Được giao nhiệm vụ thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho công ty nhưng sau khi thu được tiền, bị cáo đã chiếm đoạt. Hành vi này bị xử lý về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hay tội “Tham ô tài sản”?
Hỏi: Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho công ty. Hành vi của bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hay tội “Tham ô tài sản”?
Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp như sau:
Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được.
Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này.
Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì hành vi của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.
TANDTC vừa ban hành Công văn 196/TANDTC-PC gửi các TAND, TAQS và các đơn vị thuộc TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.
Nội dung công văn cho biết, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử của các Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC có thông báo trả lời để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Báo Công lý đăng tải chi tiết một số tình huống liên quan đến các vấn đề về hình sự; tố tụng hình sự; thi hành án hình sự; dân sự, tố tụng dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình; hành chính và hòa giải đối thoại tại Tòa án đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp.