Nhận tiền của cơ quan điều tra có phạm tội không? Thêm nhiều câu hỏi đặt ra cần giải đáp

Thái Vũ| 01/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã có bài “Nhận tiền của cơ quan điều tra có phạm tội không?” của chuyên gia pháp luật Đỗ Văn Chỉnh, bài báo đặt ra nhiều nội dung đáng quan tâm. Đọc bài báo chúng tôi thấy còn nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra cần thảo luận cho ngã ngũ.

Anh Lê Minh Hiếu, nguyên là Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp là người trực tiếp giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là ông Phạm Văn Y với bị đơn là ông Trần Văn Hoàng. Theo ông Hoàng khai anh Hiếu đặt vấn đề là ông Hoàng đưa cho anh Hiếu 30 triệu đồng thì sẽ giải quyết vụ án theo yêu cầu của ông Hoàng. Ông Hoàng chấp nhận, đồng thời chủ động gửi đơn đến Công an tỉnh Đồng Tháp tố cáo hành vi đòi hối lộ của anh Hiếu.

Khi ông Hoàng đưa cho anh Hiếu gói tiền trị giá 30 triệu đồng thì bị bắt. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt anh Hiếu 5 năm tù về tội nhận hối lộ. Anh Hiếu kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm minh oan vì không đòi hối lộ. Bản án hình sự phúc thẩm số 250/2010/HSPT ngày 28/4/2010 của Tòa phúc thẩm TANDTC Tp. Hồ Chí Minh có nhận định: “Lời khai của ông Hoàng là người đưa hối lộ về số tiền bị cáo yêu cầu đưa là không thống nhất, có nhiều mâu thuẫn, tại phiên tòa phúc thẩm ông Hoàng đã được triệu tập nhiều lần nhưng không đến phiên tòa để đối chất, số tiền 30 triệu đồng mà bị cáo nhận có căn cứ xác định là do Cơ quan điều tra giao cho ông Hoàng đưa cho bị cáo…”. Tuy nhiên anh Hiếu bị phạt tù 4 năm.

Bên cạnh ý kiến của tác giả đã nêu, chúng tôi thấy còn nhiều nội dung cần quan tâm, làm rõ để nâng cao chất lượng đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay.

Thứ nhất, vấn đề đặt ra là căn cứ nào để Cơ quan điều tra tin lời khai của ông Hoàng? Giả sử vì một lý do nào đó mà ông Hoàng muốn hãm hại vị Thẩm phán này hay đơn giản là thay Thẩm phán khác trong việc giải quyết vụ án thì vô hình trung cơ quan chức năng tiếp tay cho đương sự đạt được mục đích.

Thứ hai, Cơ quan điều tra chi 30 triệu đồng để ông Hoàng thực hiện vụ hối lộ, nếu không có 30 triệu này thì ông Hoàng có đưa hối lộ để anh Hiếu nhận hối lộ hay không? Nói cách khác là vụ án có xảy ra hay không? Không ai dám chắc diễn biến vụ việc sẽ như thế nào.

Thứ ba, Cơ quan điều tra chi 30 triệu để vụ án xảy ra khiến người ta liên tưởng đến một tình huống giả định: Một người cãi nhau với hàng xóm, trong cơn tức giận nói sẽ đốt nhà hàng xóm. Một người đứng xem cãi nhau thấy vậy vội mang ngay can xăng và bật lửa đến đưa cho đương sự. Đang cơn tức giận, đương sự đổ xăng đốt nhà hàng xóm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp đó người mang xăng và bật lửa đến chắc chắn phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi giúp sức, xúi giục, tạo điều kiện để tội phạm xảy ra.

Nhận tiền của cơ quan điều tra có phạm tội không? Thêm nhiều câu hỏi đặt ra cần giải đáp

Biện pháp nghiệp vụ phải đúng pháp luật (Ảnh MH)

Từ đó suy ra, hành vi của người đưa tiền để ông Hoàng “cài bẫy” Thẩm phán có khác hành vi mang can xăng và bật lửa đến trong tình huống kể trên không? Hai hành vi không khác nhau, do đó có lẽ người đưa tiền cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự mới thỏa đáng.

Ai cũng hiểu rằng, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay rất phức tạp, nên nhiều trường hợp phải dùng “biện pháp nghiệp vụ” mới phát hiện được tội phạm. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào “biện pháp nghiệp vụ” cũng phải đúng pháp luật.

Đọc bài báo này bạn đọc không thể không nhớ đến vụ Hoàng Khương, phóng viên Báo Tuổi Trẻ, cách đây 3 năm, bị truy tố và lĩnh án 4 năm tù do “tác nghiệp” không đúng pháp luật.

Vụ án này diễn ra trong bối cảnh tình hình trật tự an toàn và tai nạn giao thông ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng rất phức tạp. Trong đó lực lượng CSGT chịu trách nhiệm rất lớn. Bên cạnh đại đa số cán bộ, chiến sĩ CSGT tận tâm hoàn thành nhiệm vụ, với nhiều tấm gương hy sinh dũng cảm, đã được báo chí và người dân đánh giá cao thì còn có nhiều trường hợp CSGT tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân. Nhà báo Hoàng Khương đã đóng giả vai “tài xế” để chứng kiến, ghi âm, chụp ảnh các đối tượng liên quan đường dây “mãi lộ”. Sau đó đã có hai bài viết “Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn” và bài “Trả giá chung chi” đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Kết quả là hai CSGT bị truy tố.

Năm 2012 Hoàng Khương có hai bài báo “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép” cũng về đề tài này theo chủ trương của báo. Vụ này dẫn đến Hoàng Khương bị truy tố. Theo cáo trạng, do biết Tôn Thất Hòa có quen biết với nhiều CSGT nên Trần Anh Tuấn đã nhờ giải quyết lấy xe đầu kéo bị tạm giữ trong một vụ TNGT xảy ra tại quận Bình Thạnh. Thông qua Hòa, Tuấn đã “đút lót” cho CSGT Huỳnh Minh Đức 3 triệu đồng để được lấy xe sớm hơn.

Trần Minh Hòa đã đưa cho Khương 15 triệu đồng để nhờ giải cứu xe đua. Trong vai một người tên Hùng, Khương đã nhờ Hòa làm cầu nối và đưa cho Đức số tiền 15 triệu đồng để giải cứu xe đua cho Hòa.

Tại phiên toà, đại diện VKS nhận định, Hoàng Khương đã lợi dụng chức vụ nhà báo được phân công nhiệm vụ viết bài trong lĩnh vực vi phạm giao thông. TAND TP HCM cùng quan điểm với VKS khi cho rằng Hoàng Khương "đã lợi dụng tư cách nhà báo để thực hiện mục đích cá nhân", song do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên tuyên phạt 4 năm tù.

Tại phiên tòa các bị cáo Huỳnh Minh Đức, Tôn Thất Hòa, Trần Minh Hòa và Đông Anh đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Trong đó, trung úy Đức đã nhận 18 triệu đồng từ Hòa và Khương để giải cứu 2 chiếc xe vi phạm của Trần Anh Tuấn và Trần Minh Hòa.

Như vậy, với chức năng là một phóng viên, Hoàng Khương đã dấn thân đến mức trực tiếp đưa hối lộ dẫn đến hậu quả bị kết án, dù đã từng góp phần tích cực đấu tranh, ngăn chặn nạn tiêu cực trong lĩnh vực giao thông. Trở lại vụ án ở Tam Nông, Đồng Tháp, chúng tôi thấy có những nét tương đồng, tuy hậu quả khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận tiền của cơ quan điều tra có phạm tội không? Thêm nhiều câu hỏi đặt ra cần giải đáp