Ngày 3/4, giới chức y tế Nhật Bản đã xác nhận ca tử vong đầu tiên của nước này do bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, Đài NHK đưa tin.
Theo thông báo của Viện Kiểm soát bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản, bệnh nhân mắc bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân đã tử vong, song không tiết lộ chi tiết về thời gian tử vong hoặc tuổi của bệnh nhân.
NHK cho biết, Hiệp hội gan nhi khoa Nhật Bản cho biết đã thành lập một nhóm chuyên gia để xác định các triệu chứng được ghi nhận ở bệnh nhân này và nguyên nhân dẫn đến tử vong.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, tính đến ngày 17/3, nước này đã xác nhận 162 trường hợp mắc bệnh viêm gan không rõ nguồn gốc và 3 trong số các bệnh nhân này đã được ghép gan.
Các bệnh nhân ở độ tuổi từ 16 tháng đến 9 tuổi 2 tháng và độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 4 tuổi 6 tháng. Theo NHK, nhiều triệu chứng bệnh có bản chất liên quan đến tiêu hóa, gồm sốt, đau dạ dày, tiêu chảy và nôn mửa.
Kể từ tháng 4/2022, các nước trên thế giới đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, chủ yếu ở châu Âu và Mỹ. Theo NHK, một số bệnh nhân đã được ghép gan và một số ca đã tử vong vì căn bệnh này.
Cho đến thời điểm này, chưa thể tìm ra câu trả lời rõ ràng về tác nhân gây bệnh. Các nguyên nhân phổ biến như chủng virus gây viêm gan A, B, C, D và E được không phải là tác nhân. Các nhà nghiên cứu cũng loại trừ yếu tố vaccine COVID-19, bởi phần lớn các ca nhiễm đều rơi vào trẻ chưa tiêm chủng.
Các nhà khoa học Anh, nước phát đi cảnh báo đầu tiên về viêm gan cấp tính bí ẩn cho biết chưa tìm được manh mối rõ ràng liên quan đến yếu tố đồ ăn. Họ cũng loại trừ khả năng trẻ chơi đùa và phơi nhiễm từ chó, dù nhiều gia đình có trẻ nhiễm bệnh nêu nghi vấn này. Hiện tại, giới nghiên cứu tại Anh đang mở rộng điều tra ra các hướng khác, như do thuốc, nhiễm độc hay yếu tố môi trường.
Một manh mối gần như duy nhất cho đến thời điểm này chính là việc nhiều trẻ nhiễm bệnh dương tính với virus adeno 41 (adenovirus 41). Đây là loại virus gây viêm dạ dày ruột - một bệnh viêm ruột gây tiêu chảy, nhưng thông thường không ra tình trạng bệnh nặng với gan.
Nhiều nghiên cứu đang được triển khai theo hướng liệu adenovirus 41 là nguyên nhân chính gây bệnh, hay sự “xuất hiện” của virus này chỉ là một sự tình cờ. Để trả lời rõ được câu hỏi này, các nhà khoa học Anh đang rà soát, làm rõ liệu trẻ nhập viện vì viêm gan cấp bí ẩn có nguy cơ cao hơn trong dương tính với adenovirus 41 so với nhập viện vì các bệnh lý khác hay không.
Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, khiến các chức năng gan bị suy giảm dần dần. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan không hồi phục. Bệnh thường do các virus viêm gan A, B, C, D và E gây ra.
Tuy nhiên, các trường hợp viêm gan nằm trong diện điều tra của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC) là không bình thường bởi trẻ mắc bệnh không có xét nghiệm dương tính với các virus này. Trong khi đó, các em lại có các biểu hiện triệu chứng bệnh nặng, với 9% trong số này cần ghép gan, điều rất hiếm khi xảy ra.