Tây Ninh: Cần xem xét quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân

Văn Khôi| 09/05/2015 08:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ông Trần Văn Lực, thường trú 4/28 khu phố Hiệp Bình, phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh vừa có đơn kêu cứu gửi Báo Công lý.

Theo đó, gia đình ông đã khai phá được 4,7ha đất sản xuất vào năm 1953. Năm 1971, chính quyền Sài Gòn cũ đã cấp bằng khoán cho ông với diện tích 3ha. Sau giải phóng, chính quyền địa phương đã lấy đất của ông để giao cho một số đơn vị nhưng không thực hiện hỗ trợ, bồi thường gì. Hiện nay, gia đình ông chỉ còn lại hơn 1ha đất để làm nhà ở và vườn cây.

Thế nhưng, ngày 30/9/2014, UBND TP. Tây Ninh đã ban hành quyết định buộc gia đình ông phải tháo dỡ nhà, chặt bỏ cây cao su để trả lại đất cho Nhà nước. Gia đình ông Lực đã khiếu nại quyết định này và ngày 17/4/2015 UBND TP. Tây Ninh đã có Quyết định số 423 bác đơn khiếu nại của gia đình ông.

Năm 1953 vợ chồng ông Trần Văn Lực có khai phá được 4,7ha đất để sản xuất tại khu vực Trà Phí, thuộc ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (nay là khu phố Ninh Thành, phường Ninh Sơn, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh). Năm 1965, chính quyền chế độ cũ có thu hồi 0,2ha để làm đồn bốt. Năm 1971, gia đình ông Lực đã kê khai diện tích đất còn lại là 4,5ha, được chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấp bằng khoán là 3ha. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn sử dụng và canh tác cả diện tích 4,5ha.

Tây Ninh: Cần xem xét quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân

Biên lai thu tiền thuế đất nông nghiệp mà ông Trần Văn Lực đóng năm 1978

Sau giải phóng, gia đình ông Lực tiếp tục sử dụng diện tích đất trên và đóng thuế đất cho Nhà nước đầy đủ. Năm 1978, UBND tỉnh Tây Ninh tiến hành lấy đất xung quanh để giao cho Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Tây Ninh sử dụng, có lấy 1ha đất của ông Lực nhưng không xem xét giải quyết hỗ trợ, bồi thường gì cho gia đình ông. Năm 1984, UBND tỉnh Tây Ninh tiếp tục lấy đất của ông Lực để giao cho Liên hiệp xí nghiệp đường tổng hợp Tây Ninh, theo thỏa thuận là chỉ lấy 7.700m2 nhưng thực tế thì đơn vị này đã lấy toàn bộ đất của ông Lực mà không xem xét bồi thường, hỗ trợ gì. Năm 1980, Tổng đội TNXP giải thể, phần đất được giao lại cho Trường Trung học quản lý kinh tế Tây Ninh. Năm 1990, Trường Trung học quản lý kinh tế Tây Ninh giải thể thì gia đình ông Lực trở về sử dụng đất cũ.

Kể từ năm 1990, gia đình ông Trần Văn Lực bắt đầu khiếu nại đòi lại đất. Ngày 8/9/2000, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 72, bác đơn khiếu nại của ông Lực, lý do là khiếu nại không có cơ sở pháp lý. Trong khi ông Lực vẫn tiếp tục khiếu nại thì bất ngờ ngày 30/9/2014, UBND TP. Tây Ninh ban hành Quyết định số 724 buộc ông Trần Văn Trí (con trai ông Lực, người ở trên đất) phải tháo dỡ nhà, chặt bỏ cây cao su trên diện tích 10.358m2 để trả lại đất cho Nhà nước. Gia đình ông Lực lại làm đơn khiếu nại Quyết định này và mới đây, ngày 17/4/2015, UBND TP. Tây Ninh đã có Quyết định số 423 do ông Nguyễn Hữu Mỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh ký, bác đơn khiếu nại của gia đình ông Trần Văn Lực.

Trong hồ sơ thể hiện, đất của gia đình ông Trần Văn Lực đã được chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấp bằng khoán và Chứng thư cấp quyền sở hữu vào năm 1971; ông Trần Văn Lực đứng tên 1,2ha, vợ ông Lực (bà Võ Thị Nhe) đứng tên 1,8ha. Theo Luật Đất đai năm 1993 và Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 (khoản e) thì các loại giấy tờ này là hợp lệ để Nhà nước xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Lực. Hơn nữa, thực tế gia đình ông Lực đã sử dụng đất liên tục, hợp pháp từ năm 1990 đến nay, đã xây dựng nhà, trồng cây cao su lâu năm trên đất. Đề nghị UBND TP.Tây Ninh xem xét, giải quyết quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân theo đúng quy định pháp luật.                       

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ninh: Cần xem xét quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân