Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghề chữ nghĩa nhưng nói như Phạm Vân Anh thì chị bị "duyên nợ từ kiếp trước" nên mới "không thể dừng được chuyện viết văn".
Điều đặc biệt là trong mỗi tác phẩm, mỗi trang viết của chị, người ta đều thấy toát lên tinh thần yêu cuộc sống và hướng thiện...
"Đeo gông, đóng số" với văn chương
Ở đất Cảng, Phạm Vân Anh (SN 1980) làm ở Hội VHNT Hải Phòng cho tới khi lập gia đình với một nhà báo công tác tại báo Nhân dân. Chồng chị cũng là dân văn nghệ, tính cách đậm hơi hướm văn chương chữ nghĩa. Lúc đó, ai cũng nghĩ rằng, rồi Phạm Vân Anh cũng sẽ yên phận như bao người phụ nữ, sinh con đẻ cái, lui về lo chuyện "bếp núc gia đình".
Thế nhưng, Hải Phòng - mảnh đất cần lao pha chút chất lãng tử, hào hoa đã làm nên một phần phong cách trong con người Phạm Vân Anh; mảnh đất cửa bể của nữ tướng Lê Chân, của giới thợ thuyền đi về sớm chiều ấy có vẻ bình lặng quá đã không giữ được chân chị với nỗi khát khao được gần các bậc thầy để học hỏi nhiều hơn. Năm 2007, chị khăn gói theo chồng lên Hà Nội. Như người ta nói, Hà Nội là trung tâm, là nơi tụ hội người tài từ bốn phương tám hướng, thế nên việc lập nghiệp ở đây chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ ai. Phạm Vân Anh cũng không là ngoại lệ...
Song, điều đáng nói là kể từ khi lên đến đất thủ đô, trong cái môi trường nghệ thuật cởi mở, xung quanh là anh em nghệ sĩ, tất nhiên sự cạnh tranh nhiều, nhưng rõ ràng từ bấy giờ tài năng của Phạm Vân Anh mới bắt đầu “phát tiết”. Chẳng thế mà, chỉ trong vòng mấy năm, chị liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm, như: Tôi chào tôi (tập thơ, NXB Hải Phòng), Mùa tình (tập thơ, NXB Hội Nhà văn), Góc (tập thơ, NXB Hội Nhà văn), Ngón hoa (tập truyện ngắn, NXB Quân đội), Tỏ bóng (tiểu thuyết, NXB Công an nhân dân...). Và từ đó, các giải thưởng cũng "tìm" đến chị ngày một nhiều hơn, từ Giải thưởng dành cho Tác giả Trẻ của Ủy ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam đến Giải Ba về Thơ (không có giải Nhất, Nhì) trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ phối hợp tổ chức năm 2007.
Phạm Vân Anh trong một chuyến tác nghiệp tại vùng cao
Khi mới đọc các tác phẩm của Phạm Vân Anh, nhiều người thường bảo chị viết lạ, viết mới, viết khó hiểu, bí hiểm... Nhưng không, nếu đọc kỹ, văn hay thơ của Phạm Vân Anh đều mang hơi thở cuộc sống đương đại, gần gũi và dung dị. Chữ nghĩa Vân Anh là chữ nghĩa con nhà lao động mà lại lao động rẻo cao nên từng nhát cuốc, đường cày phải tính toán chi li, cẩn thận cho bớt giọt mồ hôi...
Điều dễ nhận thấy qua các tác phẩm của Phạm Vân Anh là những thao thức, trăn trở bật lên từ những số phận con người mà chị đã từng gặp, đã từng gắn níu qua công việc của mình. Từ anh lính biên phòng nơi "cuối trời Tây Bắc có Lai Châu", đến những đứa trẻ thịt da ngoang nguếch trong cái xóm nghèo nằm tít hút mũi Cà Mau. Mỗi tác phẩm của chị, dù là báo chí, truyện ngắn, hay thơ đều mang tải ít nhiều những thông điệp về con người, về cuộc sống, hướng bạn đọc đến với các giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Nếu coi văn chương là một nghề thì cái nghề ấy đã "đeo gông đóng số" Phạm Vân Anh. Mỗi trang viết của chị đều vọt lên tinh thần khát sống, khát những gì bản năng tươi đẹp nhất và hướng thiện. Chữ nghĩa của Phạm Vân Anh là thứ chữ nghĩa luôn có ý thức hướng người ta trở về với các giá trị muôn một của tổ tiên, của ông cha để lại. Đồng thời, nó cũng gợi tạo cho bạn đọc những góc nhìn đầy mới mẻ, đầy tính nhân văn về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.
Đam mê xê dịch
Kể từ khi về công tác tại Báo Biên phòng, có điều kiện đi đến hầu hết các vùng biên giới - biển đảo của Tổ quốc, trải nghiệm và tìm hiểu sâu sắc dư địa chí, phong tục, tập quán của các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc, tài năng của Phạm Vân Anh như được chắp cánh. Tính đến giờ, chị đã thực hiện hàng trăm phim tài liệu, phóng sự báo chí và hàng trăm bài báo về lực lượng BĐBP, CAND cùng những con người có cống hiến cho dân tộc, cho lực lượng vũ trang cũng như cộng đồng xã hội xung quanh họ.
Không chỉ đam mê xê dịch, Phạm Vân Anh còn là một người say nghề, say đến độ bất chấp hiểm nguy, gian khó chực chờ, một mình leo đèo, lội suối hàng tuần trời, vai lỉnh kỉnh đồ nghề băng qua Thập tầng đại sơn A Pa Chải để lên đến cột mốc ba cạnh, phân giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, chỉ để nhìn, để cảm nhận cái vẻ đẹp hùng vĩ, diễm tình của núi non nước Việt. Hay đôi khi, chỉ vì bị tiếng cồng, tiếng chiêng hoan say mời gọi, chị sẵn sàng khoác ba lô lặn lội hàng nghìn cây số để đến với vùng đất đầy nắng gió Tây Nguyên. Rồi "ăn dầm" ở đó hàng tháng trời, chui vào từng góc làng, xó bản, gặp từng lão nghệ nhân để tìm hiểu về các trầm tích văn hóa cổ xưa.
Hoặc như mới đây, để thực hiện loạt phim phóng sự Những người anh em nhỏ bé, loạt phim về đề tài phản ánh đời sống văn hóa xã hội của những dân tộc thiểu số Việt Nam đang đứng trước tình trạng suy thoái giống nòi, Phạm Vân Anh đã cùng với ê - kíp làm phim nhiều tháng ròng lăn lộn khắp đủ những vùng đất xa xôi và cam khó nhất nước ta. Để ghi được những hình ảnh, thước phim sống động, chân thực nhất về cuộc sống của đồng bào, chị và anh em trong đoàn làm phim đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức.
Lắm lúc, trên hành trình dặm dài khám phá tổ quốc, Phạm Vân Anh cũng đã từng gặp vô vàn khó khăn, trắc trở, thậm chí là hiểm nguy rình rập. Thế nhưng, mỗi lần như thế, chị lại tìm cách để vượt qua và coi những cam khó ấy là trải nghiệm cho nghề, là cơ hội để nâng cao vốn sống của mình. Cách nhìn đó, cách đối diện với khó khăn ấy, chỉ có thể bật lên từ những người lạc quan và yêu nghề đến mê mẩn.
Đi nhiều, chủ yếu là những vùng thậm xa xôi, thậm gian khó của Việt Nam, nên Phạm Vân Anh cũng bắt gặp nhiều cảnh đời, nhiều số phận trái ngang, nghèo đói. Mỗi lần như thế, chị lại tất tả vận động các nhà hảo tâm, bạn bè, thậm chí dành tặng hết tiền từ các giải thưởng của mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh như trẻ em chất độc da cam, tàn tật, con thương binh liệt sỹ, đóng góp vào Quỹ “Nồi cháo tình thương” dành cho bệnh nhân K, thực hiện nhiều chuyến đi tặng quà gồm chăn màn, quần áo và nhu yếu phẩm cho các bản làng nơi biên giới...
Thành công nối tiếp
Những tưởng sẽ yên phận với việc viết báo, làm thơ, ấy thế nhưng chả biết duyên phận đưa đẩy thế nào, mấy năm nay Phạm Vân Anh lại rẽ ngang sang làm đạo diễn. Mảng công việc mà chị phụ trách là xây dựng các bộ phim tài liệu và phóng sự về Bộ đội Biên phòng. Từ đó, chị thường xuyên có những chuyến đi dọc dài đất nước, được chứng kiến những góc khuất xã hội ở những nơi xa xôi thuộc vùng dân tộc thiểu số. Mà ở đó, khi đi sâu vào tìm hiểu đời sống của đồng bào, chị bắt gặp nhiều dòng chảy văn hóa "lạ", toát lên từ những tập tục, nếp sống nơi núi cao.
"Văn chương hay báo chí đều phải bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống", chính nhờ cái quan điểm sáng tạo ấy nên các tác phẩm của Phạm Vân Anh, dù là thơ, truyện ngắn hay báo chí, truyền hình đều được đông đảo công chúng đón nhận và được "dân" trong nghề đánh giá cao. Tuy mới bước vào nghề báo chưa lâu, nhưng những giải thưởng mà chị đã nhận không hề ít, từ các giải Báo chí quốc gia đến Huy chương trong các Liên hoan truyền hình toàn quốc (2010 và 2014).
Nhà báo Phạm Vân Anh (giải thưởng phóng sự của năm) và nhà báo Bec zajac - Australia (giải nhà báo của năm) tại đêm Gala trao giải
Và, mới đây nhất, vào ngày 5/3/2015 vừa qua, tại vòng chung kết “Giải thưởng báo chí Trao quyền cho phụ nữ” 2015 trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vượt qua hàng trăm bài dự thi, phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” của tác giả Phạm Vân Anh, kênh truyền hình ANTV là một trong 4 tác phẩm được vinh danh cho hạng mục Phóng sự truyền hình của năm. Đây cũng là tác phẩm duy nhất từ thị trường báo chí Việt Nam lọt vào vòng chung kết trong cuộc thi lần thứ 2 này.
Phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” của ANTV ghi lại những hình ảnh tuyệt vời về sự mạnh mẽ, chịu thương chịu khó của các phụ nữ làng chài vùng biển Tây thuộc địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, trong đó là hình ảnh nữ tài công Tôn Thị Lan giỏi đi biển và giàu lòng nhân ái đã truyền lửa cho đội nữ ngư phủ theo nghề đánh bắt và thu mua cá trên biển. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, Phó trưởng ban giám khảo Giải thưởng "Báo chí trao quyền cho phụ nữ" tại Việt Nam, đã nhận xét rằng: “Bà Tôn Thị Lan đã cho thấy quyền năng của phụ nữ bằng cách chứng tỏ năng lực của mình và giúp những phụ nữ khác thể hiện tinh thần lao động hăng say trong lĩnh vực mà lâu này chỉ dành cho nam giới - đi biển. Lòng yêu biển, sự can đảm và tinh thông nghề biển của họ khiến chúng ta nể phục”.
Để thực hiện tác phẩm này, Phạm Vân Anh cùng với ê kip làm phim đã phải bám theo hải trình thu mua hải sản của nữ tài công Tôn Lan ròng rã nhiều ngày trời trên biển. Trong suốt quá trình làm phim, đoàn đã luôn bám sát theo mọi hoạt động đội tàu để ghi lại những hình ảnh sinh động, chân thực nhất về công tác thu mua cá biển, cứu hộ cứu nạn và bảo vệ an ninh biển... Sau khi chương trình phát sóng trên kênh truyền hình ANTV đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía bạn xem truyền hình, đặc biệt là bà con ngư dân vùng biển Tây Nam. Tác phẩm đã góp phần biểu dương một tấm gương sáng về tình yêu với biển đảo của Tổ quốc, về tình yêu lao động và nghị lực của những người phụ nữ Việt Nam.
Ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cho biết: Cuộc thi đã nhận được hơn 60 tác phẩm dự thi đến từ các cơ quan thông tấn báo chí như VTV, ANTV, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, Thanh niên, Tuổi trẻ... phản ánh đa dạng về những khó khăn và nỗ lực của phụ nữ Việt Nam trong công việc và cuộc sống. Trong đó, phóng sự "Đội quân tóc dài trên biển Tây" là một trong 4 tác phẩm truyền hình được Ban Giám khảo đánh giá cao nhất...
Âu đó cũng là một thành công, một dấu son trong sự nghiệp của nhà văn, nhà báo Phạm Vân Anh...