Nhiều triển vọng cho ngành thép năm 2021

Trang Nhi| 14/02/2021 17:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Giới chuyên gia dự báo ngành thép sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2021 bởi sẽ có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.

Năm 2021, vật liệu xây dựng nói chung, thép nói riêng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất. Trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, cao tốc Bắc-Nam là dự án đáng chú ý nhất. Cùng với đó, thị trường bất động sản nhà ở được dự báo có thể nóng trở lại trong 2021 cũng là yếu tố giúp ngành thép tăng trưởng.

Theo ước tính của chuyên gia Công ty CP Chứng khoán VNDirect, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.

Trong năm 2021, VNDirect dự kiến các dự án này sẽ cần huy động khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng thép xây dựng và 3,8 nghìn tỷ đồng xi măng. Từ đó, VNDirect dự báo tăng trưởng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng sẽ đạt 10-12% trong năm 2021.

thep.jpg
Nhiều triển vọng cho ngành thép năm 2021

Cũng theo VNDirect, các doanh nghiệp thép xây dựng hàng đầu có thể sẽ giành thêm thị phần trong năm 2021. Phân tích nguyên nhân, VNDirect chỉ ra, năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 đã phủ bóng lên triển vọng thị trường thép nội địa trong nửa đầu năm song các nhà sản xuất thép lớn với khả năng quyết định giá, sở hữu tài chính tốt và lợi thế sản xuất theo quy mô đã nắm bắt cơ hội này để giành lấy thị phần.

Năm 2021, trước các cơ hội từ việc hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các FTA, ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Theo đó, việc gỡ bỏ loạt thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời việc nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia trong khối có ký các FTA cũng sẽ giúp Việt Nam được hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một thực tế, hiện nay các doanh nghiệp thép trong nước vẫn còn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ dẫn đến việc sản xuất tiêu tốn nhiên liệu, chi phí cao. Ðó là lý do khiến các sản phẩm thép trong nước khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng nhiều như hiện nay.

Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển ngành thép trong bối cảnh thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe, cạnh tranh gay gắt về giá, chất lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành thép phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, công nghệ, nâng cao trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường,... Bên cạnh đó, phải giải quyết triệt để tình trạng mất cân đối cung - cầu trong nước, tạo vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại không đáng có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều triển vọng cho ngành thép năm 2021