Xung quanh những tố cáo phức tạp tại TADICO (Đà Nẵng): Cần được xác minh, xử lý nghiêm theo quy định

Nhóm PV| 24/10/2015 10:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từng được nhận danh hiệu “Huân chương lao động hạng Nhì” nhưng nhiều năm gần đây, TADICO đang phải đối mặt với những khoản nợ nần chồng chất, đứng trước nguy cơ phá sản, người lao động thì “sống dở chết dở”.

Nghiêm trọng hơn, đã có dấu hiệu vi phạm về hình sự được thể hiện trong những nội dung đơn mà lãnh đạo doanh nghiệp này tố cáo lẫn nhau...

Nợ nần, lãnh đạo tố cáo nhau

Đó là sự thật đang tồn tại ở Công ty cổ phần kỹ thuật Cơ điện lạnh TADICO (gọi tắt là TADICO) và đang được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định pháp luật. Cụ thể là, ngày 09/01/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công Tp. Đà Nẵng đã ban hành quyết định phân công cán bộ chỉ huy và điều tra viên để giải quyết tố giác tội phạm về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra ở TADICO. Gần 2 năm thu thập, xác minh chứng cứ theo đơn tố cáo của ông Tổng giám đốc TADICO Trần Văn Quý, đến nay Cơ quan điều tra vẫn chưa có động thái xử lý gì kể cả khởi tố vụ án. Tuy nhiên, đã có những thông tin nêu rất chi tiết, cụ thể về việc ông Quý tố cáo bị một số người trong doanh nghiệp của ông lợi dụng chức vụ, dùng các thủ đoạn làm giả hồ sơ, giấy tờ, chiếm đoạt nhiều chục tỷ đồng, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp này bị phá sản được đăng tải công khai (!?).

Thời gian gần đây, một trong những người được Cơ quan Cảnh sát điều tra triệu tập để làm việc liên quan đến tố cáo của ông Trần Văn Quý là bà Phạm Thị Hương, nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của TADICO đã có đơn tố cáo gửi kèm những tài liệu chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của ông Trần Văn Quý. Trong đơn và tài liệu gửi kèm, đáng chú ý nhất là việc ông Quý bị tố cáo đã có hành vi chỉ đạo làm giả chứng từ để nâng khống và chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của Nhà nước. Bên cạnh đó, bà Hương cũng cung cấp các chứng cứ để chứng minh rằng ông Quý đã “bốc” tiền công ty để chi tiêu cá nhân, kể cả việc vợ của ông này cũng nhận tiền do TADICO chuyển, nên đã gây ra “thụt quỹ” chứ không phải như thông tin đăng tải rằng ông Quý bị một số người trong doanh nghiệp của ông lợi dụng chức vụ, dùng các thủ đoạn làm giả hồ sơ, giấy tờ, chiếm đoạt nhiều chục tỷ đồng… Vụ việc này vừa được Cơ quan cảnh sát điều tra chuyển đến Cơ quan an ninh điều tra - Công an Tp Đà Nẵng để xác minh làm rõ.

Xung quanh những tố cáo phức tạp tại TADICO (Đà Nẵng): Cần được xác minh, xử lý nghiêm theo quy định

Hợp đồng bị tố là sửa giá trị để thanh toán công trình

Do nội bộ lục đục, tố cáo nhau nên công ty làm ăn sa sút, nợ ngân hàng, nợ lương người lao động, nợ tiền đóng bảo hiểm kéo dài nhiều năm nay.

Có dấu hiệu hình sự ?

Kèm theo đơn tố cáo và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, bà Hương gửi cho các cơ quan chức năng nhiều thông tin và chứng từ hồ sơ chứng minh. Trong số này, đáng chú ý là vụ việc TADICO nhận thi công gói thầu 4.1 “Xây lắp và lắp đặt thiết bị thông gió và điều hòa không khí M&E” thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng, thuộc nguồn trái phiếu Chính phủ vào năm 2011. Theo tố cáo, Tổng giám đốc TADICO đã lợi dụng việc quản lý sơ hở của Ban quản lý dự án để làm giả các hợp đồng mua bán vật tư, thiết bị với các công ty do chính ông Quý lập ra để nâng khống giá trị, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của ngân sách. Cụ thể, ông Quý chỉ đạo làm giả Hợp đồng mua bán số SLVT20110711 ngày 11/7/2011 giữa TADICO và  Công ty Cangzhou Trung Quốc với trị giá 363.727,78 USD. Nhưng thực tế TADICO mua và khai báo nhập khẩu tại Hải quan Đà Nẵng bản hợp đồng (có số, ngày như được làm giả nói trên) nhưng có giá trị chỉ là 155.498,44 USD. Theo bà Hương, với việc làm giả này, TADICO đã nâng khống giá số vật tư, thiết bị là 208.229,34 USD. Thủ đoạn làm giả cụ thể là sửa giá trị hợp đồng, scan chữ ký và dấu của đối tác, đem đi chứng thực và sử dụng hợp đồng chứng thực này để làm hồ sơ trình chủ đầu tư quyết toán.

Được biết, vấn đề này đã được chuyển đến Cơ quan an ninh điều tra - Công an Tp Đà Nẵng xác minh làm rõ. Nếu đúng như tố cáo thì đây là vụ hình sự và không chỉ những người có thẩm quyền ở TADICO bị xem xét mà còn liên quan đến trách nhiệm của những bên liên quan trong việc thực hiện gói thầu 4.1 Xây lắp và lắp đặt thiết bị thông gió và điều hòa không khí M&E thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Liên quan đến cung ứng vật tư đầu vào của dự án này, hồ sơ thể hiện nhiều hợp đồng bị tố là làm khống, làm giả mua bán vật tư… rồi qua mặt chủ đầu tư cùng cơ quan chức năng nhằm lừa đảo chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng. Chẳng hạn, Hợp đồng kinh tế số 0312/HĐKT/TDC lập ngày 25/7/2011 giữa TADICO với CTy TNHH SX&TM Thiên Đỉnh để mua bán vật tư với giá trị gần 1,8 tỷ đồng nhưng do phó Giám đốc ký mà không hề có ủy quyền và người tố cáo khẳng định đó là hợp đồng giả để làm hồ sơ quyết toán tại công trình sân bay. Thậm chí, theo bà Hương, có hợp đồng ghi chức danh của Phó Giám đốc nhưng thực tế chỉ là nhân viên phòng và mục đích là làm hợp đồng khống để hợp thức hóa…

Trước thông tin công khai việc ông Quý tố cáo bị một số người trong công ty lợi dụng chức vụ, dùng các thủ đoạn làm giả hồ sơ, chiếm đoạt nhiều chục tỷ đồng, bà Hương cho biết chính ông Quý đã “bốc” tiền công ty để chi tiêu cá nhân, kể cả việc vợ của ông này cũng nhận tiền do TADICO chuyển nên đã gây ra “thụt quỹ”. Theo đó, chỉ riêng sổ tổng hợp tạm ứng thể hiện từ 1/1/2012 đến 30/4/2013, ông Quý đã trực tiếp ký nhận số tiền gần 9,35 tỷ đồng. Ngoài ra TADICO còn chuyển nhiều tỷ đồng đến Công ty TNHH SX&TM Tân Định do bà Lê Thị Nam Phương là vợ ông Quý làm giám đốc để “cho vay” với những hóa đơn không rõ ràng…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh những tố cáo phức tạp tại TADICO (Đà Nẵng): Cần được xác minh, xử lý nghiêm theo quy định