Nhiều yếu tố thúc đẩy xuất nhập khẩu tiến tới kỷ lục mới

Trang Nhi| 15/11/2021 16:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhờ sự phục hồi và vươn lên của các doanh nghiệp cùng hiệu quả của các hiệp định FTA mang lại... kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2021 hoàn toàn có thể "xác lập" kỷ lục mới.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dù đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài trong nhiều tháng tại các tỉnh thành phía Nam đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nhưng nhờ tăng trưởng cao trong những tháng đầu năm nên tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng vẫn tăng 2 con số.

xuat-nhap-khau-ca-nam-2.jpg
Nhiều yếu tố thúc đẩy xuất nhập khẩu tiến tới kỷ lục mới.

Cụ thể, 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 537,31 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 267,93 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước) và nhập khẩu đạt 269,38 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước.

Dù hết tháng 10, Việt Nam vẫn còn nhập siêu 1,45 tỷ USD, song nhiều dấu hiệu cho thấy xuất khẩy đã và đang tăng tốc mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm khi hoạt động sản xuất đang hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt, cán cân thương mại hằng tháng đang giảm dần nhập siêu.

Tín hiệu đáng chú ý khác trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa là các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã được doanh nghiệp tận dụng tương đối hiệu quả. Qua 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA, các tác động từ những hiệp định này là rất rõ như với những thị trường, đặc biệt là thị trường mà chúng ta chưa từng ký FTA, kim ngạch xuất khẩu đã tăng trưởng rất mạnh.

Các doanh nghiệp cũng đã dần có những phương thức sản xuất ứng phó linh hoạt, kịp thời với tình hình dịch bệnh, cùng đó là chiến lược nguồn lao động bằng cách chấp nhận sự biến động để sàng lọc, định hình đội ngũ lao động phù hợp, cải tiến công tác quản lý, cải tiến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo môi trường tốt và thu nhập tốt để giữ chân người lao động.

Ngoài ra, nhu cầu tăng cao vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, điện tử... Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng cơ hội của thị trường trong vài tháng cuối năm để bù đắp những hao hụt về xuất khẩu trong khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch; khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động đàm phán để xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển.

xuat-nhap-khau-ca-nam-1.jpeg
Dệt may là một trong những ngành được dự báo sẽ đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến.

Từ các yếu tố trên, Bộ Công Thương dự báo, cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt khoảng 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ.

Theo đó, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.

Để đạt được con số này, Bộ Công Thương đang thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại ra các nước đặc biệt từ nay đến cuối năm. Việt Nam đang có thuận lợi khi khai thác hiệu quả các hiệp định tự do thương mại (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng DN trong nước đang có lợi thế.

Đồng thời, để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tốt nhất lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn DN chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách; song song đó, làm việc với phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía bắc. Từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch năm 2021 và chuẩn bị tốt nhất cho năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều yếu tố thúc đẩy xuất nhập khẩu tiến tới kỷ lục mới