Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 9 chương, 152 điều; có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Luật có một số điểm mới liên quan đến vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của TAND.
Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND.
Điều 23 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm), quy định:
1. Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án, vụ việc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định các vấn đề của vụ án, vụ việc.
2. Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xem xét, thụ lý vụ án, vụ việc; tổ chức phiên tòa, phiên họp xét xử, giải quyếtvụ án, vụ việc;
b) Hướng dẫn, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
c) Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp khẩn cấp tạm thời;
d) Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, công nhận kết quả đối thoại thành của các đương sự;
đ) Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án, vụ việc, phục hồi vụ án hình sự, hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp, tiếp tục việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
e) Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên, những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự tại phiên tòa;
g) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của quyết định, hành vi tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án,vụ việc;
h) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án;
i) Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung;
k) Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
l) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
m) Ban hành bản án, quyết định;
n) Giải quyết yêu cầu, đề nghị, kiến nghị, khiếu nại về quyết định, hành vi tố tụng;
o) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 24. (Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án cấp phúc thẩm), quy định:
1.Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị; các tình tiết của vụ án, vụ việc; căn cứ áp dụng pháp luật và việc xét xử, giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; giữ nguyên, hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót và thực hiện thẩm quyền khác theo quy định của luật.
2. Tòa án cấp phúc thẩm khi xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Xem xét, thụ lý vụ án, vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;
b) Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ mới trong vụ án hình sự;
c) Xem xét lại bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc nội dung khác theo quy định của luật;
d) Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm,tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc,hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, tiếp tục việc xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;
đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, e, g, h, k, l, mvà n khoản 2 Điều 23 của Luật này;
e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 25. (Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm), quy định:
1.Giám đốc thẩm có nhiệm vụxét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật; kiểm tra tính đúng đắn của bản án, quyết định; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót trong bản án, quyết định; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Tái thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của Tòa ánđã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do có tình tiết mới theo quy định của luật.
2. Tòa án xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Nhận, thụ lý, giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, kháng nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ vụ án, vụ việc;
c) Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc thông báo trả lời đơn;
d) Hoãn, yêu cầu hoãn, tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật;
đ) Thụ lý vụ án, vụ việc để xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm;
e) Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;
g) Tổ chức phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm;
h)Ban hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm;
i) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tạiđiểmk và điểm lkhoản 2 Điều 23 của Luật này;
k) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.