Nhiều bị cáo thừa nhận gây thiệt hại cho GPBank hơn 961 tỷ đồng

Mạnh Hùng| 22/03/2021 20:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 22/3, phiên toà xét xử 13 bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng GPBank, nhiều bị cáo đã thừa nhận thực hiện hành vi sai phạm dẫn đến hậu quả gây thiệt hại hơn 961 tỷ đồng cho ngân hàng.

Trong phần xét hỏi chiều nay, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tập trung thẩm vấn nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của GPBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh về tính pháp lý của tài sản đảm bảo, việc thẩm định và hoàn thiện hồ sơ vay vốn của Công ty CP phát triển Điện lực Sài Gòn (Công ty Điện lực Sài Gòn), định giá tài sản bảo đảm… Bước đầu, các bị cáo thuộc nhóm này đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng đã nêu, thừa nhận việc truy tố của VKS là có cơ sở.

ngan-hang-gpbank-chieu-nay(1).jpg
Các bị cáo tại phiên toà xét xử

Bị cáo Lương Hồng Thái, nguyên PGĐ GPBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh khai đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới hoàn thiện hồ sơ để cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay vốn mặc dù biết việc không thẩm định thực tế tại Công ty Điện lực Sài Gòn; không thẩm định thực tế tài sản bảo đảm là 6 căn hộ; thu thập hồ sơ tín dụng của khách hàng không đầy đủ nhưng vẫn ký Báo cáo thẩm định giá trị tài sản…

Khai tại tòa, bị cáo Nguyễn Toàn Thắng, nguyên PGĐ GPBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh thừa nhận đã không kiểm tra chi tiết hồ sơ vay vốn do tin tưởng các bộ phận chức năng đã thực hiện đúng quy định.

Tuy nhiên, bị cáo Thắng cho rằng bị cáo đã cố gắng trong việc đôn đốc kiểm tra sau cho vay, song do năng lực của Công ty Điện lực Sài Gòn thấp nên việc thu hồi nợ khó khả thi.

Đây là nhóm các bị cáo có vai trò đồng phạm thực hành trong thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng. Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Trưởng phòng Hỗ trợ tín dụng GPBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh bị xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tuấn biết việc không thẩm định thực tế tại Công ty Điện lực Sài Gòn; không thẩm định tài sản bảo đảm là 6 căn hộ; thu thập hồ sơ tín dụng của khách hàng không đầy đủ nhưng vẫn ký Tờ trình thẩm định không khách quan, trung thực, không phản ánh đúng sự thật về khách hàng; ký Báo cáo thẩm định giá trị tài sản 6 căn hộ; ký đồng ý Phê duyệt tín dụng cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay…

Theo hồ sơ vụ án, tháng 9/2005, Công ty Sài Gòn One được UBND TP Hồ Chí Minh giao làm chủ đầu tư dự án cao ốc Sài Gòn tại 34 phố Tôn Đức Thắng, quận 1, có diện tích gần 6.700 m2. Khi các căn hộ của dự án chưa được phép mua bán, chuyển nhượng và Công ty M&C cũng không có quyền sở hữu, mua bán, chuyển nhượng, bị cáo Phùng Ngọc Khánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Sài Gòn One; Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty M&C vẫn bàn bạc cùng Nguyễn Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Điện lực Sài Gòn và Kim Văn Bộ, PGĐ Công ty Điện lực Sài Gòn lập khống hồ sơ mua bán 6 căn. Bị cáo Khánh là người trực tiếp liên hệ với GPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh để ngân hàng này cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay tiền trả nợ M&C.

Ngày 12/9/2011, bị cáo Bộ ký giấy đề nghị vay 305 tỷ đồng mua 6 căn hộ và tài sản đảm bảo bằng chính bất động sản này, cùng giá trị cổ phần của bị cáo Khánh. Để hoàn tất hồ sơ, các bị cáo lập khống báo cáo tài chính về việc Công ty Điện lực Sài Gòn có doanh thu hàng trăm tỷ đồng vào năm 2010 và năm 2011, trong khi thực tế là 0 đồng.

Trong vụ án này, VKS xác định bị cáo Phùng Ngọc Khánh là chủ mưu, tổ chức và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của GPBank.

Để có tiền sử dụng cho cá nhân, Khánh đã dùng thủ đoạn tạo dựng khống các hồ sơ, tài liệu như: tự ý ký Hợp đồng phân chia và chuyển giao quyền chuyển ngượng, bán sản phẩm sàn căn hộ rồi bàn bạc, thống nhất với Hiếu và Bộ lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ dùng làm tài sản thế chấp để lập hồ sơ vay tiền của GPBank.

Khánh thống nhất với Hiếu lập hồ sơ gian dối về hoạt động, khả năng tài chính của Công ty Điện lực Sài Gòn, Công ty M&C thể hiện các công ty này hoạt động có lãi trong khi Công ty Điện lực Sài Gòn không hoạt động, không có doanh thu; Công ty M&C hoạt động thua lỗ.

Đồng thời, bị cáo Khánh còn nâng khống giá trị CP Công ty M&C để làm tài sản đảm bảo, thế chấp bảo lãnh cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay của GPBank. Khánh giao cho nhân viên của Công ty M&C phối hợp với nhân viên GPBank để hoàn thiện hồ sơ vay vốn của Công ty Điện lực Sài Gòn, trực tiếp ký Thư cam kết bảo lãnh và các văn bản về việc cam kết trả nợ toàn bộ gốc, lãi khoản vay thay cho Công ty Điện lực Sài Gòn cho GPBank…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều bị cáo thừa nhận gây thiệt hại cho GPBank hơn 961 tỷ đồng