Tiếng rao trong đêm muộn của những hàng bánh bao, tiếng đạp xe lạch cạch của những người nhặt rác, ông cụ gật gù tựa lưng vào gốc cây đợi khách bơm xe, hàng mì tôm dạo... những phận người nhỏ bé, nhọc nhằn gánh mưu sinh trong đêm Hà Nội.
23h, trước cổng chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), tiếng còi xe bắt đầu inh ỏi, một chiếc xe chở hoa quả đang ì ạch đánh xi nhan rẽ phải vào chợ đầu mối, nắp thùng xe mở ra, những người phụ nữ chạy lao tới, người chuyển hàng xuống, người kéo xe thồ chở cả trăm ký hàng đi giao cho chủ, một đêm trắng mưu sinh của những người phụ nữ đang bắt đầu.
Những nữ phu xe vất vả trắng đêm mưu sinh
Vắt kiệt sức mưu sinh
Càng về khuya xe tải chở hàng hoa quả từ khắp mọi nơi về chợ đầu mối Long Biên mỗi lúc một đông, là thời điểm để hàng trăm lao động nghèo ngoại tỉnh vắt sức mưu sinh, kiếm sống. Hành trang của họ chỉ là những chiếc xe đẩy, bộ đòn gánh để kéo và gánh hàng.
Đẩy xong xe hàng nặng gần 400kg đi giao cho chủ hàng, chị Bùi Thị Hương (48 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên) vội vàng quay trở lại nơi những chiếc xe tải đang đậu trong khu vực chợ để tìm thêm mối mới: “Chở hàng không chị ơi, bốc vác gì không cô ơi, chú ơi”. 10 phút sau, hơn 20 thùng cam đã được xếp đầy xe, chị lại vội vàng lấy hết sức kéo chiếc xe ra phía cổng chợ.
Dù về đêm trời rất lạnh nhưng áo chị vẫn ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt nhễ nhãi: “Mỗi chuyến hàng thế này họ trả cho 10 đến 20 ngàn đồng, bữa nào may thì còn cất được ít đồng chứ để thùng hàng rơi xuống đất, dập vài quả là công toi, vất vả lắm”, gạt giọt mồ hôi chị Hương tâm sự.
Cũng như những lao động khác ban đầu ở quê, không có việc gì làm, nên chị tìm lên Hà Nội đi bán xôi nhưng cũng bữa được bữa mất, hết bán xôi chị lại chuyển sang buôn chuối, rồi đi phụ hồ nhưng cũng bữa làm, bữa nghỉ nên không dư giả được đồng nào, cuối cùng chị cùng những bạn “đồng nghiệp” ra chợ đầu mối Long Biên xin làm phu xe, bốc vác để kiếm tiền nuôi con.
12 năm gắn với chợ đầu mối Long Biên là suốt 12 năm chưa một đêm chị được tròn giấc, lẽ ra giờ này đang nằm trong chăn ấm, gối đầu lên tay chồng hay ủ ấm cho những đứa con thì những người phụ nữ như chị lại đang phải còng lưng bốc hàng, làm phu xe. “Khổ nhưng phải gắng thôi chú à, không làm lấy gì mà ăn, ban đầu mới làm cũng buồn ngủ lắm nhưng giờ quen rồi, lúc nào mệt tựa lưng vào mấy thùng hàng chợp mắt dăm bảy phút là được”, chị tâm sự.
Làm cùng và chơi thân nhất với chị Hương là chị Quyên quê ở Nam Đinh, đêm nào nhiều hàng thì hai chị em hai xe, ít hàng thì hai chị em cũng đẩy chung một xe vừa để giúp đỡ nhau vừa để chia cho nhau chút công việc để kiếm sống. Chị Hương bảo: “Mỗi đêm ít nhất bọn chị cũng phải kéo khoảng 10 chuyến, có chuyến nặng tới 400 đến 500kg, nhiều đêm kéo xong hàng không lết nổi về phòng để nghỉ, có hôm về đến phòng lại nằm ngủ li bì mà không thiết gì đến ăn uống, thế mà hôm rồi vẫn chưa đủ tiền nộp học phí cho đứa út”.
Năm nay mới 32 tuổi nhưng nhìn chị Quyên già dặn không thua gì chị Hương, khuôn mặt tàn nhang, da đen sạm, gầy tong teo của người phụ nữ vất vả. Chìa đôi bàn tay sần sùi chị chia sẽ: “Mình làm quen rồi nên tay nó chai sần ra thế này đây, ngày mới vào nó phồng rộp ra đau lắm, làm ở đây tuy vất vả nhưng mỗi đêm đẩy xe cũng kiếm được 100 đến 200 ngàn đồng, mệt chút nhưng có tiền để lo cho gia đình”.
Những nữ phu xe vất vả trắng đêm mưu sinh
Sợ những đêm khô áo
Vất vả là vậy, mệt nhọc là vậy nhưng nỗi ám ảnh lớn nhất với những người đang mưu sinh tại chợ đầu mối Long Biên vẫn là những đêm không được toát mồ hôi, những đêm khô áo. “Sướng nhất là thời điểm gần rằm hay mùng một, đây là thời điểm xe chở hoa quả về nhiều nên việc nhiều lắm, có nhiều đêm lâu lâu được chuyến xe về là hôm sau phải nhịn ăn để dành tiền lo cho gia đình”, chị Nguyễn Thị Nụ (quê Hưng Yên) tâm sự.
Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng đêm nào chị Nụ cũng gắng làm việc đến vãn chợ mới về nhà trọ nghỉ ngơi. Chồng mất khi đứa con đầu mới được 10 tuổi, một mình chị tần tảo nuôi ba đứa con, đến nay hai đứa con đầu đã tốt nghiệp đại học đứa út đang học lớp 10. “Nuôi chúng nó học xong rồi không có tiền chạy việc nên cả hai đứa đang đi làm thêm trái nghề nhưng tôi vẫn gắng cho chúng nó học đầy đủ, bữa nay chưa xin được thì bữa mai, cứ từ từ chứ không biết chữ như tôi khổ lắm, khổ đến phát khiếp rồi”, chị thật thà nói.
Những thùng hàng nhanh chóng được sắp lên xe, chị còng lưng rồi đu nổi hai chân để hạ chiếc càng xe xuống nhưng khổ nỗi đu mãi mà càng xe vẫn không xuống được vì người nhẹ quá…,được sự giúp sức của những “đồng nghiệp” chiếc xe kéo mới bắt đầu lăn bánh, lên được nửa con dốc ngay cổng chợ, chiếc xe lại tụt xuống phía sau vì quá nặng, chị Nụ lại bốc từng thùng hàng xuống kéo xe lên khỏi dốc rồi xếp lại xe hàng. “Chở mỗi thùng hoa quả có 3000 đến 4000 ngàn đồng nhưng cả đêm gắng sức cũng được khoản kha khá”, chị cho biết.
Ở chợ đầu mối Long Biên, người ít cũng gắn bó mưu sinh được dăm bảy năm nhưng cũng có nhiều người về chợ mưu sinh khi con còn rất nhỏ nhưng nay đã “nối nghiệp” theo bố mẹ. “Buồn lắm. Những tưởng đi làm kiếm tiền cho con ăn học nhưng đành bất lực, bốc vác được thời gian tôi bị vẹo xương sườn rồi ngã gãy xương, được bao nhiêu tiền đẩy hết vào thuốc thang nên không còn đồng nào cho con ăn học, giờ nhiều tuổi rồi nó cũng không muốn đi học nữa. Thôi thì ngày nào áo ướt thì no, gắng sức làm thời gian dư giả được chút ít cho con nó lấy vốn làm ăn để mong thoát khỏi cái cảnh này”, gạt giọt nước mắt ông Trần Văn Định quê Thái Bình tâm sự.
Nuôi đủ 4 con với một chồng…
Những đêm trắng ở chợ đầu mối Long Biên để thực hiện phóng sự này, tôi gặp được chị Nguyễn Thị Chanh (quê ở Ân Thi, Hưng Yên). Năm nay chị 41 tuổi và cuộc đời chị cũng hao hao chua chát như cái tên của chị vậy.
Lấy chồng từ năm 18 đến năm 26 chị đã là mẹ của 4 mặt con. Cuộc sống đang bình yên thì chồng chị làm nghề lái xe không may gặp tai nạn, bao nhiêu tiền của, ruộng vườn chị bán hết mới giữ được mạng sống cho chồng nhưng chồng chị vẫn không thể đi lại được, bố mẹ chồng chị cũng nay đau mai ốm nên cuộc sống gia đình cũng dựa hết lên đôi vai của chị.
“Tôi làm đủ nghề rồi, bán xôi có, lượm ve chai có, lau dọn nhà cửa cũng có nhưng cuối cùng phải ra cái chợ này để làm, vì ở đây cứ gắng thêm chút sức là có thêm được chút tiền, mỗi đêm họ kéo 70 thùng hàng thì tôi gắng lên 80 hay 100 thùng là thêm được chút tiền lo cho chồng con rồi”, chị Chanh tâm sự.
Một mình vất vả mưu sinh nhưng chị bảo chưa bao giờ dám than thở hay kể lể với chồng: “Nói ra sợ anh ấy buồn nên nhiều lúc mệt quá chỉ biết ôm mặt khóc, khóc chán chê một trận rồi lại đứng dậy làm, làm cho kiệt sức 4 đứa trẻ mới học được như vậy”.
Nói đến con niềm vui hiện rõ lên khuôn mặt chị: “Đứa đầu tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân xin đi làm kế toán rồi, đứa thứ 2 đang học năm cuối, còn hai đứa út chị nó đi làm rồi nên cũng phụ được mẹ chút ít. Mong sao chúng nó ăn học đàng hoàng thì mình có vất vả đến mấy cũng được”, chị Chanh nói.
Những lao động nghèo trắng đêm mưu sinh tại chợ đầu mối Long Biên
5h sáng, ánh đèn vàng đô thị vụt tắt những lao động nghèo ở chợ Long Biên cũng bắt đầu kết thúc một đêm trắng tần tảo, mệt nhọc mưu sinh, cầm những đồng tiền lẻ trên tay họ vui vẻ hỏi han nhau vài câu rồi lẳng lặng mỗi người về một hướng, người tranh thủ nghỉ ngơi, người lại đạp xe đi buôn hoa quả, đi nhặt ve chai, tiếp tục nhọc nhằn trong gánh mưu sinh...