Các nhà khoa học Trung Quốc vừa tạo ra 2 con khỉ - gọi là Zhong Zhong và Hua Hua - bằng phương pháp sinh sản vô tính, tương tự kỹ thuật đã tạo ra cừu Dolly ở Scotland năm 1996.
Zhong Zhong và Hua Hua, nay đã được 8 và 6 tuần tuổi, đang phát triển bình thường. Đây là 2 con vật linh trưởng đầu tiên được sinh sản vô tính nhờ một quá trình gọi là chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT). Nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Thần kinh thuộc Học viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng công trình của họ sẽ giúp giới y khoa nghiên cứu bệnh tật trong quần thể khỉ giống nhau về mặt di truyền.
Theo kênh ABC News, các nhà khoa học này cho biết dự kiến có thêm nhiều con khỉ nữa ra đời bằng phương pháp sinh sản vô tính trong mấy tháng tới bất chấp tỉ lệ thành công còn rất thấp.
Dù vậy, đột phá trên cũng gây không ít nỗi lo bởi nó có thể mở ra cánh cửa dẫn đến nhân bản vô tính chính con người. "Con người cũng là một loài linh trưởng. Rào cản về kỹ thuật để nhân bản vô tính các loài linh trưởng, kể cả con người, nay đã bị phá vỡ. Lý do chúng tôi phá vỡ rào cản trên là để tạo ra các mẫu động vật hữu ích cho y học và sức khỏe con người. Chúng tôi không có ý định áp dụng phương pháp này vào con người" - ông Muming Poo, thành viên nhóm nghiên cứu, thông tin về công trình của mình.
Hai con khỉ nhân bản vô tính Zhong Zhong và Hua Hua. Ảnh: Reuters
Theo tờ The Sun, nhiều nhà bảo vệ động vật đã lên án kế hoạch nhân bản vô tính loài vật để thử nghiệm thuốc là một "công việc khủng khiếp". Họ cho rằng nhân bản là quá trình tốn thời gian, tiền bạc và sinh mạng bởi tỉ lệ thất bại rất cao.
"Chúng tôi lo ngại đây là bàn đạp tiến đến việc tạo ra con người bằng phương pháp sinh sản vô tính. Mặc dù phương pháp này còn rất khó tiến hành nhưng những người có đủ nguồn lực tài chính vẫn nuôi tham vọng trở thành nhân vật đầu tiên nhân bản vô tính người" - ông David King, thành viên tổ chức Human Genetics Alert (Anh), lo ngại.
Tuy vậy, ông Robin Lovell-Badge, chuyên gia về sinh sản vô tính tại Viện Francis Crick (Anh), khẳng định công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc không làm gia tăng cơ hội nhân bản vô tính con người. Theo ông, thật là quá điên rồ nếu như ai có ý định thử làm điều đó bởi nó rất không hiệu quả, quá thiếu an toàn và cũng vô nghĩa.