Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhiều yếu tố bất lợi cho xuất khẩu dệt may

Trang Nhi 15/06/2023 - 08:47

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may liên tục lao dốc khiến kết quả kinh doanh và số lượng lao động của doanh nghiệp giảm mạnh. Tình hình vẫn chưa khả quan hơn trong quý III và vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi bủa vây ngành này.

Dựa trên tình hình kinh tế toàn cầu và diễn biến ngành dệt may, các doanh nghiệp cho rằng, mảng xuất khẩu sẽ tiếp đà giảm trong quý II và xu hướng chuyển sang các đơn hàng ngắn hạn, nhỏ, khó và yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao.

xk-det-may.jpg

Năm 2023, GDP thế giới được dự báo tăng trưởng thấp hơn 2022 do chính sách thắt chặt tiền tệ và xung đột địa chính trị.

Nếu như các cuộc khủng hoảng trước đây có thể là khủng hoảng nợ hoặc khủng hoảng đình lạm thì năm 2023 thế giới có thể đứng trước thách thức khi xảy ra cả hai cuộc khủng hoảng trên diện rộng.

Có thể mất tới 40 tháng để xử lý khó khăn kép trên và những diễn biến xấu trên thị trường có thể kéo dài tới năm 2024. Điều này khiến nhu cầu sản phẩm dệt may cơ bản giảm, đồng thời có sức ép dịch chuyển qua quốc gia rẻ hoặc gần thị trường hơn Việt Nam.

Ngoài ra, cầu tiếp tục thấp trong quý III, trong khi cung tiếp tục tăng trong năm 2023 do Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu để phục hồi kinh tế. Xu hướng đơn hàng nhỏ, đặt hàng gấp dẫn đến xu thế tìm nguồn cung ứng ở gần để rút ngắn thời gian giao hàng. Giá cả tiếp tục ở mức cạnh tranh gay gắt. 

Trước đó, các chuyên gia dự báo rằng sự sụt giảm về đơn hàng, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may có thể kéo dài sang quý III và ít nhất sang quý IV mới dần phục hồi.

Ngoài yếu tố lực cầu giảm, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước áp lực cạnh tranh lớn với các đối thủ có chi phí nhân công, giá thành sản phẩm rẻ hơn như Ấn Độ, Bangladesh.

Theo thống kê của Vinatex, chi phí tiền lương trung bình hàng tháng cho công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn so với trung bình toàn cầu ở ngưỡng 200 USD/người/tháng.

Nếu so sánh với các đối thủ, tiền lương công nhân của Việt Nam đang khá cao so với mức 95 USD/người/tháng của Bangladesh hay 190 USD/người/tháng của Campuchia và 145 USD/người/tháng của Ấn Độ.

Chưa kể những chỉ số như giá trị đồng tiền của Việt Nam cao hơn đối thủ 20%; lãi suất vẫn neo cao; giá điện lại mới tăng 3%... cũng làm mất đi lợi thế của dệt may Việt Nam.

Trong bối cảnh khó khăn này, các doanh nghiệp dệt may cần tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, thay đổi nhanh, khó, thời gian gấp; ngành Sợi xúc tiến lại thị trường Trung Quốc…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tối thiếu hóa vốn lưu động, tạm dừng các chương trình mở rộng, chỉ xem xét đầu tư chiều sâu và nghiên cứu phương án tổ chức sản xuất giảm quy mô, bảo tồn sức mạnh cốt lõi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều yếu tố bất lợi cho xuất khẩu dệt may