Tâm điểm dư luận

Nhận thức đúng về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Trung Nguyễn 27/11/2023 - 09:38

Việc thực hiện thành công cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nội dung quan trọng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là bước đi phù hợp trong cải cách hành chính và hội nhập quốc tế.

TS.Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Khi bước vào kinh tế thị trường, việc quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo mô hình cũ không còn phù hợp, sự trì trệ và ỷ lại vào sự bao cấp của nhà nước làm cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là khi xuất hiện các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập như mô hình đối chứng về tính hiệu quả và tính cạnh tranh.

Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế mới trở thành nhu cầu cấp thiết.

Đối với các nước có nền kinh tế thị trường thì cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một cơ chế mặc định, nhưng đối với Việt Nam nó vẫn là khái niệm mới cần được nhận thức đúng và có quy định cụ thể khi chúng ta muốn hội nhập quốc tế toàn diện.

Theo TS. Nguyễn Quân, hiểu một cách đơn giản, cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm là hệ thống chính sách cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định hoạt động của mình trong khung khổ pháp luật, phù hợp với các quy luật của kinh tế thị trường và tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Nội hàm của cơ chế tự chủ bao gồm tự chủ trong việc xác định chức năng, nhiệm vụ; tự chủ về tổ chức bộ máy và biên chế; tự chủ về tài chính, tài sản. Ba nội dung tự chủ này có quan hệ hữu cơ, không thể tách rời, trong đó tự chủ về tài chính là quan trọng nhất, nếu không được tự chủ thực sự về tài chính thì các nội dung tự chủ khác chỉ là hình thức và không còn ý nghĩa.

Đáng tiếc, do vấn đề nhận thức không đúng về tự chủ và hệ thống pháp luật không đồng bộ nên tiến độ thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chậm lại và đình trệ.

Đã xuất hiện tình trạng các đơn vị sự nghiệp chuyển sang tự chủ ngày càng khó khăn và một số đơn vị đã được giao tự chủ nay xin trở lại không tự chủ. Tình trạng “chảy máu chất xám” diễn ra ngày càng trầm trọng.

Để vượt qua các rào cản, để các đơn vị sự nghiệp công lập thực sự được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cần hiểu đúng về cơ chế tự chủ và tổ chức thực hiện một cách khoa học và quyết liệt.

TS. Nguyễn Quân cho rằng, Nhà nước lập ra các đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của nhà nước giao, đó là những nhiệm vụ phục vụ các mục tiêu chiến lược của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ và dịch vụ mà tư nhân không làm hoặc không được làm. Và vì thế nhà nước phải chăm lo xây dựng tiềm lực cho các đơn vị để phát triển, để có đội ngũ nhân lực mạnh.

Trong điều kiện khó khăn về ngân sách và cần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sức cạnh tranh với khu vực tư nhân thì cần khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, nhất là tự chủ kinh phí chi thường xuyên, nhưng không nên hiểu một cách máy móc là khi cho họ quyền tự chủ thì nhà nước sẽ không cấp kinh phí cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chi đầu tư phải được coi là trách nhiệm của nhà nước, nhưng phải đổi mới phương thức hỗ trợ, chỉ cấp kinh phí đầu tư cho những đơn vị có dự án tốt hoặc theo đặt hàng của nhà nước, coi việc đầu tư là sự chăm lo của nhà nước và phần thưởng xứng đáng cho các đơn vị dám tự đảm bảo chi thường xuyên và có tốc độ tăng trưởng cao.

Vì thế, cần sửa đổi Nghị định 60 theo hướng chỉ nên quy định 3 nhóm đơn vị sự nghiệp công lập để phân cấp mức độ tự chủ: nhóm 1 là nhóm không thể tự đảm bảo chi thường xuyên, đó là các đơn vị nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược chính sách và dịch vụ công ích phục vụ quản lý nhà nước: Nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên nhưng cho phép tự chủ sử dụng theo phương thức khoán; nhóm 2 là các đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên, có lộ trình tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên: Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí ngân sách thông qua giao nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng hoặc đặt hàng dịch vụ; nhóm 3 là các đơn vị tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, đó là các đơn vị có năng lực chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ, có nguồn thu ổn định và tăng trưởng tốt.

Cả 3 nhóm này đều có quyền nhận kinh phí đầu tư của nhà nước khi có dự án phù hợp hoặc được nhà nước giao nhiệm vụ, với điều kiện phải tự chủ tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, không nên quy định có nhóm 4 là nhóm phải tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Bên cạnh việc tự chủ về tài chính (khoán chi thường xuyên, trích lập các quỹ, quyết định mức thu nhập tăng thêm của cán bộ, chi thuê chuyên gia, được giao tài sản cho mục đích sản xuất kinh doanh và dịch vụ, được giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước…), các đơn vị sự nghiệp phải được giao quyền tự chủ cao về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự (quyết định số lượng biên chế, thành lập doanh nghiệp hoặc đơn vị trực thuộc, bổ nhiệm cán bộ, hợp tác quốc tế, cử cán bộ kiêm nhiệm hoặc biệt phái sang quản lý doanh nghiệp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ…).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập