Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gần như tất cả khách sạn đóng cửa, không hoạt động, cắt giảm nhân sự, chi phí. Nguồn vốn cạn kiệt, nhiều chủ sở hữu buộc phải thanh lý tài sản để trả nợ ngân hàng.
Mường Thanh là một trong những hệ thống khách sạn lớn toàn quốc. Tại Quảng Ninh, hệ thống này có 5 khách sạn với 1.800 phòng và 1.000 CNVLĐ. Từ ngày 28/1 đến nay, 5 khách sạn này trong tình trạng "cửa đóng then cài". Đến nay, mặc dù dịch Covid-19 tại Quảng Ninh cơ bản được kiểm soát, nhưng Mường Thanh Quảng Ninh vẫn chưa thể mở cửa trở lại. Một số khách sạn mở cửa trở lại và giảm giá sâu từ 30-70%, tuy nhiên vẫn không có khách.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Bộ phận phòng, Khách sạn 4 sao Sài Gòn - Hạ Long ngậm ngùi: "Khách sạn đã mở nhưng chưa ai vào. Dù đã giảm giá 30%, thậm chí hơn song may lắm chỉ có 1-2 phòng được thuê/tổng số 205 phòng. Hiện khách sạn chỉ duy trì 2 người làm việc gồm 1 bảo vệ, 1 nhân viên vệ sinh trên tổng số 150 cán bộ, nhân viên. Năm 2020, đơn vị vẫn cố gắng duy trì đóng BHXH và hỗ trợ lương cho người lao động. Tuy nhiên, đến năm nay doanh nghiệp thực sự rất khó…".
Trước đây, các khách sạn như Mường Thanh Quảng Ninh, Sài Gòn - Hạ Long chủ yếu đón du khách nước ngoài. “Từ khi dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới thì lượng khách nước ngoài đã không còn. Nay đến cả khách nội địa cũng vắng bóng”, ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Rất nhiều khách sạn chỉ giữ lại bộ khung nhân sự và chấm dứt hợp đồng lao động với toàn bộ nhân viên. Ông Ngô Đăng Toại, Chi hội trưởng Chi hội khách sạn Quảng Ninh, Giám đốc Khách sạn Công đoàn Hạ Long, cho biết: “Khách sạn trước đây có 220 nhân viên, đến nay nhiều người đã cho nghỉ việc, chỉ cố gắng giữ lại 40 người giữ vị trí lãnh đạo các bộ phận. Năm 2020, chúng tôi duy trì 14 công/người cho số lao động này để đảm bảo ngày công đóng BHXH. Tuy nhiên, năm nay thì chưa biết sẽ ra sao”.
Được biết, trước khi xảy ra đại dịch, doanh thu năm 2019 của Khách sạn Công đoàn Hạ Long là trên 60 tỷ/năm. Năm 2020, đại dịch xảy ra, doanh thu của đơn vị này giảm xuống còn 20 tỷ. “Doanh thu đã giảm 1/3 song vẫn còn may mắn là bởi đây là 1 trong 40 khách sạn được tỉnh cho phép đón khách cách ly tự trả phí. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn 10 khách sạn được tỉnh cho phép đón khách cách ly trả phí nên chúng tôi đã khó lại càng khó. Trong khi đơn vị vẫn phải lo nguồn trả lãi ngân hàng”, ông Toại chia sẻ.
Hiện nay, rất nhiều khách sạn trên địa bàn tỉnh lâm vào tình cảnh khó khăn. Trên các trang web có rất nhiều khách sạn rao giảm giá sâu, song cũng không có khách. Thậm chí nhiều khách sạn rao bán, cho thuê dài hạn vì bị ngân hàng siết nợ.
Theo chia sẻ của một chủ kinh doanh khách sạn trên địa bàn TP Hạ Long, để vận hành một khách sạn 4 sao với quy mô 30-40 phòng, mỗi tháng cần khoảng 400 triệu đồng. Nếu khách sạn bán giá phòng 1,2 triệu đồng/phòng/ngày, thì mỗi ngày phải bán được hơn 10 phòng để có nguồn thu đủ chi trả duy trì hoạt động của khách sạn đó. Khi khách sạn đóng cửa không có doanh thu thì chủ sở hữu vẫn phải chi gần 100 triệu đồng/tháng cho các chi phí khác. Áp lực lãi ngân hàng đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc lòng rao bán khách sạn để trả nợ.
Ông Toại cũng thừa nhận, từ năm ngoái tới nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng hoặc đứng bên bờ vực phá sản vì dịch bệnh, nguy cơ bán khách sạn, cơ sở lưu trú là điều dễ hiểu. Thiệt hại ước tính của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh khoảng 80-85% so với doanh thu trước. Các đơn vị rất khó tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ. Vì vậy, kiến nghị các ngân hàng giảm sâu lãi vay xuống 50% hoặc không thu lãi vay, khoanh nợ, giãn nợ cho các khách sạn; Chính phủ cho giảm 50% hoặc miễn thuế VAT để doanh nghiệp có tiền trang trải tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên đồng thời miễn, giảm hoặc cho nộp chậm các phí như tiền điện nước, phí thu gom rác thải, tiền thuê đất.