Nhiều hiệp định thương mại đang bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế

Lan Trần| 15/12/2019 06:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cho đến cuối 2019, Việt Nam đã và đang đàm phán 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đang được thực thi như ASEAN, ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Ấn Độ, Việt Nam- Nhật Bản, Việt Nam- Hàn Quốc...

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Tài chính, ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia cho giai đoạn 2018 - 2022/2023 (riêng CPTPP là giai đoạn 2019 – 2022, và Việt Nam - Lào giai đoạn từ 01/9/2016 đến 03/10/2020, tuy nhiên Nghị định biểu thuế Việt Nam - Lào đang thực hiện theo Danh mục thuế quan hài hoà ASEAN 2012).

Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN đã hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế vào năm 2018. Các FTA đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Australia – New Zealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019. Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2029, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam – Chile mới chỉ đạt 31,73%. Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam – Chile, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Trong số 12 hiệp định đang thực hiện, CPTPP là hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam. Ngày 26/6/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP giai đoạn từ ngày 14/01/2019 đến hết ngày 31/12/2022.

Nhiều hiệp định thương mại đang bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế

Ảnh minh họa

Theo ông Hà Duy Tùng, dù thực hiện theo hiệp định thương mại thế hệ mới hay cũ, thì cắt giảm thuế vẫn là vấn đề cốt lõi và nhận được sự quan tâm cao nhất của bên tham gia đàm phán, cũng như của DN các nước. Cho đến cuối 2019, Việt Nam đã và đang đàm phán 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong số này, có nhiều hiệp định đang bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế. Như vậy lộ trình xóa bỏ thuế trong các hiệp định đó cơ bản đã hoàn thành. Riêng với Hiệp định thương mai đối tác xuyên Thái Bình Dương CPTPP còn có đặc thù là ngoài nội dung cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu như các hiệp định khác, thì còn có cam kết cắt giảm thuế xuất khẩu.

Cũng theo ông Tùng, riêng trong năm 2019, có 4 hiệp định (trừ CPTPP) giữa Việt Nam với các nước đã được ký kết, bao gồm: Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Hiệp định thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam - CuBa, và bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia.

Cụ thể, Hiệp định EVFTA (dự kiến trình Quốc hội và Nghị viện EU để tiến hành thủ tục phê chuẩn để có hiệu lực thực thi trong nửa đầu năm 2020), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Với hiệp định này, sau 10 năm sẽ có khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU được xóa bỏ. Trong đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu tập trung vào một số nhóm hàng quan trọng như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc).

Đối với AHKFTA, hiện Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ký ban hành Nghị định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện cho giai đoạn 2019-2022. Mức thuế suất AHKFTA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại AHKFTA. Tương tự, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Cuba giai đoạn 2019-2022 gồm 563 dòng thuế. Lộ trình cắt giảm thuế quanđược áp dụng cho 4 giai đoạn. Trong khi đó, hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2019-2020 có hiệu lực từ 26/2/2019 có 32 mã hàng (thuốc lá, lúa gạo, thịt, gia cầm, chanh...) được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.

Thông tin về việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết tại các FTA, nhưng tổng thu NSNN hàng năm vẫn tăng, ông Tùng chia sẻ, thu ngân sách từ thuế xuất khẩu chỉ là một bộ phận trong tổng thu NSNN. Hàng năm, tổng thu NSNN vẫn tăng là do số thu từ nội địa tăng do ngành tài chính không ngừng thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tái cơ cấu ngân sách, mở rộng cơ sở thu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hiệp định thương mại đang bước vào giai đoạn cuối của lộ trình cắt giảm thuế