Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Sao không khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật?

Trần Đức| 06/11/2015 08:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một doanh nhân thành đạt, điều hành doanh nghiệp ăn nên làm ra, đang khoẻ mạnh bỗng nhiên bị một nhóm người bắt giữ, đưa vào bệnh viện tâm thần.

Điều đáng ngạc nhiên là đã 8 tháng trôi qua kể từ ngày ông thoát khỏi “địa ngục trần gian” đưa đơn thư tố cáo lên nhiều cơ quan chức năng nhưng tất cả chỉ là sự im lặng …

Bắt người trái pháp luật

Ông Nguyễn Sơn Hải là người hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Công nghiệp Thiên Phú, hàng ngày vẫn tham gia hoạt động quản lý công ty. Khoảng 22g ngày 31/1/2015, khi đi làm về nhà (tại 119 phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), thì ông Hải phát hiện có nhiều người lạ mặt ngồi uống nước gần đó. Trong lúc ông Hải mở cửa nhà, thì bất ngờ 5 đối tượng này ập đến khống chế, cưỡng ép đưa lên chiếc ô tô 7 chỗ, phóng đi. Ông Hải hoang mang không biết mình bị chở đi đâu và vì lý do gì, khi hỏi chỉ nhận được sự im lặng. Chỉ đến khi chiếc xe ô tô vào trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, ông Hải mới biết mình được bàn giao cho Bệnh viện, nhưng không ai giải thích rõ lý do.

Trong Đơn tố cáo gửi cho các cơ quan chức năng và báo chí, ông  Nguyễn Sơn Hải bày tỏ nỗi bức xúc: “Việc nhóm người lạ mặt bắt giữ tôi, đưa vào bệnh viện tâm thần Trung ương I là có tổ chức, coi thường pháp luật”. Trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm đó, với sự bình tĩnh cao độ, ông Hải đã cố gắng hoàn thành vai diễn “bệnh nhân tâm thần” của mình để được ra Viện sớm. Một mặt ông uống thuốc, tiêm theo đúng lệnh bác sĩ, không phản đối, kêu oan hay có hành vi phản kháng. Mặt khác, cố gắng bảo vệ mình an toàn trong lúc sống giữa cả trăm bệnh nhân tâm thần. 

Ông Hải chia sẻ: “Tôi gần như bị giam lỏng và cưỡng ép tiêm thuốc mà không được biết là loại thuốc gì, khiến cơ thể tôi mệt mỏi, mê man. Trong những ngày bị “bắt giữ”, những khi tôi mệt mỏi, Bệnh viện trói toàn bộ tay chân, ép buộc ăn bằng cách đưa thức ăn qua ống xông xuống dạ dày”.

Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Sao không khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật?

Ông Hải (bên phải) trong một lần trao tiền từ thiện nhờ Báo Dân trí chuyển đến người khó khăn

Liên tục bị trói giữ và tiêm thuốc, cơ thể ông Hải gần như kiệt sức và hoảng loạn. Nhiều lần ông Hải yêu cầu Bệnh viện phải giải thích và thả mình ra, nhưng đều bị từ chối. Mọi tài sản và thiết bị liên lạc của anh Hải mang theo người gồm: tiền mặt, 2 máy Ipad, 2 điện thoại Iphone 6 và 2 điện thoại Iphone 4... đều bị bệnh viện thu giữ. Mãi tới ngày 6/3/2015, tức là sau 38 ngày cưỡng bức điều trị, ông Hải mới được Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho xuất viện.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I kết luận ông Hải bị mắc chứng “rối loạn phân liệt cảm xúc loại hỗn hợp F25.2”. Vì không tin tưởng vào kết luận nói trên, trong các ngày 9/4/2015 và 10/4/2015, ông Hải đã tới Phòng khám số 1 Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để kiểm tra sức khoẻ tâm thần. Sau khi tiến hành các xét nghiệm cần thiết, hai bệnh viện đều kết luận sức khoẻ tâm thần của ông Hải là bình thường, tức là trái ngược với chẩn đoán của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.

Giữa thủ đô, một người hoàn toàn khỏe mạnh, thành đạt lại bị bắt giữ, đưa vào nhập viện tâm thần trong đêm, vậy nhóm đối tượng bắt người trái pháp luật đó là ai? Tại Thông báo số 139/BV-TB ngày 8/6/2015 của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I có một chi tiết hết sức đáng lưu ý trong lời khai của của các bác sĩ. Bác sĩ Hà Huy Dũng giải trình: Khoảng 22g ngày 31/1/2015, bác sĩ Dũng đang trực ở khoa 4 thì nhận được “Phiếu khám bệnh mang tên Nguyễn Sơn Hải, địa chỉ Phố Huế - Hai Bà Trưng – Hà Nội” do điều dưỡng trực Khoa Khám bệnh đưa vào, những người đi cùng được coi như người nhà và một số người được gia đình nhờ hộ tống đưa bệnh nhân vào khoa. Bác sĩ Dũng cho biết, những người hộ tống đưa bệnh nhân vào là người lạ, bác sĩ không biết họ là ai.

Những dấu hiệu vi phạm pháp luật cần làm rõ

Việc một nhóm người không thuộc về bệnh viện, bắt giữ ông Hải đưa vào Viện tâm thần là hành vi có đầy đủ dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 Bộ luật Hình sự.

Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân nói riêng, quyền tự do, dân chủ của công dân nói chung.

Quyền bất khả xâm phạm về thân thể là một trong những quyền tự do cá nhân rất quan trọng của công dân. Rộng hơn nữa, nó còn được coi như một quyền cơ bản của con người. Điều 20  Hiến pháp 2013 qui định: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định”.

 Hậu quả của hành vi bắt giữ trái phép trên đây gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với ông Hải là người bị bắt giữ trái pháp luật, mà còn đối với cả người thân, gia đình cũng như ảnh hướng đến uy tín, đến hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp của ông Hải.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong vụ việc này, tìm ra kẻ chủ mưu để xử lý nghiêm minh nhằm bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của công dân đã được quy định tại Hiến pháp.       

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội: Sao không khởi tố vụ án bắt giữ người trái pháp luật?