NHNN: Không để ảnh hưởng đến việc thanh toán và rút tiền chi tiêu của người dân

Lan Trần| 23/01/2020 07:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước tình trạng gia tăng đột biến về số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM, Ngân hàng Nhà nước vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu các tổ chức tín dụng bố trí cán bộ trực, giám sát để phát hiện ATM hết tiền, tăng cường ATM lưu động...

NHNN thông tin trong 2 ngày 21 và 22/1/2020 (tức ngày 27 và 28/12 âm lịch) đã có sự gia tăng đột biến về số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM so với ngày thường, qua đó xuất hiện tình trạng ùn ứ người dân xếp hàng rút tiền tại cây ATM ở một số khu công nghiệp.

NHNN: Không để ảnh hưởng đến việc thanh toán và rút tiền chi tiêu của người dân

Những ngày sát Tết, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM tăng đột biến

Trước tình hình đó, trong ngày 22/1/2020, Thống đốc NHNN đã ban hành Công điện số 01/CĐ-NHNN về việc đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán 2020 với mục tiêu quyết liệt để không ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán và rút tiền chi tiêu Tết của nhân dân.

Theo đó, Thống đốc NHNN đã yêu cầu Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thống đốc về kết quả thực hiện các nội dung chỉ đạo của NHNN tại văn bản số 9772/NHNN-TTGSNH ngày 13/12/2019 về phối hợp thực hiện cao điểm bảo vệ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020; văn bản số 3260/NHNN-PHKQ ngày 06/5/2019 về tiếp tục chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng, đảm bảo tuyệt đối an toàn kho quỹ; Bố trí cán bộ trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong dịp Tết.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn nâng cao chất lượng dịch vụ, theo dõi tồn quỹ và tiếp quỹ kịp thời, đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt; chủ động xử lý kịp thời các tình huống xảy ra khi nhu cầu rút tiền lớn tập trung vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán.

NHNN đã yêu cầu các đơn vị liên quan đặc biệt TCTD tổ chức, bố trí cán bộ trực, giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ đối với ATM hết tiền; có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn); Tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động) và triển khai giải pháp thay thế ATM (chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động, chi trả qua máy POS của ngân hàng,…); đáp ứng đầy đủ nhu cầu rút tiền qua ATM cũng như nhu cầu thanh toán, chuyển tiền của khách hàng; Phân công cán bộ trực hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình giao dịch qua ATM; ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp máy ATM nuốt thẻ của khách hàng; nhanh chóng tra soát và phản hồi kịp thời các phản ánh, khiếu nại của khách hàng.

Đối với công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam, NHNN yêu cầu tập trung nguồn lực để theo dõi, giám sát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động chuyển mạch tài chính an toàn, thông suốt và ổn định đáp ứng nhu cầu tăng cao đột biến trong dịp Tết Nguyên đán; Bố trí và quán triệt cán bộ thực hiện nghiêm chế độ trực vận hành hệ thống kỹ thuật; Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thành viên theo dõi, phát hiện, xử lý các sai sót, sự cố; Nhanh chóng tra soát và phản hồi kịp thời các phản ánh, khiếu nại đối với các giao dịch liên ngân hàng.

Theo số liệu thống kê của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước như Vietcombank, BIDV, Agribank,  Vietinbank, số lượng giao dịch rút tiền mặt qua ATM ngày cao điểm (dịp cận Tết) gấp từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cũng cho biết, giao dịch chuyển mạch qua ATM ngày cao điểm (như dịp cận Tết) lên tới 2 triệu món, gấp hơn 2 lần so với ngày thường; tổng chuyển mạch toàn hệ thống qua ATM tới gần 5 triệu món, gấp hơn 2 lần so với ngày thường.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NHNN: Không để ảnh hưởng đến việc thanh toán và rút tiền chi tiêu của người dân