Những ý kiến xung quanh nghị định 19/NĐ-CP về kinh doanh khí đang là vấn đề nóng trong các cuộc đối thoại lấy ý kiến doanh nghiệp của Bộ Công Thương trong thời gian gần đây.
Còn nhiều bất cập...
Tại hai hội nghị của Bộ Công Thương diễn ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lấy ý kiến về quy định thủ tục hành chính, rất nhiều đại diện các doanh nghiệp từ Nam bay ra Bắc và cả ngược lại để tìm kiếm cơ hội nêu ý kiến về những quy định xung quanh nghị định 19/NĐ-CP về kinh doanh khí.
Một trong những điều kiện được quy định tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP đối với thương nhân xuất khẩu nhập khẩu khí là: Có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 mét khối đối với LPG; 60.000 mét khối đối với LNG; 200.000 mét khối tiêu chuẩn đối với CNG thuộc sở hữu của thương nhân hoặc đồng sở hữu thuê của thương nhân kinh doanh khí tối thiểu 01 năm đối với LPG và 05 năm đối với LNG và CNG để tiếp khí từ tầu hoặc phương tiện vận chuyển khác.
Một điều khoản khác cũng quy định điều kiện với thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí là có số lượng chai LPG các loại (không tính chai LPG mini) đủ điều kiện lưu thông trên thị trường thuộc sở hữu của thương nhân với tổng dung tích chứa tối thiểu 3.930.000 L.
Còn nhiều bất đồng xung quanh những điều kiện quy định về kinh doanh gas. Ảnh minh họa
Tại hội nghị ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh gas tại tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các quy định về thủ tục của Bộ Công Thương về lĩnh vực này đang rất luẩn quẩn, vòng vo.
Đưa ra ví dụ, bà Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết nếu doanh nghiệp muốn làm tổng đại lý kinh doanh gas phải có cửa hàng bán gas. Tuy nhiên, nếu muốn bán gas thì lại phải có một số điều kiện của tổng đại lý. Điều này khi áp dụng vào thực tiễn đang rất bất cập và kiến nghị Bộ Công Thương nên xem xét và điều chỉnh. Thậm chí bà Trang còn cho rằng điều kiện về kinh doanh khí tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP là quá chặt chẽ và bất hợp lý “dẫn đến nguy cơ phá sản phần lớn các doanh nghiệp đang phân phối khí gas”.
Có cùng quan điểm như bà Trang là ông Phan Tấn Bửu, đại diện cho Hiệp hội những nhà kinh doanh gas tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Theo ông Bửu, so với Nghị định 107 trước đây, điều kiện về vỏ bình ở Nghị định 19 có giảm xuống nhưng áp dụng cho cả đối tượng là trạm chiết. Với những tỉnh nhỏ, quy mô thị trường không lớn như Quảng Nam thì doanh nghiệp kinh doanh trạm chiết không thể đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài ra, quy định về tổng đại lý phải có kho có tổng sức chứa 2.000 vỏ bình là vấn đề mà doanh nghiệp khó có khả năng thực hiện.
Đề nghị giữ nguyên điều kiện KD để đảm bảo an toàn
Trước những quy định của Nghị định 19, không phải doanh nghiệp kinh doanh gas nào cũng phản đối mà còn có khá nhiều DN đồng tình theo những điều khoản của quy định này. Đại diện của doanh nghiệp từ Nghệ An bay vào Tp Hồ Chí Minh là ông Nguyễn Minh Châu, công ty cổ phần Dầu khí EPIC cho rằng với những điều kiện hiện tại của Nghị định 19 như: Có bồn chứa CNG với tổng dung tích tối thiểu 200.000 Sm3, có trạm nén khí CNG có công suất tối thiểu 3.000 Sm3/h… là hoàn toàn hợp lý và không nên rút thấp hơn.
Quan điểm của ông Châu là nếu hạ thấp hơn nữa các điều kiện về kinh doanh khí thì doanh nghiệp đầu tư bài bản sẽ cạnh tranh không lại với các cơ sở sang chiết lậu, chiếm dụng vỏ bình khi đối tượng này không phải tốn chi phí gì. Ông Châu cũng cảnh báo, nếu điều kiện quy định đối với các doanh nghiệp kinh doanh gas càng giảm thì yếu tố gây mất an toàn trong sản xuất càng cao, quyền lợi người tiêu dùng ngày càng không được đảm bảo.
Một số DN cho rằng nếu điều kiện kinh doanh gas càng giảm thì yếu tố gây mất an toàn trong SX càng cao. Ảnh minh họa
Cùng quan điểm giữ nguyên Nghị định 19, ông Hoàng Anh - Giám đốc Công ty Gas Petrolimex cho rằng đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư lớn, kinh doanh bài bản, có tính hệ thống do vậy các quy định vỏ bình, kho chứa như hiện tại là phù hợp và nên giữ.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Anh, không nên cứng nhắc về việc quy định “đồng sở hữu” và quy định cứng một tổng đại lý được ký với bao nhiêu thương nhân, không nên hạn chế người bán và người mua. Thay vào đó cơ quan quản lý cần linh hoạt cho 1 tổng đại lý được ký hợp tác với 1 thương nhân, có thể là 3 hay 4 thương nhân tùy vào năng lực của đại lý.
Riêng với quy định trạm nạp phải thuộc sở hữu một thương nhân phân phối theo quy định tại Nghị định 19, ông Hoàng Anh cho là hợp lý khi có thể khống chế được tỷ lệ gas giả trên thị trường. Thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam cho thấy, sang chiết lậu hiện chiếm tới từ 18-25% tổng lượng gas tiêu thụ trên thị trường. Nếu năm 2015 tiêu thụ khoảng 1,3 triệu tấn thì một phần tư là gas lậu từ các trạm sang chiết, nạp gas lậu. Nhà nước thất thu, doanh nghiệp thiệt hại, nhưng nguy hiểm hơn là người dân phải trả tiền để dùng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Ông Nguyễn Thế Nhân - Giám đốc Công ty Hoàng Ân (Tây Ninh) cũng cho rằng, so với những tiêu chuẩn trước tại Nghị định 107 thì điều kiện để trở thành thương nhân phân phối gas tại Nghị định 19 đã hạ chuẩn khá nhiều và không nên hạ chuẩn thêm nữa. Vị đại diện doanh nghiệp này cho rằng đây là cơ hội buộc các doanh nghiệp phải làm ăn bài bản, chính quy hơn chứ không thể làm bậy, luộm thuộm như trước.
Đại diện cho Bộ Công Thương tham dự đối thoại với doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết nghị định mới không phải là gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ. Nếu doanh nghiệp nào chưa đáp ứng được điều kiện thì vẫn có thể trở thành đại lý cho tổng đại lý và thương nhân kinh doanh.
“Chúng tôi mong muốn các DN chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở 1 chuỗi kinh doanh LPG chứ không phải là có ý định gạt bỏ DN vừa và nhỏ ra khỏi ngành kinh doanh gas”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ra quyết định rất quyết liệt các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương là nhanh chóng tạo điều kiện cho DN kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi sẽ tiếp tục nghe ý kiến, đóng góp của DN để hoàn thiện hơn.