Nhiều khó khăn, thách thức chất chồng với ngành du lịch

Trang Nhi| 21/12/2021 18:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau một thời gian ngủ đông, doanh nghiệp lữ hành, hàng không rục rịch phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, con đường trở lại của các doanh nghiệp ngành này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp du lịch "ngày trở lại" là tỷ lệ hấp thụ của thị trường còn yếu do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

du-lich-vn.jpg
Nhiều khó khăn, thách thức chất chồng với ngành du lịch

Với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, sau những đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, hệ số sử dụng ghế các tàu bay nhanh chóng đạt mức 95 - 96%, nhưng hiện nay, hệ số sử dụng ghế của đường bay Hà Nội - TP.HCM, đường bay nội địa quan trọng nhất chỉ đạt 62 - 65%.

Nhu cầu yếu của hàng không nội địa còn thể hiện ở mức giá vé trung bình giảm 15% so với năm 2020 và giảm 35% so với năm 2019.

Có thể nói, doanh nghiệp hàng không, du lịch đang trở lại thị trường với một sức khỏe tài chính kém. Nhiều doanh nghiệp đã kiệt sức sau thời gian dài căng mình chống chịu với ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cụ thể, trong quý III/2021, Vietnam Airlines lỗ 3.369 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ 11.827 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 30/9/2021, lỗ lũy kế của Công ty là 21.199 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.457 tỷ đồng, giảm 311% so với đầu năm.

Hay như Vietravel đã chịu khó khăn kép khi cả hai mảng kinh doanh chính là lữ hành và hàng không đều tê liệt trong một thời gian dài. 

Trong quý II/2021, dù doanh thu tăng 62% nhờ cải thiện doanh thu khác và bán vé máy bay, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn nên Công ty lỗ gộp 95 tỷ đồng, lỗ sau thuế 217 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Vietravel là 609 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái và thua lỗ 289,5 tỷ đồng.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành, hiện nay, việc thiếu hụt lao động trong ngành du lịch rất đáng lo ngại khi có đến 60-70% lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển nghề khác do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Sẽ cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn nếu du lịch hoạt động trở lại.

Cùng với đó, xu hướng đổi mới về sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh bình thường mới cũng là một trong những thách thức, phát sinh chi phí đối với các doanh nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó hiện nay.

Song với chủ trương và các chính sách thiết thực, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ ngành sớm khôi phục hoạt động du lịch. Đây cũng là một cơ hội để ngành Du lịch tái cấu trúc; đổi mới lực lượng lao động có tay nghề, trình độ cao hơn, đặc biệt là ngoại ngữ và công nghệ sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh; xây dựng hệ thống sản phẩm phù hợp với xu thế và tình hình mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, tài khóa và an sinh xã hội để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch và sẽ tiếp tục có chương trình đầu tư phục hồi và phát triển kinh tế khác.

Chính phủ ưu tiên đầu tư đảm bảo điểm đến an toàn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển điểm đến mới; đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch trong bối cảnh bình thường mới; áp dụng số hóa trong hoạt động du lịch và lữ hành; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế carbon thấp, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển bền vững hơn trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khó khăn, thách thức chất chồng với ngành du lịch