợ chính thì đìu hiu, ế ẩm do thói quen dễ dãi, tùy tiện của người tiêu dùng và tình trạng chợ cóc mọc lên "như nấm" trước các ngã ba, ngã tư, cổng các nhà máy dọc tuyến tỉnh lộ, quốc lộ.
Vô tư buôn bán ngay dưới lòng đường tại xã Đông Anh, Đông Sơn
Ghi nhận của PV trên tuyến Quốc lộ 47, từ huyện Đông Sơn lên sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân) có nhiều điểm họp chợ ven đường. Trước cửa nhà máy may thuộc xã Đông Anh (Đông Sơn) người bán, người mua tấp nập mặc kệ các phương tiện qua đây ùn ứ, bóp còi inh ỏi. Cứ khoảng 16h người dân lại chiếm chổ thuận tiện cho việc buôn bán bày la liệt các loại hàng từ giày dép, quần áo tới hoa quả, hải sản, thịt các loại… Họ chờ công nhân tan tầm sẽ ập vào mua bán. Vì cạnh tranh nên hàng hóa bày tràn lan xuống lòng, lề đường, gây cản trở giao thông. Nhiều phương tiện ô tô, xe mô tô cũng đậu đỗ để mua hàng, chiếm gần hết lòng đường khiến không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra.
Cũng trên tuyến quốc lộ này trước cổng Công ty TNHH Giày Aleron (xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn) cứ vào cuối chiều khi công nhân chuẩn bị tan ca là người dân trong vùng bắt đầu mang thịt, cá, rau, củ, quả... bày bán một cách thản nhiên. Ban đầu chỉ mua bán vài thứ lặt vặt rau, đồ ăn linh tinh. Sau đó một số tiểu thương đầu tư quầy, sập, kệ bày bán tràn lan đủ các loại. Người mua, kẻ bán tấp nập, xe cộ tràn ra lấn chiếm gần hết đường giao thông khiến đoạn đường này luôn trong tình trạng ách tắc. Cách đó vài chục mét có cắm biển cấm họp chợ nhưng tấm biển chỉ để trang trí.
Quốc lộ 47 đoạn qua xã Thọ Dân bị lấn chiếm làm chợ
Tại phường Quảng Hưng và xã Quảng Đông, TP Thanh Hóa (dọc quốc lộ 47), ngay cổng ra vào Khu Công nghiệp Lễ Môn, xuất hiện một số điểm chợ họp tự phát vào cuối buổi chiều, khi công nhân tan tầm. Người bán ngang nhiên bày hàng hóa, chèo kéo người mua. Người mua thản nhiên dựng xe giữa đường, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Mặc dù lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa, xử lý vi phạm nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tình trạng này lại tái diễn.
Hơn 1 năm qua, trên đường 217B qua thôn Tân Lý, xã Thành Tâm (Thạch Thành) xuất hiện chợ “cóc” họp vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều hàng ngày khu vực xung quanh cổng Công ty TNHH S&H Vina. Hàng hóa bày bán tràn lan lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, nhiều người dừng đỗ các phương tiện ngay trên lòng đường để mua hàng gây cản trở giao thông và nguy cơ xảy ra tai nạn.
Mặc dù đã có biển báo cấm họp chợ, chính quyền xã thường xuyên thông báo, nhắc nhở song chợ tự phát này vẫn hoạt động. Địa điểm họp chợ này nằm ngay sát UBND xã Thành Tâm, gần đó còn có hai trường Tiểu học và THCS. Vào giờ tan tầm, hàng nghìn công nhân ra về cùng rất đông phụ huynh đi đón con, nhiều phương tiện cùng lúc dừng đỗ trên lòng, lề đường tại các điểm bán hàng chợ cóc để mua hàng gây ra tình trạng lộn xộn.
Chợ cóc tại xã Thành Tâm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Có thể kể ra hàng loạt các chợ cóc như ở xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc); dọc tuyến quốc lộ 45 đoạn qua xã Định Liên, Định Long (Yên Định); ngã 5 xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) thắt nút đường đi xuống khu du lịch biển Hải Tiến… Nguy hiểm nhất là chợ cóc lấn chiếm tuyến Quốc lộ 1A, tại xã Quảng Phong (Quảng Xương) trước cổng Công ty TNHH Giày ALINA việc mua bán diễn ra ngay lòng đường.
Tình trạng này tồn tại nhiều năm, chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức dẹp bỏ nhưng chưa có hiệu quả. Ngay tại Khu kinh tế Nghi Sơn được xem là kiểu mẫu của quản lý thì tình trạng chợ tự phát tại xã Trúc Lâm gây mất mỹ quan, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vẫn diễn ra như cơm bữa.
Nguyên nhân do đâu?
Lãnh đạo xã Thành Tâm (Thạch Thành) cho biết: Việc chợ tự phát trên địa bàn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Khi công nhân ra về nhiều xe đưa đón dừng đỗ ngay trên đường, cộng với việc xuất hiện chợ tự phát nên thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm. Trên địa bàn đã có chợ Bông, nhưng cách xa công ty, người dân họp chợ ở đây chủ yếu là bán cho công nhân. Nếu lực lượng chức năng không có mặt thì chợ cóc lại xuất hiện tràn lan. Nguyên nhân chính là do nhu cầu mua hàng của công nhân. Phải có tổ tuần tra liên tục thì mới chấm dứt được tình trạng này.
Nhếch nhác chợ cóc trong lòng TP Thanh Hóa
Còn ở xã Thọ Dân (Triệu Sơn) để xử lý tình trạng này, xã đã cử 2 công an viên cùng với lực lượng cảnh sát giao thông đóng chốt trên tuyến thường xuyên tổ chức giải tỏa. Tuy nhiên, khi không thấy lực lượng chức năng thì mọi việc lại đâu vào đấy. Chính quyền xã đã đề xuất công ty mở các cổng phía Đông, Tây, hạn chế lượng công nhân tràn ra tuyến Quốc lộ 47.
UBND xã Quảng Phong đã chỉ đạo lực lượng công an xã, cán bộ tuyên truyền, cấm họp chợ nhưng đều không có hiệu quả. UBND huyện Quảng Xương cũng đã yêu cầu công an huyện phối hợp, tổ chức kiểm tra, lập biên bản, thu giữ hàng hóa và xử phạt hành chính rất nhiều lần. Tuy nhiên, xóa bỏ được chợ hôm nay thì ngày mai họ lại họp trở lại.
Kế hoạch xóa bỏ chợ tự phát của TP Thanh Hóa
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xoá bỏ các chợ tự phát, TP Thanh Hoá đã xây dựng kế hoạch và lộ trình xoá bỏ gần 60 chợ cóc, chợ tạm và các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn. Trước ngày 30/5/2019, chính quyền địa phương sẽ dẹp khoảng 40 chợ tạm, chợ cóc; số còn lại sẽ có từng phương án cụ thể để xem xét thời gian xoá bỏ. Tuy nhiên, giải quyết dứt điểm tình trạng chợ cóc, chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm đất công sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chợ cóc vẫn tồn tại là do thói quen tùy tiện mua bán của người dân. Tâm lý xuề xòa, dễ dãi muốn mua nhanh, bán gọn đã tạo cơ hội cho việc hình thành, tồn tại chợ cóc. Trong khi đó, cơ quan chức năng thiếu quyết liệt, mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe cũng dẫn đến tình trạng cứ "dẹp lại mọc".
Hàng trăm cuộc ra quân với đủ quy mô lớn, nhỏ của các lực lượng chức năng để dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm đã diễn ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Xong đợt ra quân thì tình hình đâu lại vào đó. Một số nơi, người dân phản ánh về việc bắt tay phân chia lợi ích giữa người bán hàng với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý. Chính vì vậy, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải “có bàn tay sạch” quyết liệt, thường xuyên xử lý không nề hà. Ở đâu để xảy ra chợ tự phát thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đến các tiểu thương, người dân nâng cao ý thức trong việc mua bán đúng nơi, đúng chỗ, đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm, nguồn gốc.