Trên hành trình gieo chữ, trồng người, những thầy cô giáo đang công tác tại huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Bằng tình yêu nghề, các thầy cô đã vượt lên tất cả để bám trường, bám lớp, truyền thụ kiến thức cho con em đồng bào nơi đây.
Trường PT DTBT THCS Châu Phong (xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện. Tuy đã có sự giao thoa thông thương với các vùng khác nhưng đời sống kinh tế của người dân nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Với đặc điểm 97,4% học sinh của trường là con em dân tộc thiểu số, tỉ lệ hộ nghèo chiếm trên 65%, giao thông đi lại chưa thuận tiện nên chất lượng giáo dục của trường cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
Cô giáo Lô Thị Tiên, một giáo viên đã nhiều năm công tác tại đơn vị cho biết, bản thân chứng kiến các em học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường đến lúc trưởng thành. Cô nhận thấy việc rút ngắn khoảng cách tri thức, kĩ năng sống giữa vùng miền, giúp các em có sự tự tin, tư duy mới, có lối sống văn minh… là điều hết sức quan trọng. Do đó, cô đã dành rất nhiều thời gian và công sức để dạy và truyền thụ những kỹ năng mềm cho các em, nhất là các em ở bán trú.
“Trong ứng xử hàng ngày, khi mà các em xảy ra xung đột với nhau. Chúng tôi sẽ trở thành những người cha, người mẹ để đứng ra hòa giải và hướng dẫn các em cách ứng xử sao cho có văn minh khi ở trong môi trường tập thể. Khi các em ốm đau thì chúng tôi chăm sóc tận tình. Bên cạnh đó, cô thầy còn là những “bác sĩ” tâm lý, động viên các em an tâm học tập, yên tâm đến trường. Năm học vừa rồi, nhà trường đã duy trì được sĩ số đạt 100% các em đến trường, không có em nào bỏ học và đặc biệt là chất lượng học tập của các em ngày càng được nâng cao”, cô Lô Thị Tiên cho biết.
Em Hà Nhật Phong (Bản Đôm 1, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu) là con em một gia đình thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Do bố mẹ ly hôn nên em sống cùng ông bà ngoại, hiện em là học sinh Lớp 7A2, Trường PT DTBT THCS Châu Phong.
Hàng ngày, em phải phụ với ông bà đi lên rừng kiếm củi, làm nương rẫy để kiếm cái ăn, tuy nhiên cuộc sống khó khăn vẫn đeo bám gia đình. Để Phong có điều kiện đến trường, công đoàn nhà trường đã nhận làm mẹ đỡ đầu, góp tiền nuôi em ăn học đến hết lớp 9.
“Con rất vui và hạnh phúc khi được các thầy cô quan tâm và giúp đỡ. Con xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt hơn nữa để không phụ lòng cô thầy và ông bà”, em Phong chia sẻ.
Thầy giáo Lô Văn Tư - Hiệu Phó Trường PT DTBT THCS Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An - chia sẻ: “Xã Châu Phong thuộc xã khó khăn, trên 70% học sinh của nhà trường thuộc hộ nghèo, đặc biệt nhiều học sinh do bố mẹ đi làm ăn xa phải ở nhà với ông bà nên việc học tập không được chú trọng, dẫn đến có một số em phải bỏ học. Chính vì thế, nhà trường luôn coi học sinh như con, cố gắng quan tâm, chia sẻ những khó khăn để các em yên tâm học tập”.
Vào mùa thu hoạch, học sinh vùng cao thường đi theo bố mẹ lên rẫy. Trong khi đó, một số em ở nhà không có ai chăm sóc theo bạn đi chơi game, làm thuê ở thành phố nên các em nghỉ và bỏ học khá nhiều. Những lúc như vậy, các giáo viên ở nơi đây lại phải băng rừng, tìm đến từng nhà để đưa các em trở lại với trường.
Mới đây thôi, em Lô Quốc Phú, học sinh lớp 7B, Trường PT DTBT THCS Hội Nga (Xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đã vắng 4 buổi học khiến thầy giáo Nguyễn Trọng Nghĩa không khỏi lo lắng, bởi nếu nghỉ quá nhiều em sẽ không theo kịp các bạn. Thầy Nghĩa cùng đồng nghiệp đã băng rừng, vượt suối tìm tới nơi em Phú sinh sống, gặp gỡ phụ huynh để vận động, thuyết phục cho em Phú quay lại trường học. May mắn là bố mẹ em đã đồng ý để các thầy cô đưa em về lại trường tiếp tục học tập.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ: “Điều khó khăn nhất ở đây là nhận thức của phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số. Vì mải lo cuộc sống hàng ngày nên nhiều phụ huynh không coi trọng việc học của con cái, nhất là phụ huynh người dân tộc Thái. Vì vậy, tập thể giáo viên nhà trường thường xuyên động viên các em cố gắng, tạo ra môi trường gẫn gũi nhất để các em nhận thức tầm quan trọng của việc học”.
Trường PT DTBT THCS Hội Nga là trường bán trú có học sinh thuộc hai xã đặc biệt khó khăn của huyện Quỳ Châu, hầu hết học sinh là con em dân tộc Thái, chiếm hơn 80% học sinh toàn trường. Trong đó, 58% học sinh ngoại trú và 42% học sinh ở lại tại trường.
Cô giáo Hoàng Thị Xoan, giáo viên Trường PT DTBT THCS Hội Nga, cho biết thêm: “Những đứa trẻ lần đầu xa nhà, ở trong môi trường bán trú nên chưa thể kịp thích nghi với môi trường mới hay những nội quy của nhà trường sẽ rất dễ chán nản. Một số ít phụ huynh đi làm xa lại có tâm lý phó thác con trẻ cho thầy cô luôn nên các thầy cô càng bội phần vất vả.
Ngoài việc truyền thụ kiến thức cho học sinh thì bản thân cô còn đóng vai như một người mẹ, một người chị để động viên an ủi các em. Trong cuộc sống ở bán trú, các em học sinh mới sẽ rất nhớ nhà, gặp rất nhiều cái khó khăn nên thầy cô luôn phải ở bên cạnh để động viên an ủi, đặc biệt nhất là khi các em ốm đau…”.
Bà Lương Thị Hà, Phó phòng GD&ĐT huyện Quỳ Châu, cho biết: “Rất khó để diễn đạt hết công sức, sự yêu nghề của các thầy cô công tác nơi đây. Các thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là những người cha, người mẹ luôn quan tâm, sẻ chia cùng học sinh. Ngoài ra, để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, các thầy cô nơi đây đã thành lập mô hình “Những đứa con Công đoàn” để nhận đỡ đầu nuôi các em ăn học. Nhờ đó, chất lượng cũng như tỷ lệ chuyên cần đã được nâng cao, giảm thiểu số học sinh bỏ học giữa chừng, góp phần thúc đẩy chuyên môn cũng như chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn”.