Nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chưa cao

Lan Hương| 26/09/2014 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc dù có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào nhưng chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn là điều đáng bàn hiện nay.

“Dân số vàng”

Việt Nam được thế giới đánh giá là có lợi thế về dân số đông, đang trong thời kỳ “dân số vàng” nên lực lượng trong độ tuổi lao động khá dồi dào. Đây là nguồn lực vô cùng quan trọng để đất nước ta thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được Đại hội Đảng XI thông qua ngày 16/2/2011. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn thấp và cần phải được cải thiện càng sớm càng tốt.

Theo kết quả điều tra, nguồn nhân lực nông dân có gần 62 triệu người, chiếm hơn 70% dân số; nguồn nhân lực công nhân là 9,5 triệu người (gần 10% dân số); nguồn nhân lực trí thức, tốt nghiệp từ đại học, cao đẳng trở lên là hơn 2,5 triệu người, chiếm khoảng 2,15% dân số; nguồn nhân lực từ các doanh nghiệp khoảng 2 triệu người, trong đó, khối doanh nghiệp trung ương gần 1 triệu người….

Hiện nay ở Việt Nam đang hình thành 2 loại hình nhân lực: nhân lực phổ thông và nhân lực chất lượng cao. Nhân lực phổ thông hiện tại vẫn chiếm số đông, trong khi đó, tỷ lệ nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Cái thiếu của Việt Nam hiện nay không phải là nhân lực phổ thông, mà là nhân lực chất lượng cao. Theo số liệu thống kê, trong số 20,1 triệu lao động đã qua đào tạo trên tổng số 48,8 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có bằng cấp, chứng chỉ do các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước. Số người từ 15 tuổi trở lên được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chiếm khoảng 40%.

Nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chưa cao

Việt Nam đang còn thiếu nhân lực chất lượng cao

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam cũng thấp hơn so với nhiều nước khác. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (xếp thứ 11/12 nước Châu Á tham gia xếp hạng của WB) trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94...

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tình trạng thất nghiệp không phải là một vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể, trong quí II/2014, tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 1,84%, thấp nhất trong vòng 1 năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điều đáng bàn. Theo phân tích của Bộ LĐ-TB&XH, trong quí II/2014, lao động qua đào tạo chiếm 47,98% trong tổng lực lượng lao động.

Còn theo một kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á do lao động chưa qua đào tạo và thiếu kỹ năng mềm. Cụ thể, năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan - hai quốc gia thu nhập trung bình khác thuộc khối ASEAN.

Tận dụng “cơ hội vàng” như thế nào?

Ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành. Các quốc gia thành viên chỉ còn một thị trường lao động chung. Trong xu hướng đó, lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn. Song chắc chắn, dù lao động nước ta được đánh giá là cần cù, ham học hỏi..., nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp sẽ đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của thị trường lao động thấp. Lao động của Việt Nam có thể bị mất việc làm ngay ở trong nước chứ chưa nói gì đến làm việc ở các nước ASEAN. Vì sao năng suất lao động thấp? Dường như có một nghịch lý rằng, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề luôn được Nhà nước quan tâm và đầu tư; thêm vào đó, số sinh viên khối đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp đã tăng mạnh trong những năm qua. Sinh viên ra trường bằng giỏi, bằng khá ở nhiều trường chiếm tỉ lệ rất cao. Trong khi đó, chất lượng lao động lại được đánh giá là thấp.

Ngành giáo dục và ngành lao động đều nhận định rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng năng suất lao động ở Việt Nam thấp là do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của xã hội. Thực tế, các tỉnh, các bộ, ngành chưa bao giờ đặt hàng cho ngành giáo dục cần cụ thể bao nhiêu kỹ sư, trung cấp, công nhân được đào tạo cho ngành nông nghiệp, giao thông, y tế... Chính vì sự liên kết giữa cung và cầu không sát, không có đặt hàng nên đào tạo chưa sát. Thêm vào đó, nội dung đào tạo nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, nhẹ thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm, khả năng làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ...

Những yếu kém đó dẫn đến việc chất lượng lao động hạn chế là điều dễ hiểu. Và việc các doanh nghiệp tự đào tạo lại kỹ năng nghề chỉ là biện pháp chữa cháy để ổn định nguồn lao động.

Từ nguyên nhân trên cho thấy, để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thì đào tạo nghề theo đơn đặt hàng được cho là con đường tất yếu, ngắn nhất đem lại hiệu quả, hạn chế tối đa những lãng phí trong đào tạo. Sự gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp sẽ giúp các trường tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy. Cùng với đó, nội dung chương trình và phương pháp đào tạo được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp. Vấn đề nữa là cần phải siết chặt “đầu ra” của tất cả các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Theo các chuyên gia, cần phải có tiêu chí và chuẩn mực "đầu ra" của từng ngành, phải kiểm định chất lượng nghiêm túc để có những sản phẩm “đầu ra” có chất lượng cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Cuối cùng, cũng cần chú trọng vấn đề hợp tác quốc tế, nâng cao giao lưu quốc tế, đồng thời hình thành ở bậc phổ thông các trường chất lượng cao hướng tới đạt chuẩn quốc tế, với các trường trọng điểm, các trường chuyên, giáo dục nghề nghiệp là các trường dạy nghề xuất sắc trình độ khu vực, quốc tế. Hợp tác quốc tế giúp chúng ta nâng bình diện chung, đồng thời hình thành mũi nhọn để gắn với quốc tế.

Từ thực tiễn trong nước và kinh nghiệm của thế giới có thể thấy rằng, việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta có ý nghĩa hết sức quan trọng và cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay. Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 cũng nêu rõ cần tập trung tạo đột phá “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân lực dồi dào nhưng chất lượng chưa cao