Năm 1974, chính quyền Sài Gòn ban hành Sắc luật 007 về quản lý báo chí. Theo sắc luật này, tất cả các báo phát hành hằng ngày phải đóng tiền ký quỹ xuất bản khoảng 47.000-48.000 USD thời bấy giờ. Nếu không đóng tiền ký qũy đương nhiên báo bị đóng cửa.
Ngoài ra, Sắc luật 007 còn quy định, báo nào bị tịch thu lần thứ 2 do đăng bài ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, gây mất trật tự công cộng, kể như bị đóng cửa vĩnh viễn.
Sự khắc nghiệt của Sắc luật 007/74 chẳng khác nào là “bàn tay sắt” bóp chết báo chí thời bấy giờ, đã gây nên làn sóng đấu tranh đòi công bằng của những người làm báo, mà đỉnh cao của cuộc đấu tranh này là “ngày ký giả đi ăn mày”.
Người bán báo đặc biệt
“Báo đây... báo đây!”. Tiếng rao của người bán báo muộn màng lạc lõng vang lên giữa trời chiều đang dần tắt nắng. Thuở đó, tất cả các báo đều phát hành buổi chiều, người bán báo dạo chỉ bán được khi nắng chiều còn vương ít ỏi trên hàng me, đến khi sập tối là kể như báo... ế. Người bán báo này, với chiếc nón nỉ đen tưa vành cũ rách che khuất gần hết mặt và chiếc áo “ký giả” 3 túi đã sờn vai, không hối hả vội vàng, cứ tà tà trên chiếc xe đạp cà tàng, tiếng rao rề rà như con nghiện thiếu thuốc. Nghe tiếng rao báo quen quá, tôi vội chạy ra cửa, đúng là ông Tô Nguyệt Đình, bấy giờ là Cố vấn Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam đồng thời cũng là Cố vấn Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt (NĐKGNV). Nét mặt ông tươi vui hóm hỉnh, nhanh nhẹn lấy tờ báo đưa cho tôi, giọng nói đầy ngụ ý cho tôi hiểu việc ông giả dạng làm người bán báo hôm nay: “Thời buổi khó khăn quá, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, khi làm thợ mộc, lúc bán báo, miễn làm sao thoát cảnh “nghẹt thở” này thôi”. Sự xuất hiện đột ngột của ông với việc cải trang như thế này, tôi đoán chắc là ông có việc gì quan trọng lắm nhờ đến tôi. Vì từ lâu ông rất thương mến tôi như con cháu trong gia đình, chính ông đã dẫn dắt tôi tập tành vào nghề báo...
Tôi biết, hiện nay ông đang gặp nhiều “rắc rối” trong hoạt động báo chí công khai, thời gian qua, ông đã cùng nhiều người làm báo chống đối Sắc luật 007 mà mọi người gọi đó là “bàn tay sắt” bóp chết báo chí. Thấy tôi còn ngỡ ngàng, ông Tô Nguyệt Đình cẩn thận ngó trước sau, rồi nói thẳng với tôi: “Hôm nay bác đến đây là để nhờ cháu giúp việc này. Tối nay, bằng mọi giá cháu phải vẽ xong tấm biểu ngữ, sáng mai trước 6 giờ, cháu giao biểu ngữ cho bà bán tranh sơn dầu trước cửa trụ sở NĐKGNV số 15 Lê Lợi. Giao xong, cháu phải đi ngay, đừng nấn ná rất nguy hiểm. Nhưng tối nay tranh thủ ghé ngoài bác để xem có thay đổi gì không”. Tôi đọc dòng chữ mà ông Tô Nguyệt Đình giao cho tôi vẽ. Biểu ngữ “10-10-1974, Ngày Ký giả đi ăn mày” và “Sắc luật 007/74, ký giả phải đi ăn mày”. Lúc sắp đạp xe ra đi “bán báo”, ông Tô Nguyệt Đình còn dặn dò: “Ngày mai là ngày trọng đại của báo chí, nếu không có tấm biểu ngữ này, kể như không thành công”. Tôi liền ra chợ Bà Chiểu mua vải về để vẽ biểu ngữ mà trong lòng bồn chồn lo lắng. Sợ mình có sơ suất điều gì sẽ ảnh hưởng lớn đến biết bao nhiêu ký giả.
Như nước sông đổ ra biển
Đêm đó, dưới ánh đèn dầu tôi vẽ biểu ngữ. Tiếng gà gáy vang vang khắp xóm Long Vân Tụ là lúc tôi vừa vẽ xong. Tôi mang hai tấm biểu ngữ ra đến trụ sở NĐKGNV khi đèn đường vừa tắt. Tất cả vẫn bình thường, chỉ có bà bán tranh hôm nay dọn hàng sớm hơn mọi khi. Vừa giao xong hai tấm biểu ngữ cho bà bán tranh, tôi đã thấy các ông Tô Nguyệt Đình, Văn Mại, Trần Kiêm Uẩn, Quốc Phượng… những người hoạt động báo chí công khai, cũng là những người cầm đầu tổ chức “ngày ký giả đi ăn mày” hôm nay và lần lượt các ký giả tham gia cuộc xuống đường đi ăn mày đến khá đông. Đó cũng là lúc lực lượng Cảnh sát dã chiến với trang bị khiên mây trên tay, đeo mặt nạ chống hơi cay trông rất dữ tợn, tay cầm dùi cui, ầm ập vây quanh trụ sở NĐKGNV. Còn Cảnh sát áo trắng đứng thành ba hàng, tay nắm liền nhau chặn ngang đường Lê Lợi. Xe jeep hú còi inh ỏi từ các nơi chạy về điểm nóng: Trụ sở NĐKGNV. Tiếng bộ đàm vang vang liên tục từ các xe mô tô lợn tới lượn lui, một không khí cực kỳ căng thẳng, như sắp diễn ra một cuộc đụng độ kinh hồn. Lực lượng ký giả đi ăn mày mỗi người được phát một cái bị ăn mày, chiếc nón lá có ghi chữ ký giả đi ăn mày và một cây gậy tre.
Đúng 8 giờ, ông Nguyễn Kiên Giang, Chủ tịch NĐKGNV thay mặt Ban Tổ chức đọc diễn văn “Sắc luật 007, ký giả phải đi ăn mày” và ông tuyên bố: “Xuống đường”. Ngay tức khắc, đoàn ký giả đi ăn mày bị sự ngăn chặn quyết liệt của lực lượng Cảnh sát. Lúc bấy giờ, học sinh, sinh viên và người dân có mặt rất đông, họ tràn vào tiếp sức với ký giả, xông vào phá vòng vây của Cảnh sát. Trước sức chống trả quyết liệt của mọi người, vòng vây Cảnh sát dần bị mở tung, cuộc xuống đường của ký giả đi ăn mày như nước tràn cuồn cuộn ra biển cả, không gì ngăn cản nổi. Đoàn biểu tình theo đường Lê Lợi ra chợ Bến Thành, vòng qua công trường Quách Thị Trang rồi quay về nơi xuất phát. Các tiểu thương chợ Bến Thành ai nấy cũng đều cảm động, thương người làm báo bị áp bức, nhưng không khuất phục, quyết đấu tranh cho lẽ phải. Mọi người mang tặng nhiều quà bánh và tiền cho ký giả ăn mày.
Tất cả những thành phẩm của cuộc đi ăn mày được giữ tại trụ sở NĐKGNV, chờ ngày mang phân phát cho dân nghèo và các gia đình ký giả có hoàn cảnh khó khăn. Ngay đêm đó, lực lượng Cảnh sát đã ồ ạt tấn công vào trụ sở NĐKGNV. Các ký giả bị đàn áp dã man không nương tay. Nhiều người bị đánh, bị bắt tù đày rất thương tâm.
Tuy cuộc đấu tranh đòi công bằng của ký giả bị đàn áp dã man nhưng tiếng vang của “ngày ký giả đi ăn mày”, tinh thần đấu tranh vì công lý, vì lẽ phải quyết chống lại những gì đi ngược với đạo lý của những người làm báo, vẫn còn mãi trong tình cảm của mọi người lúc bấy giờ.
Nguyễn Tường Lộc