Nắng, nóng hầm hập hắt lên từ mặt sông, từ không khí oi bức quẩn quanh mạn thuyền. Những rặng chuối ven sông ve vẩy dăm tàu lá rách tướp, trong ngày không có lấy một ngọn gió.
Chiếc đò sắt oằn mình đưa nhóm thiện nguyện Lạc Hồng vượt sông Hồng từ bến đò Trần Phú. Bên kia xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội là làng chài cuối cùng còn sót lại của Thủ đô mà người dân chưa được… lên bờ.
Lau vội giọt mồ hôi, ông Nguyễn Văn Tú, Trưởng bến đò Văn Đức khái quát nhanh tình hình về vạn chài Văn Đức: “Làng chài có 104 hộ dân, trong đó còn 24 hộ sống trên mặt sông Hồng. Phần lớn trong số các hộ này đã bám mặt sông hơn mười đời nay. Xã đã có kế hoạch đưa mọi người lên bờ nhưng bà con chưa thống nhất nên chưa thực hiện được”.
Nhẩm tính nhanh, nếu mỗi đời người, mỗi thế hệ là 25 năm thì cái làng chài này đã bám mặt sóng sông Hồng mưu sinh ít nhất 250 năm. Họ, những phận người lầm lũi gắn chặt với con sông đỏ nặng phù sa trong nghèo túng tột bậc, lạc hậu là những “nạn nhân” của dịch Covid-19 ở mức nghiêm trọng. Chuyến đi này của nhóm thiện nguyện Lạc Hồng chở lương thực, thực phẩm, một số nhu yếu phẩm cần thiết khác để giúp họ phần nào vượt qua cơn bĩ cực này.
Trầm tư nhìn những con sóng quanh đò, chị Trần Tuyết Mai, Trưởng nhóm thiện nguyện Lạc Hồng kể: “Đợt này, nhiều tấm lòng vàng gửi nhóm cá khô, gạo, mì, sữa. Nhưng bà con làng chài thiếu gì cá, nên cả nhóm quyết định tặng bà con thịt bò tươi”. Dịch giã hoành hành, đi lại khó khăn nhưng bằng cách nào đó, từ 3 giờ sáng đến 6 sáng, những thành viên nhóm thiện nguyện đã gom được hơn 200kg thịt bò tươi.
“Chúng tôi cố hỗ trợ mỗi suất thêm 2kg thịt bò để cải thiện bữa ăn. Biết rằng hỗ trợ bà con bao nhiêu cũng không đủ nhưng tất cả anh chị em đã cố gắng hết sức để mong muốn góp phần nhỏ bé gửi tới bà con”. 52 suất quà (2 hộ/suất) là hiện vật trị giá 450 nghìn đồng/suất từ nhóm thiện nguyện Lạc Hồng và 104 phần quà là tiền mặt (200 nghìn đồng/suất) được các tấm lòng vàng gửi tới bà con sau 3 ngày chuẩn bị cật lực.
Tại làng chài Văn Đức, có những "ngôi nhà" chòng chành trên những chiếc thùng phi sắt ghép lại, neo chặt vào bến sông, có những chiếc thuyền bé tẹo “chở” cả mấy thế hệ, vừa là nơi ở, nơi sinh hoạt và là phương tiện kiếm sống suốt chục đời người. Những người dân với nước da đen cháy với ánh nhìn cảnh giác, những người phụ nữ vừa thoăn thoắt sửa lưới vừa ném cho chúng tôi những cái liếc vội vã rồi lại cắm cúi làm. Tháng năm vật vã với mưu sinh gian khó đã luyện cho họ trở nên xa lạ với người trên bờ như thế?!
Đò chúng tôi ghé lại, khi biết đây là đoàn thiện nguyện, những ánh mắt đầy cảnh giác, tò mò giãn ra trong những rạng rỡ, vui mừng. Từng hộ nhận quà, nhận tiền mặt, những bà cụ lập cập đứng vịn mé thuyền, nhà nào có trẻ con được nhận thêm mấy vỉ sữa. Tiếng cười, tiếng cảm ơn loang trên mặt nước, lâu lắm rồi xóm chài nghèo khó này mới có được niềm vui hiếm hoi thế này.
Đoàn chúng tôi ghé vào thuyền cụ Son, cụ vội sai lũ chắt lốc nhốc tản đi lấy chỗ ngồi, người con lớn của cụ lặng lẽ pha ấm chè mời chúng tôi. Cụ chỉ nhớ trước đời cụ đã 7 đời bám mặt sông, đến lũ chắt nhà cụ là 11 đời. Trong đôi mắt vẫn còn tinh nhanh ấy thoáng chút kinh hoàng khi kể với chúng tôi về những đận lụt kinh hoàng năm 69, 71… của thế kỷ trước. Rồi cụ chùng lại: “Thiên tai, địch họa làng chài chúng tôi vẫn vượt qua nhưng ai ngờ dịch bệnh thế này, thật không thể đương đầu”.
Không đến nỗi chết đói nhưng làng chài chỉ có con tôm, con cá qua ngày, không mang đi đâu bán được hay đổi gạo, đổi rau. Làng chài bị cô lập hoàn toàn sau những chiếc ba-ri-e lạnh lùng, lũ trẻ không được đến trường, những chiếc lưới mủn nát dần… Quay đi, lau vội những giọt nước mắt, cụ tiếp lời: “Uỷ ban cũng thỉnh thoảng hỗ trợ rau, cho mì tôm, tuyên truyền động viên bà con không rời xóm để tránh lây nhiễm dịch”. Cụ thở dài nhìn lũ chắt lấp ló xung quanh rồi bảo: “Chỉ mong dịch bệnh chóng qua”.
Mời chúng tôi lên bến, ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Đức trao đổi với chúng tôi về khát vọng đổi đời cho bà con xóm chài. Ông Duẩn cho biết chính quyền đã có phương án cho người dân lên bờ nhiều năm nay và cũng có một số kết quả nhất định, song bà con chưa thống nhất nên chưa thực hiện được. Bà con vạn chài đều được cấp hộ khẩu xã Văn Đức, trẻ con được đi học, một số cháu học tới cấp 3.
Ông Duẩn chỉ cho chúng tôi con đường bê tông rộng 5m nối xóm chài với trung tâm xã, mời chúng tôi xem thương hiệu rau sạch "Chữ Tâm" với câu slogan ấn tượng: “Xanh từ đất, sạch từ tâm” và phấn khởi: “Chúng tôi quyết tâm xây dựng thương hiệu rau sạch Văn Đức, bắt đầu từ Nông trại Chử Xá – Văn Đức này. Hy vọng, đây sẽ là bước ngoặt giúp kinh tế địa phương cất cánh, là động lực để bà con xóm vạn chài lên bờ, tạo bước ngoặt lớn cho nhân dân vạn chài”.
Hy vọng với những nỗ lực, những quyết tâm của lãnh đạo xã Văn Đức và huyện Gia Lâm sẽ giúp bà con qua đận khó khăn này, giúp họ có cuộc sống ổn định trên bờ, để tương lai những đứa trẻ được thay đổi. Những thế hệ kế tiếp của vạn chài sẽ thành những nông dân trồng rau, những công nhân khu công nghiệp và may mắn hơn, thành những doanh nhân, những người có ích cho xã hội.