Nhạc Lam Phương ghi dấu trong lòng người nghe bởi sự chân thành, mộc mạc, bình dị như chính bản chất của ông.
Và hơn hết, nó là tiếng lòng của Lam Phương, phản chiếu số phận long đong, chơi vơi của ông từ lúc mới lọt lòng…
“Kiếp nghèo”
17 tuổi, Lam Phương cùng mẹ và 5 người em chen chúc trong một căn phòng trọ ọp ẹp, chật vật tại khu lao động nghèo ở Đa Kao. 17 tuổi, Lam Phương thấm thía mọi cay đắng, cơ cực mà mình và gia đình đang chịu đựng. Dường như đời ông lúc nào cũng nằm trong vòng lẩn quẩn tối đen, niềm vui thì ít mà nỗi buồn luôn đong đầy. Nói như Lam Phương, nó như ngọn “đèn khuya” thỉnh thoảng lóe lên rồi lại tắt và mịt mùng trong màn đêm vô tận.
Kiếp nghèo – ca khúc đánh dấu tên tuổi Lam Phương trên con đường sáng tác chuyên nghiệp – mà ông viết không lâu sau đó đã tham chiếu mọi ngõ ngách sâu kín nhất của trạng thái cô đơn, bi đát trước đời sống hiện thực của ông khi đó: “Đi về giữa đêm mưa, trong cái cư xá lầy lội, nghèo khổ, tôi thấy mình thật cô đơn, bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình”.
Tên thật là Lâm Đình Phùng, Lam Phương chào đời tại Rạch Giá, Kiên Giang vào năm 1937, là con trai cả trong gia đình. Tuổi thơ Lam Phương sớm chìm ngập trong thiếu thốn, khó khăn và vất vả vì cha ông rời bỏ gia đình từ khi Lam Phương còn rất nhỏ. Bảy miệng ăn trong nhà vì thế oằn lên vai người mẹ nghèo lam lũ quanh năm. Cũng vì thế, ông đã dồn hết tình thương cho người mẹ quê mùa nhưng chất phát, nghèo nàn về vật chất nhưng giàu tình thương của mình. Bà đã trở thành ngọn nguồn nuôi dưỡng cảm xúc, giúp Lam Phương viết rất nhiều những ca khúc nổi tiếng, trong đó có Khóc mẹ. Ông đã không ít lần bật khóc nức nở khi nhắc đến người mẹ thân yêu đã qua đời vào năm 1979: “Tôi thương má tôi lắm. Má tôi là một người đàn bà quê mùa nhưng mà thực lòng thương tôi lắm. Con trai lớn mà! Má tôi chỉ cần nói một câu thôi mà tôi đã ráng làm muốn chết luôn”.
Lên mười tuổi, cậu bé Lam Phương giã từ mái tranh xơ xác nơi vùng quê nghèo, bươn bả lên Sài Gòn làm thuê làm mướn. Cũng chính tại đây, nhạc sĩ Hoàng Lang đã gieo vào lòng Lam Phương những nốt nhạc đầu tiên và khơi dậy trong ông nhạc cảm tuyệt vời. Không chỉ học với thầy, Lam Phương còn tự mua sách vở chong đèn mày mò học thêm. Về sau, ông còn được nhạc sĩ Lê Thương tận tâm truyền nghề.
Bút hiệu Lam Phương được ông sử dụng từ ca khúc đầu tay Chiều thu ấy (khi ông 15 tuổi) cho tới những nhạc phẩm cuối cùng trong đời. Theo cách lý giải của ông, nó rất giản dị và bắt nguồn từ chính tên thật của mình. Lâm Đình Phùng gần như chỉ lấy họ và tên của mình để ghép thành hai từ: Lam Phương. Chính từ cái tên gợi sự nhẹ nhàng ấy, nền tân nhạc Việt Nam đã có một tên tuổi gắn với 217 nhạc khúc (theo thống kê của Thời báo Canada) với nhiều chủ đề, đồng hành cùng nhiều thăng trầm của dân tộc và thời cuộc.
Chiều thu ấy được Lam Phương xem như một kỷ niệm suốt đời không thể nào quên. Ông viết ca khúc này làm nhạc nền cho một vở kịch tại trường. Ít ai có thể tượng tượng một cậu bé 15 tuổi, độ tuổi còn đầy mộng mơ, hồn nhiên và rất con trẻ lại có thể viết được những ca từ khắc khoải và nặng nợ với duyên phận tình yêu đến vậy. Sau đó, nó đã được những ca sỹ nổi tiếng nhất của Tân nhạc Việt Nam thời kỳ đó thể hiện như Bích Thủy, Túy Hồng. Tuy nhiên, không một nhà sản xuất âm nhạc nào lại dám tin vào ca khúc của cậu học sinh nhỏ tuổi, với vốn nhạc lý tầm thường mà bỏ tiền ra xuất bản. Vì thế, Lam Phương đã có một quyết định vô cùng táo bạo – là vay mượn bạn bè được 600 đồng (khi đó rất lớn) để tự in bản nhạc rồi thuê xe lam chở đi giao ở các quầy hàng bán lẻ khắp Sài Gòn. Tuy cũng gỡ gạc được vốn nhưng Chiều thu ấy vẫn chưa phải là bước đột phá đưa Lam Phương bước chân vào thiên đường tân nhạc.
Lam Phương tâm sự ông không sao quên được niềm ao ước của mẹ ông là có được một căn nhà nhỏ, tươm tất cho bầy con đông đúc. Từ sự thúc đẩy đó, ông quyết tâm dùng con đường âm nhạc làm phương tiện để làm vui lòng mẹ. 1955, khi đã tự mình làm dày kiến thức âm nhạc, Lam Phương mới bắt đầu trở lại và lần này là sự trở lại đầy mạnh mẽ với một sức sáng tạo thần kỳ cùng Kiếp nghèo, Chuyến đò vĩ tuyến, Nhạc rừng khuya, Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Khúc ca ngày mùa…
Những năm kế tiếp, nhạc của Lam Phương dàn trải trên nhiều thể loại phong phú và được đón nhận một cách nồng nhiệt, có thể coi là một loại nhạc phổ thông tiêu biểu ở miền Nam, với lời lẽ mộc mạc, âm điệu sáng trong, gần gũi với quần chúng như Chờ Người, Tình Bơ Vơ, Duyên Kiếp, Thành Phố Buồn, Tình Chết Theo Mùa Đông, Thu Sầu, Nghẹn Ngào, Trăm Nhớ Ngàn Thương,… Chính sự giản dị ấy đã khiến nhạc của ông in sâu vào tâm hồn người nghe một cách dễ dàng và trở thành một hình thức văn chương truyền khẩu đầy nhạc tính và được quần chúng thay đổi lời ca cho phù hợp với một số tình huống xã hội tiêu biểu.
Cuối đời chống chếnh
Giữa năm 1960, Lam Phương chuyển sang cộng tác với các đoàn kịch nổi tiếng lúc bấy giờ như Hoàng Lan, Văn Phụng. Chính trong thời điểm này ông đã gặp và yêu Túy Hồng. Vốn là bạn thân của anh trai Túy Hồng, những ngày thứ bảy và chủ nhật, Lam Phương thường đến nhà bạn để hòa nhạc và dạy hát cho Túy Hồng cùng vài nữ sinh khác. Thời điểm này, Lam Phương lại đang hợp tác với ban nhạc kịch lớn Dân Nam nên liền đề nghị Túy Hồng cùng với mình “đầu quân” về đó làm việc. Kể từ đó, Túy Hồng bắt đầu trình diễn các ca khúc của Lam Phương và rất thành công, nhất là hai bản Chiều tàn và Phút cuối. Gần nhau lại hợp nhau về nghệ thuật nên Lam Phương – Túy Hồng đã quyết định tiến tới hôn nhân, làm thành một cặp đẹp đôi trong giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ.
Sau 1975, vợ chồng Lam Phương di cư sang Paris và có những tháng năm hạnh phúc ở đây. Vậy mà, mối tình đẹp ấy cũng đến hồi tan vỡ. Trong sự khủng hoảng tình cảm đó, Lam Phương đã sống những chuỗi ngày mang nặng u buồn.
Sau một thời gian dài, bước qua đau khổ, Lam Phương đã tìm được nguồn an ủi ở một cuộc tình khác. Như ông đã giãi bày thì cuộc tình thứ hai này là cuộc tình đẹp nhất trong đời ông. Trong mười năm chung sống ít ỏi, người phụ nữ này đã mang đến cho ông một luồng gió mới, ấm áp, yêu thương và vỗ về. Nhạc của Lam Phương vì thế trở nên tha thiết hơn, trau chuốt hơn với Bài tango cho em, Ngày hạnh phúc, Cỏ úa,… từng rất thành công với tiếng hát Lê Hiếu, Đan Trường, Hồ Ngọc Hà.
Năm 1995, Lam Phương sang Mỹ định cư. Càng về già cuộc sống của ông càng thấm đẫm nỗi cô đơn. Năm 1999, ông bị tai biến và liệt nửa thân người. Biến cố này khiến ông trở về với nỗi bi quan tưởng chừng như đã có thể dứt bỏ được. Gần đây, sức khỏe của ông đã khả quan hơn rất nhiều. Ông đã có thể chống gậy đi quanh căn nhà xinh xắn của mình.
Thời gian vẫn cứ trôi, có những điều đã có thể giãi bày nhưng cũng có không ít điều vì một vài lý do, và vì dung lượng bài viết, chưa thể nói tỏ tường. Thế nhưng, tôi tin sự vươn lên của Lam Phương trong đời sống là tấm gương sáng cho bất cứ ai và với những gì đã cống hiến, ông xứng đáng là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam.
Cuộc đời nhiều đắng cay, chua xót, tình yêu cũng không ít lần nghẹn ngào, phôi pha nhưng vẫn sáng lên trong những bài hát của Lam Phương sự lãng mạn của một tâm hồn nhiều cảm xúc. |