Sáng 16/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tán thành việc sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý bảo đảm thi hành Hiến pháp năm 2013 và tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về công tác tư pháp, trong đó có pháp luật hình sự, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Dự thảo Bộ luật có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 6 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của BLHS hiện hành).
Các đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng: Chống loài người, phá hoại hòa bình, tội phạm chiến tranh là tội phạm nghiêm trọng nhất trong các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đe dọa đến nền hòa bình, độc lập của quốc gia. Vì vậy, giữ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là thể hiện quan điểm của Nhà nước đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này.
Góp ý về quy định tội phạm vận chuyển trái phép chất ma túy, các đại biểu cho rằng: trong bối cảnh hiện nay nhiều vụ án vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi, cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng. Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ công an, biên phòng hi sinh trong cuộc chiến khốc liệt này. Vì vậy, cần tiếp tục quy định hình phạt tử hình đối với tội này.
Phân tích tình hình thực tế hiện nay về tình trạng người chưa thành niên phạm tội có diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nghiêm trọng, các đại biểu cho rằng nếu thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự như trong Dự thảo Luật sẽ bỏ lọt nhiều tội phạm, khó đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm là không tăng và hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự mà giữ nguyên độ tuổi như hiện nay. Cùng với đó, sẽ vận dụng các biện pháp khác áp dụng trong luật, để vừa giáo dục, kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho lứa tuổi vị thành niên, nhưng cũng đảm bảo tính răn đe theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu ý kiến (Ảnh: An Đăng - TTXVN)
Một trong những định hướng quan trọng sửa đổi, bổ sung BLHS lần này được xác định là “Đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Biểu hiện rõ nét của định hướng này chính là việc bổ sung vào BLHS chế định trách nhiệm hình sự của các pháp nhân là các tổ chức kinh tế khi thực hiện một số tội phạm do BLHS quy định. Theo đại biểu, kinh nghiệm của thế giới xử lý hình sự đối với pháp nhân kinh tế chủ yếu là vì mục đích lợi nhuận. Hơn nữa về lý luận, nhiều đại biểu nêu rõ, muốn xem xét trách nhiệm hình sự của pháp nhân phải hội tụ 3 yếu tố: hành vi pháp nhân có tính nguy hiểm trong xã hội; hành vi đó tương đối phổ biến và hành vi đó phải chứng minh được bằng các thủ tục tố tụng.
Giảm tử hình là một chủ trương lớn của Đảng được thể hiện trong các Nghị quyết về cải cách tư pháp và trong thực tiễn lập pháp hình sự Việt Nam. Chủ trương này phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền con người, quyền công dân của Hiến pháp năm 2013 và xu hướng hội nhập quốc tế của Việt Nam. Xung quanh vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, tại phiên thảo luận ngày 16/6, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với định hướng tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình nhằm thể hiện rõ sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước.
Về trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình (Điều 39), khoản 2 dự thảo quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; khoản 3 quy định không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên, qua thảo luận đa số ý kiến cho rằng, trong thực tế, nhiều người ở độ tuổi này vẫn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, còn có thể là người cầm đầu các tổ chức tội phạm. Nếu quy định không áp dụng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 70 tuổi trở lên có thể dẫn đến việc lợi dụng để trì hoãn, trốn tránh sự trừng phạt, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Đa số các đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Bộ luật này.