Nhiều vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực giám định tư pháp

Bình Nguyên| 22/08/2019 06:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực tiễn hơn 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp (GĐTP) cho thấy, vướng mắc lớn nhất là tình trạng lạm dụng GĐTP, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; kinh phí giám định quá lớn cũng gây khó khăn cho cơ quan trưng cầu giám định...

Nguyên nhân nhiều vụ án bị chậm

Báo cáo của các cơ quan tư pháp nêu tại phiên họp của UBTP về công tác giám định mới đây cho thấy: Rất nhiều vụ án bị chậm trễ có nguyên nhân từ GĐTP. Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động của các tổ chức giám định nhìn chung còn thiếu và yếu. Trong giám định, nhiều lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương không giám định được như: Ma túy tổng hợp, vật liệu nổ… Do đó, khi muốn giám định, phải gửi các mẫu này đến các cơ quan giám định ở Trung ương hoặc thuê các tổ chức giám định trong nước và nước ngoài với chi phí cao. Mặc dù Luật GĐTP đã có quy định nhưng trên thực tế khi Tòa án liên hệ để yêu cầu giám định thì đơn vị giám định từ chối vì lý do không đủ phương tiện, con người để làm giám định.

Theo Báo cáo của TANDTC, một số vụ việc giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai để phục vụ giải quyết những vụ án tham nhũng, kinh tế còn bất cập. Ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện đúng theo thời hạn quy định tại Điều 208 Bộ luật TTHS thì các trường hợp khác, việc thực hiện giám định thường bị kéo dài, không đáp ứng yêu cầu theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, việc cử người giám định ở các bộ, ngành thường không kịp thời, làm chậm quá trình giải quyết vụ án. Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu chậm định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu bất động sản là một ví dụ điển hình.

Việc áp dụng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật của lĩnh vực chuyên môn cho việc thực hiện giám định hoặc nội dung yêu cầu giám định là nghiệp vụ chuyên môn mới phát sinh, rất phức tạp, khối lượng công việc lớn, vượt quá khả năng của một nhóm cá nhân hoặc của một tổ chức giám định, không đáp ứng được yêu cầu về thời hạn giải quyết, dẫn đến việc vụ án phải tạm đình chỉ do chưa có kết luận giám định.

Nhiều vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực giám định tư pháp

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp với các cơ quan trung ương về việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

Theo quy định hiện hành, cơ quan nào trực tiếp trưng cầu giám định thì cơ quan đó phải thanh toán chi phí giám định. Trên thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp phải chi trả số tiền lớn, đặc biệt trong trường hợp trưng cầu giám định tâm thần hoặc bắt buộc phải chữa bệnh, trong khi kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự hạn hẹp nên dễ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm trưng cầu giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Chi phí giám định quá cao

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, có nhiều bất cập xung quanh giám định tài chính liên quan đến các vụ án kinh tế. Điển hình như vụ án Phan Văn Anh Vũ, một dự án cùng một lúc Bộ Công an phải trưng cầu giám định ở nhiều bộ khác nhau như: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông, Bộ TN&MT…

Mặc dù Điều 20 luật GĐTP đã quy định về trách nhiệm các bộ, ngành nhưng một số nơi khi giám định kỹ thuật, tài chính phức tạp, nhiều cán bộ được trưng cầu làm giám định viên nhưng vì lý do này khác đã từ chối, phải thay đi đổi lại. Hơn nữa, chi phí giám định lĩnh vực này khá cao, có những vụ phải chi giám định tới hàng tỷ đồng, như vụ giám định trụ điện bị cháy ở Bắc Ninh hay giám định đường ống nước sông Đà chi phí giám định phải từ 2-4 tỷ đồng, ông Vương cho biết.

ĐBQH Dương Ngọc Hải, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh có 40 vụ án đang bị vướng mắc, trong đó có 3 vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, trưng cầu Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh giám định. Ngoài ra còn rất nhiều vụ án thuộc diện Ban Thường vụ Thành uỷ theo dõi, chỉ đạo, trưng cầu Sở Tài chính giám định. Hiện, có những vụ án kéo dài rất lâu vì vướng khâu giám định, trong khi đó dư luận cho rằng Cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng bao che, không xử lý.

Về kinh phí giám định: Nhiều vụ án giám định trong lĩnh vực xây dựng như công trình xây dựng chung cư chi phí rất cao. Có những vụ án, để chứng minh một hành vi tham ô, gây thất thoát tài sản là 1 tỷ đồng thì chi phí giám định lớn hơn số tiền tham ô, nên không thể thực hiện được; hoặc trưng cầu giám định các tòa nhà chung cư, có trường hợp cơ quan giám định đòi trên 10 tỷ đồng, CQĐT không có đủ kinh phí trưng cầu.

Trước những khó khăn bất cập trong lĩnh vực GĐTP như vậy, việc sửa Luật GĐTP hiện nay là yêu cầu cấp bách.Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, nguyên nhân một phần những bất cập nêu trên cũng bởi khâu quản lý GĐTP đang chồng chéo.

Bộ Tư pháp một mặt giúp Chính phủ quản lý thống nhất; mặt khác các bộ, ngành cũng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể dẫn đến có những nội dung giao thoa, chồng chéo. Điều này làm giảm trách nhiệm của các bộ, ngành trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Nếu không có cơ chế hợp lý, không có sự đôn đốc rốt ráo, thường xuyên thì rất khó thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngay khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, việc đầu tiên, Bộ Tư pháp làm là đề nghị bỏ chức năng của Bộ Tư pháp là giúp Chính phủ quản lý thống nhất lĩnh vực giám định tư pháp. Đồng thời, giao quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực cụ thể cho mỗi bộ và chịu trách nhiệm trực tiếp trước Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được thông qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực giám định tư pháp