Nhiều doanh nghiệp vững vàng, sáng tạo trong đối phó với đại dịch Covid-19

Bình Minh| 04/06/2021 17:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang tạo ra sức tàn phá ghê gớm với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh phải tạm ngừng hoạt động. Nhưng bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động, sáng tạo điều chỉnh chiến lược kinh doanh, có cách phòng dịch hiệu quả để tiếp tục phát triển trong giai đoạn khó khăn này.

Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp

Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã sáng tạo ra cách làm mới, lập một hàng rào nhằm ngăn chặn Covid-19 thâm nhập vào doanh nghiệp. Tại Hà Nội và một số địa phương, Tổ an toàn Covid-19 ra đời ở nhiều doanh nghiệp chính là cách làm theo hướng đó.

Theo báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, đến cuối tháng 5/2021, 100% số doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội đã thành lập Tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp.

Hiện hơn 3.000 doanh nghiệp đã thành lập được 10.260 Tổ an toàn Covid-19 với 46.419 người tham gia. Tổ an toàn Covid-19 được thành lập với Quy chế hoạt động do người sử dụng lao động ban hành, phù hợp với điều kiện sản xuất tại doanh nghiệp. Nòng cốt của Tổ an toàn Covid-19 là cán bộ Công đoàn, an toàn vệ sinh viên, công nhân giàu kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn lao động, có hiểu biết về phòng chống dịch bệnh Covid-19, mỗi tổ có ít nhất 3 thành viên tham gia.

1(2).jpg
Nhiều doanh nghiệp phòng chống dịch tốt và duy trì hoạt động hiệu quả

Hàng ngày, Tổ an toàn Covid-19 trong các doanh nghiệp tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong việc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Đặc biệt, người lao động phải tuân thủ nghiêm ngặt việc kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế trung thực; theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở hai lớp là cổng vào doanh nghiệp và trong nhà xưởng… Hầu hết các Tổ an toàn Covid-19 đã xây dựng kịch bản ứng phó với Covid-19, không để bị động trước các tình huống bất ngờ.

Theo ông Đinh Quốc Toản – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, các Tổ an toàn Covid-19 được thành lập sẽ giúp các doanh nghiệp luôn chủ động, không chủ quan trong phòng, chống dịch. Việc Tổ an toàn Covid-19 chuyên tâm tập trung vào nhiệm vụ này sẽ nâng cao hiệu quả phòng dịch, giúp doanh nghiệp không gặp nguy cơ, chủ động được nhân lực cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Toản cho biết thêm, các công đoàn cơ sở đều đã thành lập nhóm Zalo Tổ an toàn Covid-19 tại doanh nghiệp để trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống dịch. Các nhóm Zalo phòng, chống dịch do chủ tịch công đoàn cơ sở làm trưởng nhóm, có nhiệm vụ kết nối, cập nhật mọi thông tin kịp thời và báo cáo ngay với cấp trên để xin phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.

Cho đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, chế xuất ở Hà Nội đều hết sức cẩn trọng, chặt chẽ trong việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Việc thành lập và hoạt động hiệu quả của Tổ an toàn Covid-19 là cách làm mới, cần thiết trong thời điểm dịch đang phức tạp như hiện tại.

Nắm bắt tốt cơ hội từ nạn dịch

Bà Bùi Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty CP Basca Việt Nam cho biết, dịch Covid-19 đem đến rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng trong khó khăn lại xuất hiện những cơ hội. Cụ thể, dịch Covid-19 bùng phát, giá dầu thô thế giới bị đẩy lên cao, kéo theo đó là giá vật liệu đầu vào tăng, các doanh nghiệp cung cấp buộc phải tăng giá, nhưng không được tăng quá 5-10% đơn giá đã ký với khách hàng. Điều này gây khó khăn cho những doanh nghiệp cung ứng vật liệu như Basca Việt Nam. Đứng trước thách thức đó, buộc doanh nghiệp phải cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm chi phí không cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn tăng giá vật liệu với đối tác là chủ đầu tư và nhà thầu. Theo đó, thay vì nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài về bán, Basca Việt Nam đã tìm cách tự đầu tư dây chuyền, sản xuất một số sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước để giúp hàng hóa được bình ổn, không phụ thuộc vào sự tăng giá phi mã từ vật tư nhập khẩu.

“Trải qua 3 đợt dịch, đến làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, công ty chúng tôi xác định, nếu trường hợp xấu nhất xảy đến là giãn cách toàn xã hội trong vòng 14-21 ngày thì cũng không quá lo lắng vì hàng hóa đã đủ để cung cấp cho thị trường. Basca Việt Nam xác định, chuyển đổi sản xuất để bình ổn giá, chủ động nguồn vật tư, đảm bảo cuộc sống cho cán bộ, công nhân viên và đổi mới phương thức hoạt động để thích nghi nếu dịch còn kéo dài trong thời gian tới là việc làm cần thiết” – bà Xuân tự tin khẳng định.

2.jpg
Công ty Chế biến khí Vũng Tàu lập kỷ lục về khối lượng xuất LPG trong những ngày dịch Covid-19 đang hoành hành

Tăng cường bán, giao hàng qua mạng và chấp nhận giảm lợi nhuận là cách một số doanh nghiệp đang áp dụng để vượt khó. Đại diện Công ty CP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cho rằng, các đơn hàng xuất khẩu đều được ký trước vài tháng nhưng việc đàm phán tăng giá xuất khẩu với đối tác là rất khó nên doanh nghiệp buộc phải chọn phương án giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng và giữ việc làm cho người lao động. TCM cũng thực hiện tối ưu hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh, bán hàng. Cụ thể là phát triển một sàn thương mại điện tử để bán hàng thời trang và triển khai bán hàng trên Amazon.

Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước cho biết, giá trị xuất khẩu năm nay sẽ tăng ít nhất 30% so với năm 2020 bất chấp ảnh hưởng bởi dịch do nhu cầu thị trường tôm đang phục hồi mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đối mặt với làn sóng tăng giá nguyên liệu và cước vận tải biển tăng mạnh nên phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng tối đa công suất hoạt động của các nhà máy.

Tại Công ty Chế biến khí Vũng Tàu, doanh nghiệp này vừa triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, vừa đổi mới cách sắp xếp, điều hành phương tiện ra vào nhận hàng hợp lý, cải biến phương thức phối hợp nên kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt. Riêng Trạm nạp LPG Thị Vải lập kỷ lục về khối lượng xuất LPG và số xe làm hàng trong một ngày. Cụ thể, bình quân vài ngày gần đây đạt 89 xe bồn đến nhận hàng và khối lượng 1.512,47 tấn LPG/ngày so với công suất thiết kế 1.400 tấn/ngày.

Dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành và gây ra nhiều tổn hại cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng với việc áp dụng nhiều cách làm mới, sáng tạo và đặc biệt biết tận dụng thời cơ từ nạn dịch, nhiều doanh nghiệp tự tin vẫn tăng trưởng bất chấp khó khăn cực lớn đó.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp vững vàng, sáng tạo trong đối phó với đại dịch Covid-19