Với kỳ vọng xuất khẩu thuỷ sản nửa cuối năm 2023 sẽ phục hồi, các doanh nghiệp cũng có các giải pháp để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường lớn.
Để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang nỗ lực đa dạng hoá sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị… để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thuỷ sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, hay hướng tới các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp.
Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thuỷ sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam - Mỹ được dự đoán sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng. Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40-50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý 3.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chúng ta cũng kỳ vọng vào các mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như các mặt hàng giá trị gia tăng vẫn có được vị trí tốt tại thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… là các thị trường ưa chuộng các mặt hàng chế biến sâu của Việt Nam
Việt Nam không bị áp lực cạnh tranh với các nước khác như Ấn Độ, Equador… Ngoài ra, dù các nước Đông Nam Á là các thị trường nhỏ nhưng ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát so với các thị trường lớn thì cũng là các điểm sáng cho các doanh nghiệp có thể kì vọng trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch COVID-19, và với nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.