Theo như kiến nghị của nhiều Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT nên xem xét trình Chính phủ, Quốc hội xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đến sau năm 2018 để các Sở có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn.
Thảo luận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, các địa phương cho rằng, việc giao cho địa phương chủ trì tổ chức kỳ thi là hợp lý, nên kỳ thi đã diễn ra khách quan, khoa học và tiết kiệm.
Tuy nhiên, để kỳ thi năm tới thuận lợi hơn nữa, các địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đánh giá, tổng kết kỳ thi năm nay để rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, cải tiến và sớm có phương án thi năm 2018 để các địa phương có thời gian chuẩn bị.
Nhiều Sở GD-ĐT kiến nghị lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh Hải Nam.
Đồng thời, đại diện các Sở GD-ĐT cũng đề cập đến vấn đề chương trình giáo duc phổ thông mới. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã vấn đề được nhiều địa phương quan tâm, thảo luận. Trong đó, các địa phương đều nhất trí với những nội dung đã được đưa ra trong chương trình từ mục tiêu đến thời lượng, nội dung các môn học, bậc học.
Tuy nhiên, để có thời gian chuẩn bị các điều kiện thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các địa phương đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét trình Chính phủ, Quốc hội xin lùi thời gian thực hiện đến sau năm 2018.
Đại diện cho Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An đưa ra ý kiến: “Bộ GD-ĐT đã làm bài bản, có lộ trình với chương trình phổ thông mới, nhưng các địa phương sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất khi triển khai”.
“Hiện nay, cơ sở vật chất ở khu vực vùng cao, đội ngũ giáo viên qua nhiều thời kỳ còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị lùi thời hạn áp dụng để chuẩn bị cho hiệu quả hơn", bà Kim Chi nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số địa phương cũng kiến nghị Bộ có sự hỗ trợ để đầu tư cơ sở vật chất cho các địa phương, nhất là những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Nhiều địa phương đưa ra với mong muốn Bộ GD-ĐT sẽ có những hỗ trợ về việc đào tạo. Ảnh Hải Nam.
Trước những kiến nghị của các Sở GD-ĐT về việc lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: “Các địa phương chủ động thống kê những việc làm cần thiết về cơ sở vật chất, trường lớp, giáo viên để có bước chuẩn bị tích cực nhất”.
Về phía Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Đổi mới làm một lần và áp dụng cho nhiều năm nên chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Chúng ta làm với tinh thần khẩn trương, nhưng chất lượng là trên hết nên khi chưa yên tâm thì cần tiếp tục chuẩn bị kỹ hơn. Tuy nhiên, tinh thần đổi mới phải lan toả ngay từ bây giờ, áp dụng ngay vào trong cách dạy, học hiện nay, để các thầy cô có thời gian tự xác định cũng phải đổi mới”.
Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên cũng được nhiều địa phương đưa ra với mong muốn Bộ sẽ có những hỗ trợ về việc đào tạo. Cụ thể như đào tạo lại đội ngũ giáo viên để triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời quan tâm hơn nữa tới đời sống, thu nhập của giáo viên để tạo động lực cho họ gắn bó với nghề nghiệp.
Tăng cường phân cấp, phân quyền hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học đã tự chủ; sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm; tăng cường kiểm định chất lượng đại học; có cơ chế giao nhiệm vụ khoa học gắn với cam kết chất lượng đầu ra để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong trường đại học; kết nối doanh nghiệp với cơ sở giáo dục… là những vấn đề được Hiệu trưởng một số trường đại học trao đổi tại Hội nghị.