Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 21/3/2016, bế mạc ngày 14/4/2016. Nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng của người dân các địa phương trên cả nước đã được cử tri bày tỏ thẳng thắn tới các cán bộ lãnh đạo cấp cao trong 2 ngày qua.
Cần có giải pháp mạnh mẽ hơn với vấn đề Biển Đông và công tác phòng, chống tham nhũng
Trong hai ngày 6-7/3/2016, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã tiếp xúc cử tri tại các huyện Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức của tỉnh Long An.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình trao đổi với các cử tri tại tỉnh Long An
Hầu hết ý kiến bà con cử tri tại các điểm tiếp xúc đều ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ của các vị Đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 của tỉnh Long An. Đồng thời, cử tri đã nêu ra các vấn đề cần được tiếp tục giải quyết triệt để trong thời gian tới như chủ quyền biển đảo, phòng chống tham nhũng, nguồn vốn ODA, giao thông nông thôn, xâm nhập mặn, vấn đề dân sinh, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường… Trong đó, những diễn biến ngày càng phức tạp tại Biển Đông và các giải pháp nhằm đẩy lùi nạn tham nhũng được nhiều cử tri quan tâm đề cập.
Về vấn đề Biển Đông, cử tri Nguyễn Văn Cậy (thị trấn Đông Thành, Đức Huệ) và cử tri Nguyễn Văn Sung (Thủ Thừa) cho rằng, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến rất phức tạp, có nhiều vấn đề cấp bách liên quan đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đề nghị Quốc hội cần có biện pháp thích hợp để an dân. Cử tri Phùng Văn Hải (xã Mỹ Thạnh Tây, Đức Huệ) cho rằng, qua thông tin báo chí, tình hình Trung Quốc đang tập trung xây dựng các đảo nhân tạo trên vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Đề nghị Quốc hội có chính sách phù hợp để đấu tranh đối với những hành động ngang ngược này.
Đề cập 9 vấn nạn nhức nhối đang diễn ra, cử tri Nguyễn Văn Tân (Đức Hòa) đặc biệt quan tâm nạn tham nhũng. Theo cử tri Nguyễn Văn Tân, mặc dù Đảng, Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật nhằm tiêu diệt “nạn nội xâm” này, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, vì thế, cử tri đề nghị Quốc hội cần chú trọng hơn nữa để đẩy lùi nạn tham nhũng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Cần đề ra những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giảm khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.
Tại các điểm tiếp xúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đã trao đổi và phân tích một số vấn đề cử tri có ý kiến. Về vấn đề Biển Đông, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định quan điểm trước sau của Đảng và Nhà nước ta là đoàn kết, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ, tôn trọng độc lập, chủ quyền của tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và pháp luật của mỗi nước. Quốc hội cũng đã có phiên họp, báo cáo với cử tri cả nước về tình hình và quan điểm của Nhà nước ta giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã chính thức trình bày trước Quốc hội đường lối nhất quán của Nhà nước Việt Nam là kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của đất nước dựa trên tinh thần Luật Biển 1982 và Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
Giải đáp thắc mắc của cử tri một số vấn đề liên quan đến đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình nêu rõ, các vụ án Vinasil, Vinalines đều đã được xét xử nghiêm khắc, đang trong quá trình thi hành án. 10 vụ án trọng điểm do Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương theo dõi chỉ đạo xử lý, đã và đang được Tòa án tập trung, khẩn trương xét xử nghiêm minh; áp dụng các biện pháp tư pháp, triệt để thu hồi tài sản công bị thất thoát. Song song với trừng phạt, Nhà nước ta có chính sách pháp luật khoan hồng đối với các trường hợp đối tượng tự nguyện thu hồi, hoàn trả tài sản thất thoát cho Nhà nước. Về thể chế, các Bộ, ngành đang tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng; góp ý kiến để tới đây Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật này.
Ngoài ra, những vấn đề thuộc tầm vĩ mô, thay mặt đơn vị bầu cử số 1, Chánh án Trương Hòa Bình ghi nhận và có văn bản báo cáo cho Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp báo cáo Quốc hội. Những vấn đề thuộc địa phương thì sẽ có văn bản đề nghị chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp dân làm kinh tế xóa đói giảm nghèo
Trong sáng ngày 7/3, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam đã có buổi tiếp xúc cử trị huyện miền núi Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Lê ở thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam thông báo một số nội dung chính của Kỳ họp thứ 11 (Quốc hội khóa XIII) sắp tới đây, nhiều cử tri huyện Nam Trà My đã nêu lên các kiến nghị về những vấn đề bức xúc tại địa phương như: xây dựng công trình điện, nước, chính sách xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học…
Theo cử tri Nguyễn Đình Toản (thôn 2, xã Trà Vân), đường giao thông nông thôn từ xã đến các thôn, xóm trong xã đang xuống cấp gây khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Đặc biệt, vào mùa mưa đường lầy lội, các phương tiện tham giao thông không thể đi lại được. Trong khi đó, điện lưới quốc gia đến nay vẫn chưa kéo xuống các thôn nên nhiều hộ dân không dám đầu tư chăn nuôi gia súc và chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế gia đình và các con em của các hộ dân thiếu ánh sáng để phục vụ cho việc học tập. Vì vậy, theo ông Toản, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ để chính quyền địa phương có kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn và điện lưới tại xã Trà Vân để người dân có cơ hội phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Cử tri Nguyễn Văn Út (thôn 1, xã Trà Mai) cho biết: Ở Tổ 6, thôn 1, xã Trà Mai hiện trường học, y trạm y tế, nhà văn hóa công cộng và nước sạch phục vụ cho bà con chưa có. Đề nghị Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu này để phục nhân dân trên địa bàn.
Cùng với các ý kiến trên, nhiều cử tri khác cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước và chính quyền cấp trên quan tâm tạo điều kiện để kinh tế của bà con trên địa bàn phát triển, nâng cao đời sống của đồng bào. Theo cử tri Hồ Văn Ny (cán bộ hưu trí), Chính phủ và Quốc hội cần tăng cường đầu tư phát triển kinh tế miền núi. Đối với những khu vực miền núi đã được đầu tư nhưng chưa phát huy hiệu quả phải xem xét, tìm hiểu kỹ nguyên nhân để rút kinh nghiệm nhân rộng cho các địa bàn chưa được đầu tư và sẽ được đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cử tri Hồ Văn Ny cũng đề nghị Nhà nước cần có chính sách và biện pháp cụ thể, thiết thực để dạy nghề tại chỗ cho con em đồng bào miền núi, trong đó có Nam Trà My...
Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã cảm ơn, ghi nhận các ý kiến, tâm tư nguyện vọng của bà con cử tri; đồng thời cảm ơn bà con cử tri huyện Nam Trà My ủng hộ, góp ý vào đường lối, chính sách xây dựng, đổi mới đất nước.
Trao đổi về các ý kiến mà cử tri đã nêu ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đảng bộ và chính quyền địa phương cần sát sao hơn với dân, phải có giải pháp giúp nhân dân tiến lên, phải sớm đưa huyện Nam Trà My thoát nghèo. Yêu cầu trước tiên đặt ra là cấp ủy, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch lại các khu dân cư và tập trung phát triển hạ tầng giao thông.
Có chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp, lao động việc làm
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tiếp xúc cử tri tại huyện Trực Ninh, thành phố Nam Định vào ngày 7/3.
Cử tri huyện Trực Ninh đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với vùng trồng lúa để bà con yên tâm gắn bó với đồng ruộng; tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tế địa phương nhằm đạt mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân. Cử tri mong muốn Nhà nước tạo điều kiện đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, giảm tai nạn giao thông.
Cử tri thành phố Nam Định kiến nghị Nhà nước bố trí nguồn vốn để sớm hoàn thiện các dự án trọng điểm chậm tiến độ trên địa bàn; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề ảnh hưởng đến sức khỏe người dân…
Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri và sẽ trình Quốc hội, các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cử tri đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, vai trò chủ thể xã hội bằng việc phản ánh kịp thời những tồn tại, hạn chế, bất cập phát sinh ở cơ sở. Nhiều vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, quyền, lợi ích của người dân đã được các cơ quan chức năng của trung ương, địa phương xem xét, giải quyết kịp thời, tạo được sự đồng thuận và tăng cường niềm tin của quần chúng nhân dân.
Lo ngại tình trạng tội phạm nguy hiểm ngày càng diễn biến phức tạp
Cũng trong ngày 7/3, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Bình Định đã tiếp xúc với gần 200 cử tri của huyện Tây Sơn.
Cử tri huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định đã đánh giá cao sự đổi mới của các kỳ họp của Quốc hội khóa XIII. Quốc hội cũng đã quyết định được các vấn đề lớn của đất nước. Đặc biệt, đã giám sát có hiệu quả các vấn đề lớn cử tri cả nước quan tâm. Tuy nhiên, kết quả chỉ đạo sau giám sát nhiều lúc, nhiều nơi chưa quyết liệt nên hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện ra các vụ tham nhũng của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa kịp thời.
Nhiều cử tri cũng lo ngại tình trạng tội phạm nguy hiểm ngày càng diễn biến phức tạp, gây hoang mang cho người dân. Cử tri Bình Định mong muốn: Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp diễn ra nên chọn và giới thiệu những người đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân có tiếng nói quan trọng trước các vấn đề người dân quan tâm.
Đồng chí Vương Đình Huệ đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tiếp tục phản ánh lên Quốc hội và các Bộ, ngành của Trung ương xem xét. Những kiến nghị có liên quan đến phạm vi, thẩm quyền của tỉnh, huyện, đồng chí đề nghị các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần nhanh chóng kiểm tra cụ thể để sớm giải quyết thỏa đáng cho cử tri.