Nhận diện "siêu lừa" tiền tỷ

congly.com.vn| 13/04/2012 11:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hình thức bóng bẩy, miệng lưỡi “dẻo quẹo” hay vênh váo như kẻ có quyền lực… là độc chiêu những cao thủ lừa thường dùng hòng điều khiển các nạn nhân dốc hết tài sản sang túi mình.

Vợ chồng Thịnh - Thủy


Những thủ đoạn siêu đẳng


Trong những ngày qua, TAND Tp. Hà Nội liên tục đưa ra xét xử nhiều vụ án lừa đảo với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng chục tỷ đồng. Đa số những cao thủ lừa này đều có chung một thủ đoạn là khai thác triệt để những "lợi thế" bản thân, khiến các “đối tác” chỉ sau vài lần diện kiến đã bị “hạ gục”.


Điển hình cho việc “trưng màu” về bản thân phải kể đến là Trần Thị Gái, SN 1962, nguyên Giám đốc Chi nhánh cấp 2 Thanh Xuân, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam vừa hầu tòa ngày 3-8.

Trần Thị Gái khi hầu tòa


Điều hành một hệ thống ngày nào cũng có tiền ra, tiền vào, Gái đã không bỏ qua “thân thế” của mình để hỏi vay tiền một số “đối tác”. Trong số các bị hại, nặng nhất phải kể đến ông Phạm Quang Tuấn ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lần đầu tiên Gái hỏi vay 1,2 tỷ đồng, nói là để đáo hạn một hợp đồng mà ngân hàng của chị ta đang bảo lãnh. Lần này, Gái thanh toán đầy đủ tiền lãi ngày cho “đối tác” khiến ông Tuấn rất tin tưởng. Những lần sau, để dễ bề hỏi vay tiền của người đàn ông này, Gái viết giấy bán nhà rồi cho xem quyết định của một ngân hàng ở Hà Nội cho chị ta vay 23 tỷ đồng triển khai dự án khai thác mỏ sắt tại Yên Bái. Kỳ thực, quyết định này là giả và cả giấy mà Gái nhận bảo lãnh với một ngân hàng khác cho một công ty vay tiền… Tất cả chỉ để cho ông Tuấn thấy độ tin cậy nơi Gái, từ đó mất cảnh giác, bị chị ta lừa vay gần 13 tỷ đồng, mãi tới khi bị bắt giam, người đàn bà này mới trả được cho ông Tuấn 6 tỷ, còn nợ hơn 7 tỷ đồng.


Tuổi trẻ mà “già” mưu phải kể đến cô văn thư Đặng Thị Ngoan, SN 1983, trú tại xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tận dụng cơ hội được cất giữ con dấu, chữ ký của lãnh đạo thị trấn Anh Sơn, Ngoan tiến hành hàng loạt các vụ lừa đảo dưới danh nghĩa mượn tiền cho thị trấn xây chợ cao tầng. Chị ta làm giả các hợp đồng, bản cam kết vay tiền có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Anh Sơn, kèm theo con dấu của UBND thị trấn nên tất cả các bị hại khi trao tiền cho chị ta đều rất tin tưởng. Trong số này, người bị lừa nhiều tiền nhất là chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, giáo viên dạy Ngoan hồi cấp 2, với số tiền gần 4 tỷ đồng. Điều đáng nói là Ngoan rất khéo nói, biết cách đánh vào điểm yếu của từng người như với cô giáo Hoa thì sau khi vay được tiền, Ngoan mang giấy cam kết có chữ ký của Chủ tịch thị trấn tới tận nhà trao, không quên “khích tướng” bằng câu: Thị trấn sẽ biểu dương những người giúp chính quyền địa phương đầu tư khu chợ; còn với nạn nhân là người buôn bán, kinh doanh, Ngoan “bật mí”: chỉ đạo của Chủ tịch thị trấn là người nào cho vay nhiều tiền sẽ được quyền thu thuế và toàn quyền sử dụng tầng 2. Cứ vậy, chỉ bằng vài câu nói cùng mấy tờ cam kết “của nhà làm ra”, Ngoan dễ dàng khiến các nạn nhân dốc cạn túi, đưa tài sản cho chị ta mà không tốn nhiều công sức.


“Siêu lừa” tiền tỷ Nguyễn Nha Trang, SN 1975, trú ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội lại có thủ đoạn độc đáo hơn đó là tẩy xóa một số dòng chữ quan trọng trong sổ đỏ sau đó dùng giấy tờ này thực hiện việc giao dịch mua bán, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của người nhẹ dạ. Chẳng ai nghĩ một cô gái có khuôn mặt trái xoan xinh đẹp, nước da trắng ngần, mái tóc bồng bềnh và đôi mắt biết nói lại là một cao thủ lừa.


Theo Cơ quan điều tra, Trang thuê người tẩy dòng chữ "thửa đất thuộc khu vực quy hoạch phải thu hồi" trong một số sổ đỏ đã được thông báo thu hồi nhưng chị ta không trả, thay vào dòng “nợ tiền sử dụng đất” rồi thản nhiên rao bán đất. Khi có người mua, Trang cũng đưa họ tới xem đất, dẫn ra văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng song với dòng chữ "nợ tiền sử dụng đất", tất cả những chuyển nhượng này đều không thành nhưng với tài ăn nói của Trang, các bị hại đều đồng ý mua với thỏa thuận làm hợp đồng ủy quyền và người mua được toàn quyền quản lý, đóng thuế nợ tiền sử dụng đất, được cho thuê, chuyển nhượng v.v… Đương nhiên, người mua được giữ "sổ đỏ" và thanh toán toàn bộ giá trị mua đất cho Trang. Chỉ đến khi bị hại đi nộp tiền sử dụng đất mới biết thửa đất nằm trong quy hoạch và đã được thông báo thu hồi sổ đỏ.


Giả là người… “quan trọng”!


Thủ đoạn của “siêu lừa” triệu đô Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thành Hà lại được thực hiện cùng với những bộ hồ sơ giả mạo được nước ngoài đầu tư vốn làm dự án. Nhờ những mối quan hệ đã có từ trước, ông Hà đã dùng 6 bộ hồ sơ giả (bằng tiếng Anh) giả mạo con dấu và chữ ký của Chính phủ, Đại sứ quán, ngân hàng một số nước để đi gặp gỡ tiếp xúc với nhiều công ty, cá nhân mà ông ta vốn quen biết để rỉ tai về việc ông ta được vay khoản vốn 22 triệu USD để xây dựng khách sạn, văn phòng cao cấp. Ông ta còn thao thao bất tuyệt rằng vừa trúng thầu quốc tế dự án gần 21 triệu USD và nhiều dự án khác do ông ta tự "vẽ" ra. Vốn ham thích làm các dự án với nước ngoài nên nhiều đối tác đã "mê tít", vì thế khi ông Hà đề nghị ứng trước một khoản tiền để làm thủ tục giải ngân cho khoản vay hàng triệu USD kia, nhiều người tin tưởng đã mở hầu bao và chỉ bằng động tác buôn "nước bọt" này mà theo xác định của cơ quan Công an, ông Hà đã lừa chiếm của 3 công ty và 11 người tổng cộng 3 triệu USD.


Mới đây, Công an tỉnh Lạng Sơn đã tóm cổ được cặp vợ chồng lừa đảo 25 tỷ đồng đã bỏ trốn nhiều năm. Đó là một câu chuyện thật mà cứ như đùa. Chỉ vì tin vợ chồng Bế Thị Thủy và Hoàng Kim Thịnh mà bà H. ở Tp. Lạng Sơn đã đưa cho vợ chồng họ số tiền 4 tỷ đồng. Khi vợ chồng Thịnh, Thủy bảo với bà H. rằng cùng góp vốn mua hàng phát mại với giá rẻ về bán để kiếm lời. Thủy chủ động vẽ ra viễn cảnh giàu có, thu tiền như nước, rằng Thủy sẽ đi mua hàng phát mại, lo người bán hàng. Còn bà H. chỉ việc đưa tiền cho Thủy để chị ta đi mua các loại hàng tạp hóa, đồ dùng gia đình về bán. Và cũng chưa khi nào bà H. nhìn thấy số hàng hóa mà Thủy đưa về bán mà chỉ nghe qua lời tỷ tê kể lể của ả. Bà H. còn thú thực là, bà tin Thủy bởi chồng cô ta là một cán bộ của Sở Tư pháp nên vợ không thể… đi lừa. Niềm tin ấy và lòng tham sẽ giàu có nhanh chóng bằng việc góp vốn kinh doanh hàng tạp hóa, trong khi bà H. chỉ nhìn thấy mấy tờ hóa đơn chứng từ đơn giản lèo tèo, mà vẫn tin và giao cho Thủy hơn 1 tỷ đồng. Thấy lừa bà H. quá dễ, Thủy tiếp tục đánh vào lòng tham của bị hại, nói rằng "lô hàng này lãi được 400 triệu đồng" nhưng thực tế thì bà H. chưa cầm được đồng nào. Được Thủy "rót mật" vào tai, bà H. lại tiếp tục đưa tiền cho Thủy, tổng cộng 20 lần với số tiền 4 tỷ đồng. Quá ngoạn mục với những cú lừa dễ dàng, vợ chồng siêu lừa Bế Thị Thủy đã tiếp tục lừa của nhiều người tổng cộng khoảng 25 tỷ đồng.

Những cú lừa tiền tỷ vẫn cứ xảy ra ngày càng nhiều với các thủ đoạn khác nhau. Mong rằng khi trao tiền cho người khác để làm ăn, kinh doanh hoặc nhờ vả, mọi người hãy "chọn mặt gửi vàng". Đừng vì hám lời mà dễ dàng tin và đưa tiền mồ hôi nước mắt cho những siêu lừa để rồi chuốc nỗi đau âm ỉ trong lòng.


Nguyễn Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện "siêu lừa" tiền tỷ