Nhớ về Bác và hành trình đem lại độc lập - tự do cho dân tộc

GS.TS Đinh Văn Thiện (nguyên Giảng viên khoa Văn ĐHSP I Hà Nội)| 19/05/2016 17:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kỷ niệm 41 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016), 105 năm ngày Bác rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước (6/1911-6/2016), nhớ về Bác chúng ta càng thấy không sao kể hết được tình cảm lớn lao của Bác đối với non sông đất nước.

Trong bài thơ “Người đi tìm hình của Nước”, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về con đường cách mạng, trải qua 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển đầy hy sinh, gian khổ của Bác với mục đích lớn lao là giành Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho nước, cho dân, một đất nước đang chìm đắm trong bóng đêm nô lệ và những người dân đang sống tủi nhục đau thương trong kiếp sống nô lệ, để “Nước Việt Nam nghìn năm Đinh, Lý, Trần, Lê / Thành nước Việt nhân dân trong mát suối”, bằng một câu thơ giàu sức khái quát: “Ôi! Đường đến với Lênin là đường về Tổ quốc”.

Nhớ về Bác và hành trình đem lại độc lập - tự do cho dân tộc

Câu thơ như nhắc lại một chi tiết trong bài viết của Người: “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB CTQG năm 1996). “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một trong đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Sự tin theo Lênin, rồi trở thành sáng lập viên Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tour, bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Quốc tế Cộng sản, khởi nguồn từ việc Nguyễn Ái Quốc đã được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin viết vào tháng 6/1920, được công bố trên báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp ngày 16,17/7/1920. “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong phòng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta. Đây là con đường giải phóng chúng ta! Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ III” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr127). Nhà thơ Chế Lan Viên đã ghi lại phút giây xúc động ấy của Người: “Luận cương đến với Bác Hồ. Và Người đã khóc / Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin / Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp / Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin”.

Từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa. Tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, như một bước ngoặt quan trọng trên con đường cách mạng của người thanh niên Nguyễn Tất Thành, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Bác đã từng nói “Cá nhân tôi, từ lúc đầu nhờ được học tập truyền thống cách mạng oanh liệt và được rèn luyện trong thực tế đấu tranh anh dũng của công nhân và Đảng Cộng sản Pháp, mà tôi đã tìm thấy chân lý chủ nghĩa Mác - Lênin, đã từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa”. Kể từ đó, trong suốt những tháng năm đi tìm đường cứu nước, Người không lúc nào tách rời sự nghiệp cứu nước với sự nghiệp cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa, giải phóng những người lao động cùng khổ trên toàn thế giới khỏi ách áp bức nô lệ.

Theo Bách khoa toàn thư mở, Người đã cùng một số nhà yêu nước của các thuộc địa Pháp như Bắc Phi, Trung Phi, Tây Phi ở Madagatxca, Guyanno, Angti, Đông Dương… thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa (1921), ra tờ báo Người cùng khổ (1922), cung cấp từ 1.000-5.000 bản mỗi số cho người đọc Pháp và châu Âu nói chung. 38 số báo vừa là những bản án đối với chế độ thực dân Pháp, vừa là tiếng gọi đoàn kết đối với những người cùng khổ trên thế giới để cùng nhau tranh đấu đòi tự do, bình đẳng, bác ái.

Tập phóng sự nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Người được xuất bản năm 1925 tại Pháp cùng hàng loạt những tác phẩm văn học được in tại Pháp, sau này được in trong tập Truyện ký Nguyễn Ái Quốc, đã cho thấy những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc có ảnh hưởng to lớn như thế nào đối với cuộc đấu tranh cho quyền sống của con người, cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa trên toàn thế giới. Người đã dự nhiều Đại hội của Quốc tế Cộng sản, được cử vào Ban Phương Đông, phụ trách Cục Phương Nam, được bầu vào Ban Chấp hành và Đoàn chủ tịch Quốc tế nông dân của Quốc tế Cộng sản.

Người đã có mặt ở hàng chục quốc gia khac nhau để tìm hiểu các phong trào đấu tranh của các dân tộc khác nhau mà xác định đường đi cho dân tộc mình. Năm 1911, Người tới Pháp. Năm 1912, Người tới Mỹ. Cuối năm 1913, Người sang Anh quốc. Cuối năm 1917, Người lại trở về Pháp cho tới năm 1923, sau đó Người sang Liên Xô dự Đại hội 5 Quốc tế Cộng sản với tham luận quan trọng về vấn đề cách mạng ở các nước thuộc địa mà Quốc tế Cộng sản chưa có những quan tâm thích đáng.

Tại Liên Xô, Người mang tên Lino, P.C.Lin. Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu - Trung Quốc với một cái tên mới Lý Thụy, rồi tên Vương. Năm 1927, Người trở lại Pháp dự cuộc họp Đại hội đồng của Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc. Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan với bí danh Thầu Chín xây dựng cộng đồng người Việt ở Thái. Cuối năm 1929, Người trở lại Trung Quốc, rồi qua Lào, Cămpuchia, Myanma, Indonesia, Nam Phi, Úc, Canada. Tiếp đó, Người trở lại Trung Quốc, với bí danh Tống Văn Sơ, tổ chức Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tại Hương Cảng ngày 3/2/1930). Năm 1931, Người bị chính quyền Hương Cảng bắt giam hơn một năm. Nhờ sự can thiệp của luật sư người Anh - Loseby, người được trả tự do nhưng vẫn bị cảnh sát Hương Cảng theo dõi nên lại bị bắt trả lại Hương Cảng từ Singapore, bị giam mất mấy ngày. Luật sư Loseby lại tìm cách đưa Người thoát khỏi Hương Cảng rồi đi Thượng Hải 1933. Từ Thượng Hải, Người được Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đưa đi Liên Xô. Đến năm 1938 (theo Vũ Hà kể trong Bác Hồ - hồi ký - NXB văn học, năm 2004) , Người trở lại Trung Quốc trong vai Thiếu tá Bát Lộ quân, Hồ Quang, còn có bí danh khác là Trần, làm công tác chính trị, trong đoàn cán bộ mà Diệp Kiếm Anh làm Tổng phụ trách, cho đến năm 1940. Đầu năm 1941, Người về nước.

Là người chiến sĩ xã hội chủ nghĩa, người cộng sản chân chính, được thế giới tôn vinh là Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại nhưng trước hết và trên hết Người là người con vĩ đại, người Anh hùng của dân tộc Viêt Nam, Người suốt đời hy sinh vì độc lập, tự do, vì quyền sống, quyền hạnh phúc của Dân, của Nước.

Nhìn từ góc độ này có thể thấy, năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với cái tên Văn Ba, đành lòng từ biệt người cha vô cùng kính yêu, rời xa quê hương xứ sở, rời xa Tổ quốc với hai bàn tay trắng, không vì một lý do nào khác ngoài lòng yêu nước thương nòi. Trong chữ hiếu với cha, mẹ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành có bổn phận của người con đối với nước, đối với dân. Theo TTXVN/Việt Nam ngày 01/6/2011, báo Ogniok (Ngọn lửa) số 3 ngày 23/12/1923 đã đăng trả lời của Nguyễn Tất Thành cho câu hỏi của nhà báo Liên Xô Ossip Mandelstam, vì sao Nguyễn Tất Thành lại chọn nước Pháp là địa chỉ đầu tiên để đến: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi dược nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái…Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm hiểu xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.

Ở Pháp, hoạt động cách mạng có ảnh hưởng với thế giới đầu tiên cũng là hoạt động vì sự sống còn của đất nước mình. Đó là “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm gửi Hội nghị Hòa bình Versailles, đòi chính phủ Pháp thực hiện các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng đối với dân tộc Việt Nam, đòi thả các tù chính trị…ký tên Nguyễn Ái Quốc. Khi tham gia Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Tất Thành cũng chỉ với lý do “Các ông bà ấy đã đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, Chủ nghĩa xã hội là gì và Chủ nghĩa cộng sản là gì thì tôi chưa hiểu”, “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu không bênh vực cho các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?” (Hồ Chí Minh, Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin). 

Luận cương của Lênin đã hấp dẫn Người ngay từ đầu cũng vì cái tên của nó đã đề cập đến vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người coi đó là cái “cẩm nang”, là “ánh sáng soi đường” cũng có nghĩa Người coi Luận cương, coi chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mac-Lênin là phương pháp hiệu quả nhất, con đường đúng đắn nhất cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân mình đến ấm no, hạnh phúc. Với Người, Cách mạng vô sản không tách rời Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Cách mạng giải phóng dân tộc hoàn toàn có thể giành thắng lợi trước cả cách mạng vô sản ở những nước thuộc địa như thế. Có lẽ vì thế mà khi mới thành lập, với sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta đã lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản nhưng sứ mệnh gắn liền với một dân tộc cụ thể.

30 năm sương gió bão táp trên con đường cách mạng của hoàn cầu với hai lần bị tù đày ở Hương Cảng, bị Tòa án của thực dân Pháp tại Vinh (tháng 10/1929) tuyên án tử hình, chủ nghĩa yêu nước luôn như ngọn đuốc ngày càng rực sáng hơn trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Được soi sáng bởi tư tưởng vĩ đại của Lênin, ngọn đuốc ấy càng rực rỡ hơn, trở thành vầng mặt trời soi đường cho cả dân tộc đi theo, một nguồn sáng bất diệt. Khi bị giam cầm trong nhà tù Tưởng Giới Thạch tại Quảng Tây, hình ảnh Tổ quốc vẫn luôn trong tâm trí: “Một canh, hai canh, lại ba canh / Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành / Canh bốn, canh năm, vừa chợp mắt / Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Vừa ra khỏi nhà tù, Người đã lên núi Tây Phong lĩnh để “Trông về trời Nam nhớ bạn xưa”. Khi điều kiện đến, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại ý dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập dân tộc lúc này.

Trong Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Người khẳng định trước thế giới “Nước Việt Nam hoàn toàn có quyền hưởng Tự do, Độc lập…Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Với Người, độc lập luôn đi đôi với thống nhất đất nước. Khi Nam bộ bị thực dân Pháp xâm lấn trở lại, Người đã nói “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược vào thời kỳ cam go nhất, Người lại một lần nữa khẳng định “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ về Bác và hành trình đem lại độc lập - tự do cho dân tộc