Vụ án hủy hoại tài sản tại Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội: Nhiều tồn tại cần giải quyết thỏa đáng

Nhóm PV| 30/03/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

HTXNN thôn ký hợp đồng không đúng pháp luật bị UBND xã yêu cầu hủy bỏ. Việc phá dỡ công trình xây dựng để trả lại mặt bằng nuôi trồng thủy sản bị coi là hành vi hủy hoại tài sản. Đã có những tồn tại cần được giải quyết đúng pháp luật.

Hợp đồng thầu bị hủy bỏ

 Năm 2004, anh Phạm Văn Dũng trúng thầu 28,4 ha đất nuôi trồng thủy sản thuộc khu kênh đầm, thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là diện tích đất thuộc quyền sử dụng của một số hộ xã viên HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp thôn Việt Yên. Đến năm 2009 thì hết hạn và anh Dũng lại ký tiếp hợp đồng thầu với HTX đến năm 2019. Anh Dũng làm hợp đồng góp vốn với anh Phạm Văn Lợi nuôi trồng thủy sản mà thực chất, anh Lợi mới là người bỏ vốn đầu tư toàn bộ trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

Đầu năm 2011, UBND xã Ngũ Hiệp yêu cầu HTX thôn Việt Yên phải hủy bỏ hợp đồng ký với anh Dũng vì trái quy định của pháp luật. Ngày 10/1/2011, giữa HTX và anh Dũng, anh Lợi đã lập biên bản hủy hợp đồng đấu thầu. Đến ngày 23/3/2011, đại diện HTX, anh Lợi, anh Dũng cùng một số xã viên có đất trong vùng đấu thầu trên đã đến UBND xã Ngũ Hiệp lập biên bản bàn giao mặt bằng khu kênh đầm nuôi trồng thủy sản. Theo đó, thời hạn cuối để anh Lợi, anh Dũng bàn giao mặt bằng là ngày 24/3/2011. Đến hạn nhưng anh Dũng và anh Lợi vẫn không bàn giao mặt bằng nên sáng 25/3/2011, một số xã viên có đất và đông đảo người dân thôn Việt Yên tiến hành tháo dỡ toàn bộ nhà trông cá, nhà kho, bể nước, bể cá, chặt cây cối trên diện tích mà HTX đã cho anh Dũng ký hợp đồng đấu thầu.

Tuy nhiên, việc làm này của họ bị Công an huyện Thanh Trì khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với  6 người gồm: Nguyễn Văn Bình, Phạm Văn Trường, Đỗ Văn Phương, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Khôi (tức Dũng) về tội “Hủy hoại tài sản” khiến tình hình địa phương vô cùng phức tạp. Thậm chí, nhiều khi Công an địa phương đã phải huy động hàng trăm chiến sỹ để bảo đảm tình hình an ninh trật tự.

Những tồn tại cần được giải quyết

Người dân nơi đây thì cho rằng không có việc hủy hoại tài sản trong vụ án này. Bởi lẽ, việc phá bỏ nhà trông cá, nhà kho, nhà bếp… của người dân tại khu đất anh Dũng đấu thầu là dẹp bỏ những tài sản được tạo dựng một cách bất hợp pháp. Cụ thể là, diện tích đất này là đất nông nghiệp dùng để nuôi trồng thủy sản không được phép xây dựng. Thực tế, các công trình bị người dân tháo dỡ cũng không hề được cấp có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Hơn nữa, hợp đồng thuê thầu là vi phạm pháp luật ngay từ khi Chủ nhiệm HTX ký cho thuê thầu và sau đó đã được các bên thống nhất hủy bỏ. Vì vậy, tài sản được xây dựng, hình thành một cách trái pháp luật phải dỡ bỏ để trả lại diện tích nuôi trồng thủy sản cho bà con xã viên là đương nhiên.

Điều quan trọng là, việc hủy hợp đồng thuê thầu và trả lại mặt bằng ruộng đất cho xã viên được thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND xã Ngũ Hiệp. Ngày 24/2/2011, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND xã Dương Đức Vinh, với sự tham dự của ông Chủ tịch Hội nông dân xã, lãnh đạo thôn, Chủ nhiệm HTX, có cả chủ hợp đồng là ông Phạm Văn Lợi (được ông Phạm Văn Dũng ủy quyền) và rất nhiều đại diện các hộ dân có ruộng đất đã tiến hành họp bàn phương án giải quyết. Cuộc họp này đã đi đến thống nhất: Sẽ thu dọn tài sản thu hoạch xong trước ngày 24/3/2011, kể cả trên bờ và dưới nước, nhà xưởng… khi thu cá đến đâu thì trả lại đầm đến đó. Bản thân ông Lợi cũng chấp nhận.

Tuy nhiên, do đầm không được trả lại nên ngày 23/3/2011, UBND xã đã triệu tập lãnh đạo thôn; chi bộ… chủ đầm và có cả Trưởng phòng Kinh tế huyện dự để họp và đi đến kết luận: Hai chủ đầm phải bàn giao diện tích đất đã thuê cho xã viên HTX xong trước ngày 24/3/2011. Đến ngày 24/3/2011, cuộc họp dưới sự chủ trì của ông Đỗ Đình Giang (Bí thư Chi bộ), nhiều thành phần đoàn thể trong thôn cùng rất nhiều đại diện các hộ dân đi đến thống nhất cách thức giải phóng mặt bằng vào ngày 25/3.

Ngoài ra, trong vụ án, việc xác định lý lịch tư pháp đối với Nguyễn Văn Khôi (tức Nguyễn Văn Dũng) chưa chính xác vì Quyết định khởi tố bị can là Nguyễn Văn Dũng. Nhưng thực tế, không có ai tên là Nguyễn Văn Dũng trong vụ án này. Cho nên khi phát hiện Nguyễn Văn Khôi (với tên thường gọi là Nguyễn Văn Dũng) thì phải hủy bỏ quyết định khởi tố bị can với Nguyễn Văn Dũng và ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Khôi mới đúng pháp luật.

Về giá trị thực tế của tài sản bị thiệt hại cũng cần được xem xét chính xác. Bởi lẽ, trong số tài sản đó có nhà kho diện tích 83,52m2 trị giá hơn 52 triệu đồng nhưng người dân khẳng định không có căn nhà nào có diện tích lớn vậy.

Vấn đề khác đáng được quan tâm xem xét để giải quyết khách quan vụ việc là sau cuộc họp chốt lại hạn cuối cùng để bàn giao đầm nhưng bà Hạt (Chủ nhiệm HTX) lại tự ý ký với chủ đầm cho lùi lại 15 ngày để dọn tài sản, trái với chỉ đạo của UBND xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ án hủy hoại tài sản tại Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội: Nhiều tồn tại cần giải quyết thỏa đáng